Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

ĐBSCL: Thách thức cơ giới hóa nông nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Tổn thất sau thu hoạch lúa tại ĐBSCL đang ở mức lớn, 13,7% về sản lượng và 13% về giá trị, tương đương gần 14.000 tỷ đồng mỗi năm. Các chuyên gia xác định, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là yêu cầu cấp bách, đặc biệt trong quá trình hội nhập nhanh chóng hiện nay. Tuy nhiên, đang có nhiều cản ngại khiến quá trình này diễn ra chậm chạp, thu nhập của nông dân trồng lúa khó được cải thiện.

Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch lúa là yêu cầu bức thiết hiện nay ở ĐBSCL.

“Đói” công nghệ và nguồn nhân lực

ĐBSCL hiện có 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp (hơn 50% trồng lúa, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu). Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn thấp, 62 hộ mới có một máy kéo. Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ ở mức 1,85HP/ha, rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc (từ 4 – 6HP/ha).

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đặt vấn đề: Vì sao cơ giới hóa nông nghiệp tại ĐBSCL còn thấp? Thực tế trên đồng ruộng, máy gặt đập liên hợp của nước ngoài, nhất là máy của Nhật chiếm lĩnh thị trường. Đó là do những ưu thế vượt trội về luyện kim, công nghệ chế tạo của Nhật trong khi Việt Nam không có ngành công nghiệp luyện kim đảm bảo các chi tiết của máy. Nhà nước chưa có chiến lược quốc gia để phát triển lâu dài ngành cơ giới hóa sản xuất lúa”.

Quan tâm đến vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ), lo ngại: “Hiện nay chúng ta đang bất cập trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Mấy năm gần đây, chúng ta buông lỏng nghiên cứu khoa học công nghệ trong cơ giới hóa. Ở các trường đại học, ngành này bị đóng cửa”. Cùng quan điểm, TS Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Cần Thơ nói: “Hiện nay, việc đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp đã dần mai một vì các trường không có người học. Thiếu nguồn nhân lực là yếu tố cản trở cơ giới hóa ĐBSCL. Cần phải sớm có cơ chế đào tạo nguồn lực cán bộ cơ giới hóa nông nghiệp. Đồng thời nên thành lập trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để các nhà khoa học, những người có ý tưởng có điều kiện phát huy khả năng của mình, đủ điều kiện để doanh nghiệp đặt hàng…”.

Cần 30.000 tỷ đồng cơ giới hóa

Trong khi nông nghiệp đóng góp 21% GDP của cả nước thì đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ tương đương 2,9% tổng GDP. Riêng đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan (8% – 16%) và các nước Đông Nam Á khác (8% – 9%).

Theo các chuyên gia, đây cũng là nguyên nhân khiến cơ giới hóa nông nghiệp còn manh mún. Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, còn rất yếu về kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo. Do đó, các chi tiết máy chưa được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng thấp. Hệ quả là làm tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và làm giảm khả năng cạnh tranh của máy móc thiết bị Việt Nam trên thị trường.

Đáng quan tâm là mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa ở ĐBSCL không đồng đều giữa các khâu. Mức độ cơ giới hóa của các khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và bảo quản còn rất thấp. Hiện tại khâu sấy lúa chỉ đáp ứng 38,7%; bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật chỉ đạt 15% của tổng công sức chứa trên 3,5% triệu tấn. trong khi các khâu làm đất, bơm nước, thu hoạch, xay xát đạt từ 60% – 100%. Việc “thắt cổ chai” tại 2 khâu then chốt là sấy và bảo quản đang gây ra những tổn thất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL.

Một số chuyên gia cho rằng, cần có chiến lược phát triển dài hạn và các chương trình cấp nhà nước để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa sản xuất lúa, nhất là cho ĐBSCL. Bên cạnh việc khuyến khích đầu tư vào các dự án chế tạo máy nông nghiệp, nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp hiện có để nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ luyện kim, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Có chính sách và biện pháp hiệu quả thúc đẩy việc hình thành, phát triển các nhóm dịch vụ cơ giới nông nghiệp ở nông thôn.

Chỉ riêng sản xuất lúa, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống mức 5% – 6% về khối lượng, sẽ kéo theo tăng giá trị 6% cho 44 triệu tấn lúa của cả nước. Đồng nghĩa sẽ tạo ra giá trị tăng thêm trong toàn chuỗi mỗi năm tương đương 5,2 triệu tấn lúa với giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 50%. Chuyên gia kinh tế kỹ thuật Nguyễn Thể Hà tính toán: “ĐBSCL cần 30.000 tỷ đầu tư cho cơ giới hóa sản xuất lúa, trong vòng 5 năm sẽ giải quyết hết thất thoát sau thu hoạch”.

BÌNH ĐẠI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)