Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản sạch |
Ngày 26-10, diễn đàn Mekong Connect 2016 tổ chức tại Cần Thơ với chủ đề: “Tìm cơ trong nguy – Đối mặt biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập”. Tại đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thừa nhận: “Nếu chúng ta cứ đủng đỉnh, không tìm giải pháp khắc phục để có những sản phẩm chất lượng và sạch, để cạnh tranh tốt, chúng ta sẽ thua ngay cả trên sân nhà”.
Theo các chuyên gia, nông nghiệp VN và ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức như tài nguyên đất và nước ngày càng khan hiếm; thiên tai, dịch bệnh nhiều; thị trường biến động; khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng yếu; liên kết trong ngành kém; sản xuất nông nghiệp manh mún… Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế đã xếp VN, đặc biệt là ĐBSCL, nằm trong nhóm có nguy cơ tổn thương cao do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) thì cần phải biến những khó khăn đó thành thuận lợi. “Mùa khô kéo dài là cơ hội để phát triển các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời; gió bão tăng giúp phát triển điện gió (đang thực hiện tại tỉnh Bạc Liêu)… Và khi lượng nước giảm, thay vì thoát lũ chúng ta giữ lại ở Đồng Tháp Mười. Đồng thời tăng ứng dụng khoa học công nghệ”, ông nhấn mạnh.
Song song đó phải thay đổi tập quán sản xuất của nông dân bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp. Nghĩa là phải sản xuất theo chuỗi giá trị, từ giống, trồng, thu hoạch, vận chuyển bảo quản, chế biến, giao thông và xuất hàng; giảm số vụ và diện tích gieo trồng. Muốn vậy phải xây dựng cánh đồng lớn để cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hạ giá thành, kết hợp quản lý chuyên nghiệp để hạt gạo sạch, an toàn và thực hiện liên kết vùng, liên kết giữa nhà khoa học – doanh nghiệp – chính quyền và nông dân.
Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, phân tích: “Cambodia đã xây dựng thương hiệu gạo thành công, trong đó giống Vibitava xuất khẩu có giá hơn 3 USD/kg, trong khi gạo VN bán chỉ bằng 10% giá đó. Nếu gạo VN có thương hiệu, giá bán tăng sẽ đạt lợi nhuận cao giúp giảm vụ và diện tích sản xuất nhưng đảm bảo lợi nhuận. Giúp cho đất nghỉ, hạn chế phát thải, bảo vệ dinh dưỡng và môi trường. Đất có đủ dinh dưỡng sẽ giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Nông dân có thể đạt 30% lợi nhuận từ trồng lúa và tăng thu nhập với các vụ rau màu xen canh”.
Hiện đã có những mô hình ứng dụng công nghệ để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, như mô hình nuôi heo rừng tại gia đình của kỹ sư Đoàn Phan Dinh, tỉnh Đồng Tháp; sản xuất lúa Nhật theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật của Công ty TNHH Xuất khẩu gạo Trung An, TP.Cần Thơ…
Đan Phượng
Bình luận (0)