Theo đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 – 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt, trong 10 năm tới chúng ta sẽ có thêm khoảng 10.000 tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài. Theo tôi, việc đào tạo một nửa số tiến sĩ ở nước ngoài là một vấn đề cần cân nhắc.
Sinh viên Việt Nam tại Phần Lan. |
Đề án đào tạo 20.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ, trong đó có 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài là một quyết định quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến tương lai của đất nước. Như nhiều nhà khoa học đã chỉ ra, Việt Nam hiện đang thiếu trầm trọng lực lượng trẻ, có trình độ, trong cả ứng dụng và đào tạo. Ta hy vọng đội ngũ này sẽ là nòng cốt cho sự phát triển của cả nước trong 20, 30 năm tới.
Con số 20.000 được bình luận nhiều trên báo chí. So với dân số Việt Nam, đây không phải là một con số lớn. Điều quan trọng hơn, là chất lượng.Vậy 20.000 tiến sĩ sẽ được đào tạo như thế nào ? Theo thông tin trên báo, chừng một nửa sẽ được đào tạo trong nước (hoặc kết hợp), và một nửa đào tạo trực tiếp ở nước ngoài. Theo dư luận, chất lượng đào tạo chung trong nước còn có nhiều vấn đề. Mặc dầu ta vẫn có những nhà khoa học giỏi “made in Việt Nam”, nhưng con số này rất ít.
Hy vọng được đặt nhiều hơn vào 10.000 tiến sĩ “Tây tiến”. Quả thật, sẽ là một điều đáng phấn khởi, nếu trong vòng 10-15 năm tới, ta có 5.000-7.000 tiến sĩ được đào tạo chuẩn tại các nước phát triển. Chất lượng và bầu không khí khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học, sẽ hoàn toàn đổi khác.
Nhưng, nhìn thẳng vào vấn đề, không thể không hỏi, “Trong 10.000 người trên, bao nhiêu sẽ trở về ?”.
Theo quan sát của tôi, không nhiều sinh viên sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Mỹ hay Canada hoặc các nước châu Âu, có ý định quay trở lại Việt Nam làm việc. Việc này hoàn toàn dễ hiểu. Điều kiện làm việc ở Việt Nam so với các nước tiên tiến cách nhau khá xa. Chuyện làm sao để tránh chảy máu chất xám, là một câu hỏi phức tạp, đã tốn khá nhiều giấy mực và sẽ bàn vào một dịp khác. Ở đây, tôi muốn đề cập tới một khía cạnh khác của vấn đề “Có nên đào tạo toàn tiến sĩ ?”.
Gần đây tôi ngẫu nhiên gặp giáo sư John Hopcroft. Ông Hopcroft (giải thưởng Turing 1986) là chuyên gia hàng đầu về máy tính ở Đại học Cornell, đã đến Việt Nam rất nhiều lần (trong chương trình của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ và chương trình của VEF) và có nhiều kinh nghiệm về tư vấn giáo dục tại Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Câu chuyện xoay quanh vấn đề giáo dục ở Việt Nam, và ông Hopcroft nêu lên câu hỏi thú vị trên.
Theo ông, một thạc sĩ được đào tạo một cách bài bản, hoàn toàn đủ khả năng tiếp thu và giảng dạy những giáo trình tiên tiến. Kinh nghiệm giảng dạy của cá nhân tôi cũng cho thấy, sinh viên sau đại học năm thứ hai, thứ ba ở các trường tốt ở Mỹ đã đủ khả năng đứng lớp dạy các môn cơ bản cho sinh viên đại học.
Quay lại với câu hỏi thứ nhất. Thời hạn đào tạo một thạc sĩ chỉ chừng hai năm, trong đó một tiến sĩ sẽ mất trung bình 5,6 năm. Chi phí chắc cũng ít hơn. Nói ví dụ, chi phí đào tạo 10.000 tiến sĩ có thể dùng để đào tạo 5.000 tiến sĩ và 10.000 thạc sĩ. Con số chính xác chắc sẽ khác, các chi phí hiện nay cũng chỉ là dự toán, nhưng khả năng số người được đào tạo có thể tăng lên đáng kể .
Điều quan trọng nữa hai năm là một thời hạn ngắn, đối với người đi học, ngày về có thể tính trước được. Thời gian đào tạo tiến sĩ không có hạn định, chuyện tương lai không rõ ràng. Ngoài ra, một tiến sĩ, sau năm sáu năm sống và làm việc ở nước ngoài, họ đã quen với môi trường sống và làm việc, có nhiều mối quan hệ vững chắc, cả về mặt xã hội và chuyên môn, khả năng thành công khi xin việc cao.
Vũ Hà Văn, Đại học Rutgers
(New Jersey, Hoa Kỳ)
(New Jersey, Hoa Kỳ)
Tien Phong
Bình luận (0)