Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

ĐD Cường Ngô: Phụ nữ VN đẹp như ngọc

Tạp Chí Giáo Dục

Tốt nghiệp chuyên ngành Biên kịch – Đạo diễn tại Đại học York (Canada), tác giả của chùm phim ngắn "Ngọc viễn đông" cho biết những câu chuyện hay cũng như nét đẹp của văn hóa – con người VN đã thôi thúc anh trở về quê nhà làm phim.

– Học tập và sinh sống ở Canada trong bốn năm và có hai bộ phim ngắn từng giành được nhiều giải thưởng quốc tế, điều gì đã khiến anh trở về Việt Nam làm phim?

– Tôi có cơ hội đi dự những liên hoan phim quốc tế và thấy rất ít hoặc không có những tác phẩm điện ảnh đến từ Việt Nam tham gia. Ngồi dưới khán phòng xem phim, tôi luôn nghĩ rằng Việt Nam mình có những câu chuyện rất hay, những nghệ sĩ tài năng và những nhà làm phim giỏi. Vậy phải làm sao để có thể kết nối được những câu chuyện hay và những tài năng lại với nhau? Đó là một thách thức, vì điện ảnh là sự nỗ lực và hợp tác giữa những người cùng làm việc với nhau để tạo nên một tác phẩm hay. Những câu chuyện hay đã thôi thúc tôi trở về quê hương để làm phim.

Đạo diễn Cường Ngô. Ảnh: N.C.

– "Ngọc viễn đông" là một chùm phim quy tụ những mỹ nhân đình đám nhất của điện ảnh nước nhà hiện nay. Anh có gặp khó khăn nào khi mời họ cùng tham gia tác phẩm này?

Ngọc viễn đông là những câu chuyện hay, đầy tính nhân văn và là một tác phẩm nghệ thuật chất lượng tốt để có được sự quan tâm, ủng hộ và cộng tác từ những mỹ nhân của điện ảnh Việt Nam. Tôi cảm thấy rất may mắn khi họ đều đồng ý và nhiệt tình tham gia chùm phim này.

– Phim được quay ở rất nhiều bối cảnh trên mọi miền đất nước. Đoàn phim đã gặp phải những cản trở gì trong quá trình thực hiện?

– Lúc quay với NSND Như Quỳnh ở Sapa thì sương mù dày đặc. Từ ga Lào Cai đi lên Sapa mất khoảng một tiếng đồng hồ nhưng đường đi rất nguy hiểm vì đường đèo một bên là núi, một bên là thung lũng, phía trước lại bao phủ bởi sương mù. Mọi người trong đoàn ai cũng phải cầu nguyện để được an toàn.

Khi quay với Ngô Thanh Vân ở Phan Thiết, Mũi Né thì nắng nóng tới cháy da. Cả đoàn đã thoa kem chống nắng nhưng vẫn không ăn thua gì. Trong Ngọc viễn đông, chúng tôi đã phải leo lên tận đỉnh núi để có được những cảnh quay đẹp, hùng vĩ của núi rừng Sapa. Trong chương Trăng huyết, đoàn phim lại phải lặn xuống tận dưới đáy biển sâu để có được những cảnh quay dưới nước với hai diễn viên Ngô Thanh Vân và Kris Duangphung.

Đoàn phim đã ròng rã mấy tháng trời từ Bắc vào Nam, chịu đựng những khắc nghiệt của khí hậu lúc nóng, lúc lạnh. Nhưng để cho một tác phẩm thật hay ra đời, mọi người trong đoàn đã cùng cố gắng.

Ngoài các bối cảnh tại VN, phim còn được quay tại thành phố Toronto (Canada). Ý nghĩa ở đây là cho dù người phụ nữ VN mình ở bất cứ nơi đâu trên thế giới thì nét đẹp tâm hồn vẫn bất biến.

– Trong dàn diễn viên nam của "Ngọc viễn đông", ngoài Huy Khánh, tại sao anh lại chọn những gương mặt người mẫu – diễn viên gốc Việt sống ở nước ngoài?

– Vì đây là một tác phẩm kết hợp văn hóa giữa Đông và Tây, nên tôi muốn nét đẹp của văn hóa VN mình được nhìn qua đôi mắt của những người bạn quốc tế. Thế giới luôn yêu thích vẻ đẹp của những người phụ nữ châu Á nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Nét đẹp tiềm ẩn của phụ nữ Việt Nam như những hòn ngọc. Đó là lý do tôi muốn các bạn diễn viên quốc tế có cơ hội được làm việc với những mỹ nhân của điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Cường Ngô học tập và sinh sống tại Canada trong gần 5 năm. Ảnh: N.C.

– Anh nghĩ sao về quá trình "biến đổi" của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử điện ảnh nước nhà từ trước đến nay?

– Đây là một câu hỏi rất lớn và có nhiều ý nghĩa. Thông qua lịch sử điện ảnh từ những tác phẩm cổ điển cho đến ngày nay, phụ nữ Việt Nam luôn có một vẻ đẹp bí ẩn và sức sống tiềm tàng. Họ không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài, mà bên trong là một thế giới đầy rẫy những phức tạp và sự huyền bí của nội tâm mà những người làm nghệ thuật luôn muốn tìm hiểu và khám phá. Chúng ta có thể kể đến những nữ nghệ sĩ đã góp phần làm nên lịch sử điện ảnh Việt Nam như Kiều Chinh, NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, Lê Vân, rồi tới Mai Hoa, Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh và gần đây là Ngô Thanh Vân, Tăng Thanh Hà…

– Bộ phim ngắn "Cây trâm vàng" của anh đã giành giải phim ngắn hay nhất tại LHP Quốc tế Toronto 2009 về chủ đề đồng tính. Trong "Ngọc viễn đông", chương "Thức" cũng có một nhân vật đồng tính. Điều gì khiến anh quan tâm tới đề tài này?

– Tôi quan tâm tới tất cả những người tôi gặp. Mỗi người trong số họ đều có những cái hay để xây dựng cho một nhân vật. Trên thế giới, phim về đề tài đồng tính đã trở thành một dòng phim chính thống. Với xã hội văn minh thì đồng tính là một nhân quyền, là sự tự do yêu và được yêu, là quyền được thể hiện chính mình. Họ cũng là những người có tài năng và hết mình cống hiến cho xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi trên thế giới do lối sống bảo thủ nên có cái nhìn khắt khe đối với những người thuộc giới tính thứ ba. Tôi rất hoan nghênh vì ở Việt Nam, mọi người có cái nhìn thoáng hơn, hiểu biết và đồng cảm nhiều hơn với người đồng tính. Điện ảnh thế giới đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nhân quyền và cách nhìn tích cực về thế giới này. Lịch sử triết học về giới tính đã có từ ngàn đời. Mong muốn để yêu và được yêu là một nhân cách rất "người" và rất đẹp, bất chấp giới tính là gì. Hãy đặt hoàn cảnh của người khác vào của mình để hiểu sâu đậm hơn về người đó.

– Ngoài thị trường trong nước, anh đã có kế hoạch nào để đưa "Ngọc viễn đông" đến với bạn bè quốc tế và các liên hoan phim?

Ngọc viễn đông theo dòng phim nghệ thuật và tôi cũng có mục đích đưa bộ phim đến với bạn bè quốc tế, để thế giới biết rằng đất nước, văn hóa và con người VN rất đẹp, để những người nước ngoài biết rằng ở phương Đông, có một đất nước hòa bình và tươi đẹp đến thế.

Đạo diễn Cường Ngô chỉ đạo diễn xuất cho Trương Ngọc Ánh trong một cảnh quay. Ảnh: C.N.

– Bộ phim đầu tiên anh thực hiện tại quê hương là một tác phẩm thuộc dòng nghệ thuật và dường như khá kén khán giả. Trong tương lai, anh có dự định làm phim giải trí phục vụ cho nhu cầu của số đông?

– Tôi chú trọng rất nhiều tới những câu chuyện hay. Một câu chuyện hay sẽ được in đậm vào trong tâm trí và trái tim của khán giả, bất chấp đó là phim nghệ thuật hay thị trường. Đạo diễn là những nhà triết học, thông qua các tác phẩm của họ là những triết lý về cuộc sống.

– Điện ảnh VN đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ, cả về dòng phim nghệ thuật lẫn giải trí. Đạo diễn hay bộ phim nào ở trong nước thời gian gần đây khiến anh quan tâm?

– Tôi quan tâm tới các đạo diễn đàn anh như Trần Anh Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Phan Quang Bình, Ngô Quang Hải, Lưu Huỳnh, Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Stephane Gauger, Vũ Ngọc Đãng và Dũng "Khùng". Với tôi, họ là những người tài năng đã góp phần xây dựng cho nền điện ảnh nước nhà được tốt hơn, đặc sắc hơn. Là thế hệ đạo diễn đàn em, tôi đã rất may mắn học được những bài học hay từ đàn anh của mình.

– Sau "Ngọc viễn đông", anh đã lên kế hoạch gì tiếp theo?

– Hiện tôi làm việc với các nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, Như Khanh và Bùi Anh Tấn để chuyển thể những tác phẩm văn học có tính nhân văn cao lên màn ảnh rộng. Đề tài về những mối quan hệ giữa người và người luôn là mối quan tâm lớn đối với tôi.

– Bao giờ khán giả VN được thưởng thức "Ngọc viễn đông"?

– Phim đang được làm hậu kỳ tại Canada và sẽ ra mắt tại VN vào khoảng tháng 12 năm nay.

Đạo diễn Cường Ngô tên thật là Ngô Quốc Cường, sinh năm 1978, tốt nghiệp khóa 4 khoa diễn viên Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP HCM. Sau đó, anh học chuyển tiếp chuyên ngành biên kịch – đạo diễn tại Đại học York (Canada) từ năm 2005 và tốt nghiệp tháng 8/2009.

Phim ngắn Kẻ nhờ đường (The Hitchhiker Project) của Cường Ngô đoạt giải Accolade (California, Mỹ) ở hạng mục kịch bản hay nhất. Cây trâm vàng – một phim ngắn khác do Cường Ngô vừa làm đạo diễn vừa là đồng tác giả kịch bản – đã đoạt giải phim hay nhất trong Liên hoan phim Toronto 2009 về chủ đề đồng tính và giải nhì cho phim châu Á hay nhất của Cục Điện ảnh Canada. Cây trâm vàng đã được chọn gửi tham dự 30 liên hoan phim trên thế giới.

Nguyên Minh (Theo VNE)

Bình luận (0)