Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đề án 395 tỉ USD phát triển kết cấu hạ tầng: Có quá sức?

Tạp Chí Giáo Dục

Một đề án lớn nhất từ trước đến nay để thay đổi kết cấu hạ tầng – được xem là khâu yếu nhất và còn nhiều bất cập, một điểm nghẽn tăng trưởng – được đặt lên bàn nghị sự. 

Theo bản đề án “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2011-2020” vừa được Bộ Kế hoạch – Đầu tư trình Chính phủ, cần lượng vốn đầu tư lên tới 385-395 tỉ USD. Tuy nhiên, vấn đề là cơ chế nào để huy động lượng vốn khổng lồ này?
Đầu tư lớn, chậm chuyển biến
Giai đoạn 10 năm qua, tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt 40,7% – đưa VN trở thành quốc gia huy động cao nhất vốn đầu tư so với nhiều nước trong khu vực. Theo số liệu được Bộ KHĐT công bố, chỉ riêng đầu tư cho hạ tầng giao thông từ 2001-2010 có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 146 nghìn tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước bao gồm vốn ODA, vốn đối ứng trong nước, vay tín dụng ưu đãi khoảng 52 nghìn tỉ đồng; vốn trái phiếu chính phủ 60 nghìn tỉ; còn lại chỉ huy động ngoài ngân sách khoảng 34 nghìn tỉ đồng.
Mạng lưới giao thông đồng bộ, chất lượng cao vẫn là niềm mơ ước của Việt Nam (ảnh: Một nút giao thông ở Đài Loan). Ảnh: T.X
Như vậy có thể thấy, nguồn vốn nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách chiếm tới 65% tổng lượng vốn. Tuy nhiên dù được đầu tư lớn, nhưng do điểm xuất phát thấp, mạng lưới giao thông vốn được xem như “huyết mạch” tại VN vẫn bị chê là thiếu đồng bộ, chất lượng thấp, xuất hiện nhiều nút thắt cổ chai dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt, cảng biển cũng yếu và thiếu đồng bộ, chưa có cảng trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ nước sâu đủ năng lực tiếp nhận tàu lớn. Hệ thống hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng cấp thoát nước, cấp điện… cũng đang quá tải.
Nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trong quản lý hạ tầng cơ sở được mổ xẻ và tựu trung có 3 nguyên nhân chính: Quan trọng nhất là tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa tạo được cơ chế thị trường cho sự phát triển bằng cách thu hút sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực tư nhân; tư duy nhiệm kỳ còn nặng, muốn để lại dấu ấn lãnh đạo từ trung ương đến địa phương khiến tầm nhìn hạn hẹp, chỉ tính trước mắt, không tính toán lâu dài; tư duy địa giới hành chính cộng với việc phân cấp cho chính quyền địa phương cấp phép đầu tư đã để lại “di chứng” đầu tư dàn trải, thiếu kiểm soát.
Để “vốn mồi” có tác dụng?
Theo đề án được Bộ KHĐT trình Chính phủ, tổng nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng cả nước giai đoạn 2011 – 2020 lên tới 5.900 – 6.100 nghìn tỉ đồng, khoảng 295-305 tỉ USD (tính theo giá năm 2010), còn tính theo giá thực tế thì nguồn vốn này có khả năng lên tới 385-395 tỉ USD – chiếm khoảng 33,5%-35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bộ KHĐT dự kiến, để huy động tối đa nguồn lực cho tăng trưởng và đầu tư kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, nhưng tỉ trọng vốn nhà nước sẽ giảm dần.
Thay vì là nguồn vốn chính, vốn nhà nước tới đây sẽ chỉ sử dụng như “vốn mồi” để kích thích các nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn tư nhân. Bộ cũng đưa ra con số lạc quan trong 10 năm tới, tổng nguồn vốn tư nhân (không kể nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn ODA cho phát triển hạ tầng có khả năng huy động khoảng 5.300-5.350 nghìn tỉ đồng (khoảng 210-215 tỉ USD), đáp ứng trên 50% nhu cầu đầu tư theo quy hoạch.
Tuy nhiên, để nguồn vốn mồi phát huy tác dụng – theo các chuyên gia Bộ KHĐT – vấn đề đặt ra là VN cần có sự đột phá về quan điểm sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, có những giải pháp và cơ chế chính sách đột phá để thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, nhất là đầu tư công. Ông Trần Hoàng Ngân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM (Đại biểu QH TPHCM) cho rằng: Vai trò Chính phủ sẽ phải chuyển sang hỗ trợ và điều tiết cạnh tranh các dịch vụ kết cấu hạ tầng giao thông và khai thác của khu vực tư nhân.
Nhà nước sử dụng vốn bố trí tập trung cho các công trình trọng điểm, ít đem lại lợi nhuận mà kém hấp dẫn đối với khu vực tư nhân. Tăng hình thức hợp tác công– tư (PPP) vào xây dựng hạ tầng và chia sẻ rủi ro với khu vực này. Đối với nguồn lực ngoài nước, thay vì hạn chế nhà đầu tư ở một số lĩnh vực thì chính sách tới đây cần cởi mở hơn, tạo điều kiện để nhà đầu tư tham gia một số phân ngành kết cấu hạ tầng, đảm bảo quy hoạch ổn định lâu dài để họ an tâm đầu tư.
Hồng Quân
Theo Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)