Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

ĐBSCL: Sốt giá trái cây có múi

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa bao giờ các loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi… lại hút hàng và được giá cao như hiện nay. Điều đó đã làm nông dân tiếc nuối bởi thời điểm này không có nhiều trái cây có múi để bán…

Thương lái thu mua quýt đường ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đưa đi các nơi tiêu thụ

Mặc dù canh tác vườn đã nhiều năm, nhưng ông Phạm Văn Lành (ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) không thể ngờ giá các loại trái cây có múi “nhảy múa” liên tục như vậy. Ông kể: “Cuối tháng 4 vừa rồi, thấy ngoài vườn còn khoảng hơn 2 tấn quýt đường vụ nghịch, dù trái không to lắm nhưng thương lái nài nỉ mua với giá 28.000 đồng/kg. Thấy giá quá hấp dẫn nên tôi vội bán ngay và tưởng đã trúng rồi. Không ngờ, vài ngày sau quýt đường tăng liên tục lên 30.000 đồng/kg, rồi 36.000 đồng/kg…”.

Ông Lâm Văn Khéo, cùng ngụ xã Tân Thành, cho biết: “Hiện nay thương lái thu mua quýt đường với giá dao động từ 36.000 – 40.000 đồng/kg, cao hơn cả thời điểm Tết Nguyên đán 2016 rất nhiều. Tính ra với giá này thì nông dân trồng quýt sẽ lời rất đậm, nhưng thời điểm này không thuận mùa nên sản lượng ít; do đó số hộ trúng giá không nhiều”.

Tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… giá cam cũng tăng chóng mặt. Cam xoàn nhảy vọt lên từ 48.000 – 50.000 đồng/kg; cam mật giá 40.000 đồng/kg; trong khi cam sành từ 32.000 – 35.000 đồng/kg.

Bà Hồ Thị Bê, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) phấn khởi: “Mới tuần rồi tôi bán 9 tấn bưởi da xanh cho thương lái với giá 53.000 đồng/kg, thu về khoảng 470 triệu đồng. Cứ ngỡ giá như vậy đã cao rồi, không ngờ hiện nay giá bưởi vọt lên hơn 60.000 đồng/kg…”. Cùng với bưởi da xanh thì bưởi Năm Roi đang hút hàng với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg trở lên, đảm bảo cho nhà vườn có lợi nhuận cao.

Ông Đặng Văn Nám, Giám đốc HTX bưởi Năm Roi Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) lưu ý, giá các loại trái cây có múi đang ở mức cao. Song, mức giá trên là thương lái mua tại nhà vườn; trong khi những loại trái cây này tới tay người tiêu dùng ở TPHCM, Hà Nội, các tỉnh miền Đông… sẽ còn cao hơn nữa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trái cây có múi hút hàng, sốt giá; trong đó, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn dữ dội ở ĐBSCL khiến hàng loạt vườn cây ăn trái bị thiệt hại, mất mùa, sản lượng giảm… mà thiệt hại nặng nhất là bưởi da xanh. Do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài nên nhiều người có nhu cầu tiêu thụ trái cây có múi nhằm giúp giải nhiệt, tốt cho sức khỏe…

Mặt khác, thời điểm này trái cây có múi là vụ nghịch, sản lượng không nhiều; trong khi thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng cao nên đẩy giá lên. Theo các doanh nghiệp kinh doanh trái cây ở ĐBSCL cho biết, hầu hết các vườn bưởi da xanh tại Bến Tre, Sóc Trăng… đều bị nước mặn xâm nhập nên nhà vườn đành áp dụng phương pháp “bỏ trái non” để lo thân cây không bị chết. Vì thế số lượng bưởi còn lại rất thấp. Chính vì vậy mà thời gian gần đây rất nhiều hợp đồng xuất khẩu bưởi da xanh sang châu Á, châu Âu… phải tạm hoãn bởi không có bưởi để giao hàng. Dự báo, tới đây giá các loại cây có múi sẽ còn duy trì ở mức cao…

NGUYỄN THANH/ SGGP

 

Bình luận (0)