Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

ĐBSCL: Nhiều nút thắt kìm hãm phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ổn định và phát triển tốt về chất lượng điều hành, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất hạn chế và phát triển kinh tế ở khu vực này cũng hết sức ì ạch. 

ĐBSCL: Nhiều nút thắt kìm hãm phát triển
Hạ tầng là một nút thắt lớn trong phát triển của vùng ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Đó là những vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực ĐBSCL do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ tổ chức ngày 5/4 tại Vĩnh Long.

10 năm mới có một cây cầu

“Tại sao PCI của ĐBSCL tốt nhưng thu hút đầu tư thì kém?” – ông Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ nêu vấn đề. Ông cho biết, FDI của vùng nằm ở Long An hết 1/3 do tỉnh này có vị trí địa lý thuận lợi. Gần đây FDI có di chuyển dần xuống Tiền Giang và Trà Vinh do các địa phương này có chính sách tốt, đây là yếu tố cộng cho việc thu hút đầu tư. Theo ông Dũng, nếu có PCI tốt và muốn thu hút đầu tư, chắc chắn phải có hạ tầng cải thiện. Nhìn lại vùng ĐBSCL, hạ tầng được cải thiện rất chậm, 10 năm mới có được cây cầu, cũng nhiều năm mới có đường cao tốc…, cơ sở hạ tầng và điều kiện giao thông đang là trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư. Khắc phục điều này hy vọng nhiều vào các dự án lớn đang thực hiện như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cao tốc Trung Lương – Cần Thơ… 

Nút thắt khác của ĐBSCL theo ông Dũng là biến đổi khí hậu, sự yếu kém của khu vực đô thị, thể chế nông nghiệp. Trong khi đó, số lượng DN còn khiêm tốn (chiếm 7 – 8% số DN cả nước), trong đó đa phần là DN nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mặc dù đã được cải thiện về chất lượng hoạt động nhưng còn thấp khá xa so với bình quân chung.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, điểm yếu lâu nay của ĐBSCL vẫn là chất lượng lao động (2014 – 2016 thấp nhất cả nước), hầu hết các nhóm DN đều chưa hài lòng về chỉ số thành phần này. Bên cạnh đó là việc tiếp cận vốn thấp (thấp thứ 2 cả nước), nhất là với các DN nhỏ và siêu nhỏ, nông – lâm nghiệp – thủy sản là lĩnh vực quan trọng song thời hạn vay vốn lại thấp nhất.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, để phát triển toàn diện hơn, cần đầu tư cho kết cấu hạ tầng để giảm chi phí, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó lấy đào tạo cho DN làm trung tâm. Các trường cần liên kết chặt chẽ với DN, giáo dục đào tạo gắn liền với sản xuất, đời sống trên đồng ruộng hay nhà máy… Mỗi năm VN chi 3 tỷ USD để cử 120.000 sinh viên du học nước ngoài. Chất lượng đào tạo đại học ở VN chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Nhiều DN của VN muốn sử dụng lao động Philippines hay Thái Lan thay vì lao động VN vì tinh thần lao động, ý thức trách nhiệm và kỹ năng chuyên môn của lao động VN thấp hơn.

Nên phân cấp mạnh hơn?

Ông Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, điểm yếu của các tỉnh ĐBSCL, bên cạnh hạn chế về năng lực quản trị DN là việc thiếu cơ chế kích thích cơ sở sản xuất thành lập DN nên số lượng DN thành lập mới hạn chế. Theo ông Nưng, cơ chế đang còn nhiều bất cập, thể hiện ở chỗ “buông cái cần nắm và nắm cái cần buông”.

Để kích thích sản xuất kinh doanh, cần có cơ chế thoáng hơn, tạo điều kiện nhanh để các cơ sở sản xuất kinh doanh có động lực tiến lên DN, nhà nước nên phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Vì thực tế có những cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn lớn hơn và đóng thuế nhiều hơn cả DN nhưng họ lại không thành lập DN. Mặt khác, DN cần mở rộng quy mô sản xuất nhưng thiếu quỹ đất, thậm chí khi có quỹ đất thì cũng phải thuê lại…

Một kiến nghị khác, theo ông Nưng, ngân hàng nên cải tiến cách tiếp cận vốn cho DN. “Trong khi DN kêu khó khăn trong việc tiếp cận vốn thì ngân hàng lại nói nguồn vốn luôn sẵn sàng. Việc này không biết ai đúng ai sai, lại giống như câu chuyện quả trứng-con gà… DN gặp khó khăn thì sẽ kìm hãm sự phát triển của địa phương” – ông Nưng nói. 

Theo TS Lê Đăng Doanh, để biến nguy thành cơ, chúng ta cần đổi mới tư duy, từ bỏ sản xuất, canh tác theo thói quen và truyền thống, từ bỏ chạy theo số lượng, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong đó, tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng phải bảo vệ quyền sử dụng lâu dài, hợp pháp của nông dân, tránh ruộng đất tập trung vào các chúa đất mới ở nông thôn, quyền sử dụng đất phải được biến thành quyền tài sản. Chuyển sang nông nghiệp sạch, chất lượng cao, xuất khẩu sang nhiều thị trường thay vì chỉ dựa vào thương lái và thị trường Trung Quốc.

Thúc đẩy khởi nghiệp

Theo ông Võ Hùng Dũng, việc tiếp cận và ý thức về khởi nghiệp tại vùng ĐBSCL có rất sớm, có một số cơ sở ban đầu và một số mầm ươm, song nhìn chung còn thiếu hạt giống và ý tưởng, còn mang tính phong trào, rời rạc, thiếu kết nối và chuyên nghiệp, nhiều địa phương muốn làm nhưng chưa biết làm gì và làm như thế nào. “Nói chung là thiếu các yếu tố căn bản mà người ta gọi là hệ sinh thái cho hoạt động khởi nghiệp” – ông Dũng nói và cho rằng cần thiết phải hình thành mạng lưới, chương trình khởi nghiệp cho cả vùng vì các tỉnh có những đặc điểm chung về sản xuất, địa lý, văn hóa…, mỗi tỉnh lại có quy mô nhỏ nên sự hợp sức sẽ tạo quy mô lớn và hấp dẫn hơn. 

Cảnh Kỳ (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)