Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBSCL: Thí sinh từ chối ĐH để vào… CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong đợt tuyển sinh vừa rồi, cũng như nhiều trường ĐH trong cả nước, hầu hết các trường ĐH khu vực ĐBSCL đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngược lại, phần lớn các trường CĐ lại “bội thu” thí sinh, trong đó có nhiều em dư vài điểm để vào các trường ĐH… Vì sao có sự đi ngược với xu thế chung của các địa phương khác trên cả nước?

Nhiều thí sinh có điểm cao nhưng quyết định từ chối đăng ký ĐH mà chọn vào CĐ để dễ xin việc. Ảnh: Đ.P

Cử nhân vào xí nghiệp làm công nhân

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.Cần Thơ, trong số những thanh niên đến nộp hồ sơ xin việc, chúng tôi đã gặp Phan Thị Mỹ Phương (26 tuổi, huyện Tri Tôn, An Giang). Mỹ Phương tốt nghiệp cử nhân luật năm 2015 tại một trường ĐH ở Cần Thơ. Ra trường cả năm mà không xin được việc nên em lên TP.HCM làm phục vụ ở quán ăn. Sau đó ra Bình Dương làm công nhân tại công ty giày da xuất khẩu ở Khu công nghiệp Bình Dương. “Làm công nhân lương hơn 6 triệu đồng/tháng, trả tiền thuê phòng trọ và các khoản sinh hoạt khác, mỗi tháng em còn dư có vài trăm ngàn đồng. Nhưng điều đáng nói là môi trường làm việc có nhiều bụi và mùi của các hóa chất khiến em dị ứng, không thể làm lâu được”, Mỹ Phương tâm sự.

Lần này, Mỹ Phương đến trung tâm nộp hồ sơ xin làm nhân viên bán hàng cho Công ty Khataco ở TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang). Theo em, tuy lương khởi đầu 5 triệu đồng/tháng nhưng là cửa hàng thời trang, không có hóa chất nên có thể làm việc lâu dài được. Và quan trọng hơn là gần nhà, em có thể thường xuyên về thăm ba mẹ nên giảm được nhiều những chi phí đi lại, sinh hoạt…

Cũng theo Mỹ Phương, lớp luật của em có 47 SV và đa số đều làm những việc đại loại như em.

Ngoài Mỹ Phương chúng tôi còn gặp Hồng Hạnh (quê Vĩnh Long). Hồng Hạnh vừa tốt nghiệp ĐH loại khá ngành tài chính – ngân hàng nhưng “loại khá thì sao chứ, vẫn thất nghiệp đó thôi”, Hồng Hạnh chua chát.

Lần này Hồng Hạnh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.Cần Thơ để xin làm nhân viên bán hàng cho Công ty Khataco ở TP.Long Xuyên như Mỹ Phương. “Em hy vọng được công ty thu nhận. Từ Long Xuyên về Vĩnh Long cũng gần, chớ lên TP.HCM làm công nhân thì xa, khó về thăm gia đình”, Hồng Hạnh nói.

Ông Nguyễn Quốc Vững, chuyên viên tư vấn việc làm – Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.Cần Thơ, cho biết: “Xã hội chúng ta đang trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Trong tuyển dụng, các công ty cần khoảng 100 công nhân thì chỉ cần 3 kỹ sư, 1 kế toán, 1 nhân viên quan hệ công chúng. Trung tâm chúng tôi là đầu mối giới thiệu nhân viên, công nhân cho các doanh nghiệp tại ĐBSCL, ở mọi thời điểm các doanh nghiệp đều cần trên dưới 10.000 lao động (chưa nói đến số lao động phổ thông như giúp việc nhà, bảo vệ) thì 70% là lao động trực tiếp sản xuất, 30% là lao động gián tiếp, nghĩa là lao động có trình độ ĐH trở lên…”.

Bỏ lối mòn lập nghiệp từ ĐH

Ngày hội việc làm tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ. Ảnh: Đ.P

Từ thực tế nêu trên, nhiều bạn trẻ đã quyết định từ bỏ ý nghĩ “ĐH là con đường duy nhất để lập nghiệp” và chọn học CĐ. Trong đợt tuyển sinh vừa qua, chúng tôi đã gặp khá nhiều thí sinh dư điểm vào ĐH nhưng lại nộp hồ sơ nhập học tại các trường CĐ. Và lý do mà các em đưa ra là: chọn CĐ để dễ có việc làm…

Tại Trường CĐ Cần Thơ có 26 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Đơn cử như Phạm Hồng Châu, (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) thi khối A đạt 22,5 điểm, trúng tuyển Trường ĐH KT-CN Cần Thơ nhưng em từ chối học ĐH và chọn học tại Trường CĐ Cần Thơ.

Còn Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ có 31 thí sinh có điểm từ 20 đến 24,5 điểm. Một trong số đó là Kim Rạng Shap (xã Long Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Rạng Shap thi khối A được 20 điểm, khối B – 21,70 điểm. Hiện em học lớp dịch vụ thú y 16A. Lý do em chọn học Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ là vì: “Nhà trường có nhiều biện pháp giúp SV ra trường có việc làm. Em biết khá nhiều anh, chị học ở đây hiện có việc làm ổn định. Đồng thời, học CĐ chỉ mất 3 năm nên nhanh ra trường. Bên cạnh đó, ba mẹ em chăn nuôi heo, gà, học ngành này em có thể phụ cha mẹ nâng cao hiệu quả kinh tế…”, Rạng Shap cho biết.

Một trường hợp khác là Đơn Thị Kim Hồng (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) – thi khối B được 21,75 điểm. Năm 2014, Kim Hồng trúng tuyển ĐH Cần Thơ ngành sinh học. Đang học năm thứ 2 thì em bỏ ngang. Lý do: “Em thấy ngành cử nhân sinh học rất khó kiếm việc nên em thi lại vào CĐ. Tìm hiểu thông tin em biết học CĐ, TC dễ kiếm việc làm hơn. Và trên thực tế, hầu hết anh chị học CĐ, TC có việc làm ổn định trong khi rất nhiều người học ĐH lại thất nghiệp. Em chọn học ngành dịch vụ thú y vì ngành này được các doanh nghiệp nhận SV ngay khi đang học năm cuối. Điều đáng mừng là gia đình rất ủng hộ quyết định của em”, Kim Hồng tâm sự.

Học sau ĐH, càng khó tìm việc

Chuyên gia tư vấn việc làm Nguyễn Quốc Vững (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.Cần Thơ), nhận xét: “Hiện chúng ta không phải thừa thầy – thiếu thợ mà thầy – thợ đều thiếu. Thực tiễn tuyển dụng ở trung tâm cho thấy, số ứng viên có bằng ĐH rất nhiều, đa số các bạn thường đòi hỏi cao như: công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, không chịu đi làm xa nhà. Trong khi năng lực chuyên môn, nhìn chung là không cao; đặc biệt các bạn rất thiếu những kỹ năng mềm và không có khả năng tổ chức, hoạch định, giám sát công việc. Còn “thợ” thì rất hiếm những lao động đam mê với công việc và năng lực sáng tạo. Khi thu nhận vào làm việc, các doanh nghiệp hầu như đều phải tổ chức tập huấn tay nghề cho nhân viên, từ lao động trực tiếp đến bộ phận gián tiếp. Không ít trường ĐH, CĐ chưa gắn công tác đào tạo với thực tiễn, giảng viên ít cập nhật giáo trình. Thời gian SV thực tập ít, mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Nhiều bạn, không tìm được việc làm, tiếp tục học sau ĐH, lại càng khó tìm công việc hơn vì các doanh nghiệp chưa cần nhiều nhân sự có trình độ này”…

Ngoài lý do ra trường dễ tìm việc, theo Kim Hồng còn có một lý do là: “Nếu học ĐH, một năm học phí hơn 7 triệu đồng, nhân với 4 năm là hơn 28 triệu. Trong khi học ở Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật, học phí 4.800.000 đồng/ năm, học 3 năm hết 14.400.000 đồng – chỉ bằng 1/2 học phí ĐH”, Kim Hồng nói.

“Chiêu” hút thí sinh của các trường CĐ

Tại ĐBSCL, từ nhiều năm nay Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ luôn thu hút được nhiều thí sinh. Lý do là có tới 90% SV ra trường có việc làm ổn định, đúng ngành nghề đào tạo.

TS. Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường giao nhiệm vụ các thầy cô khi giảng dạy phải có một đoạn clip minh họa; đồng thời tạo mối quan hệ và ký kết với các doanh nghiệp trong đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho SV. Mỗi giảng viên phải gắn kết ít nhất hai doanh nghiệp để trao đổi, đưa thực tiễn của thị trường lao động vào giảng dạy. Các ngành đăng ký kết nối với doanh nghiệp ít nhất 5 năm để đào tạo sát yêu cầu đồng thời đánh giá được chất lượng đào tạo. Nhờ sự hỗ trợ này SV có nơi thực tập, tiếp cận thiết bị hiện đại, làm quen môi trường và kỷ luật lao động. Ngoài ra, trường tìm những việc làm bán thời gian cho SV. Qua cách làm “thử việc” này rất nhiều em được doanh nghiệp thu nhận khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi năm trường còn tổ chức 25 buổi giao lưu giữa SV với các doanh nghiệp, tổ chức Ngày hội việc làm sau ngày SV tốt nghiệp để các doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng ngay tại trường…”. Một điểm sáng khác là Trường CĐ Nghề Cần Thơ – trường đào tạo 14 ngành CĐ và 11 nghề TC. Năm 2016, trường tuyển sinh 2.400 HSSV, (đạt 163,16% chỉ tiêu). Trường trang bị nhiều thiết bị thực tập hiện đại nên người học không bỡ ngỡ khi đến thực tập tại các đơn vị, xí nghiệp. Ngoài ra, trường còn kết hợp các doanh nghiệp để bổ sung giáo trình, kết hợp chương trình với gần 70% thực hành trong xưởng trường và tại các công ty. Do vậy, 85% HSSV ra trường có việc làm…

ThS. Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước đây ngành cắt gọt kim loại khó tuyển sinh vì học và làm đều cực dù thu nhập cao. Hiện nay với tiến bộ của khoa học công nghệ, ngành này sử dụng máy điện tử CNC, người điều hành chỉ cần ghi các thông số rồi cài đặt, nhấn nút là máy sản xuất hàng loạt sản phẩm, chi tiết. Công việc nhẹ nhàng, thị trường rất cần nên thu hút nhiều SV. Riêng ngành công nghệ ô tô, trường dạy theo giáo trình quốc tế nên sau khi tốt nghiệp, SV có thể làm việc tại các nước trong khu vực”…

Đan Phượng

Bình luận (0)