Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBSCL: Phải gắn kết doanh nghiệp với địa phương và nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-12, tại TP.Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo: “Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Đ.Phượng

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề hạn hán, cạn kiệt nguồn nước, xâm nhập mặn, suy thoái, ô nhiễm môi trường ở nước ta nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, có thể nói chìa khóa cho mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp là khoa học kỹ thuật (KHKT), chuyển giao công nghệ và khuyến nông cho bà con; kết nối, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) cùng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

Tuy nhiên, dù có khá nhiều mô hình ứng dụng công nghệ đem lại hiệu quả nhưng vì sao sản xuất nông nghiệp chưa tạo được sự bứt phá? Riêng về lúa gạo, vốn là sản phẩm chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam, 11 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ, giảm 25% khối lượng, giảm 20% giá trị. VN không đạt chỉ tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo…

Tại hội thảo, một số nguyên nhân chính được các đại biểu chỉ ra, như: Các chính sách phục vụ cho phát triển KH&CN chưa thực sự đồng bộ; chính sách để tạo sự phát triển cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa hấp dẫn, chưa thu hút nhiều DN; chưa có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích DN tham gia chuỗi giá trị sản xuất ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ cao. Bên cạnh đó, kinh tế hộ với ruộng đất manh mún đang là lực cản trong quá trình đầu tư ứng dụng KH&CN phát triển nông nghiệp. Ruộng đất canh tác chia nhỏ, lượng sản phẩm ít nên nông dân không quan tâm nhiều đến đầu tư áp dụng tiến bộ KH&CN, đầu tư cơ giới hóa; liên kết nông dân và DN yếu kém, liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ rất hạn chế…

Ngoài ra, theo TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Một số nơi, năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông rất hạn chế, kết hợp việc không có chế độ công tác phí đã ảnh hưởng đến hoạt động của công tác khuyến nông.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, TS. Trần Văn Khởi kiến nghị: “Chúng ta nên làm theo Thái Lan, Singapore và các nước tiên tiến, nghĩa là đổi mới cách thức làm nông nghiệp. Theo đó, mỗi năm đề ra một chương trình, mục tiêu. Sau đó toàn hệ thống cả nước tập trung thực hiện đạt mục tiêu đó, không nên làm xé lẻ, manh mún theo các dự án như hiện nay”.

TS. Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đề nghị: “Các ngành chức năng cần nghiên cứu chuyển đổi mùa vụ, cắt vụ theo điều kiện từng vùng. Áp dụng các mô hình tổng hợp lúa-tôm, tôm-cua trong sản xuất. Chuyển nước ngọt cho các vùng ven biển để chủ động pha loãng nguồn nước mặn phục vụ nuôi tôm. Đồng thời giảm khai thác nước ngầm để hạn chế lún sụt ĐBSCL. Có biện pháp kỹ thuật chống ngập do triều cho khu vực, trong đó cần đầu tư nhiều cho Cà Mau.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo: “Ngoài việc cần nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến nông, góp phần đưa KHKT và nhân rộng những mô hình tốt đến nông dân, chúng ta phải rà soát lại từng công đoạn trong nghiên cứu KHKT. Lĩnh vực này phải minh bạch, rõ ràng, nâng cao hiệu quả. Để công nghệ đến với nông dân, phải gắn kết DN với địa phương và nông dân. Điều này chúng ta hô hào nhiều rồi nhưng chưa làm. Do vậy các sở NN&PTNT phải năng động hơn. Tôi đề nghị mỗi tỉnh, thành chọn 1, 2 sản phẩm chủ lực, rồi dồn sức xây dựng sản phẩm đó đạt thương hiệu quốc gia, tiến đến xây dựng thương hiệu quốc tế, có như vậy sản phẩm của chúng ta mới cạnh tranh được trong nền kinh tế toàn cầu. Tới đây Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên chọn các dự án khuyến nông có sự tham gia và góp vốn của DN, ưu tiên giao DN làm chủ trì dự án khuyến nông nếu đủ điều kiện”…

Đan Phượng

Bình luận (0)