Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014: Thực hiện công bằng xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-5, Bộ GD-ĐT đã họp trực tuyến lấy ý kiến các sở GD-ĐT, các trường về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014. Đây là đề án đã được Chính phủ sửa đổi một số điểm liên quan đến việc tăng học phí sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội.
  • “Học phí không bao giờ là gánh nặng cho gia đình”
Trước khi nghe ý kiến của các sở, các trường, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày lý do phải đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tác dụng của đề án này là tạo công bằng xã hội hơn trước, người nghèo được bảo đảm cơ hội học tập. “Học phí của các trường mầm non và phổ thông công lập đại trà không vượt quá 6% thu nhập bình quân của gia đình.
Với các hộ dân có thu nhập rất thấp, nếu 6% thu nhập chưa bảo đảm chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục, đi lại tối thiểu… thì được Nhà nước hỗ trợ thêm, ngoài việc miễn học phí. Học phí không bao giờ là gánh nặng cho gia đình” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng cam kết, khi kinh tế khó khăn do thiên tai hoặc suy thoái thì người nghèo càng được quan tâm hơn, vì số người được miễn giảm học phí sẽ tăng, số người được trợ cấp để cho con đi học cũng tăng thêm. Và điều quan trọng khác, những người có thu nhập cao hơn có quyền và nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn cho việc học hành của con em mình để Nhà nước có thể hỗ trợ nhiều hơn cho người khó khăn hơn.
Vẫn theo giải thích của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đối với hệ ĐH, CĐ, tăng học phí là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo mà học sinh – sinh viên là người hưởng lợi trực tiếp. Đối với gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn thì nhà nước đã có chính sách tín dụng cho vay để học. Đề án thể hiện một yêu cầu hết sức nhân văn: không một SV nào đậu ĐH-CĐ, trung cấp, đào tạo nghề mà phải bỏ học vì không có điều kiện đóng học phí.
  • Các sở, trường đều… mừng
* Sở GD-ĐT Hà Nội: Học phí học nghề quá cao, cần tính lại theo hướng Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để bảo đảm mục tiêu phân luồng học sinh (khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề).
* Sở GĐ-ĐT Hậu Giang: Cần có chế tài xử lý những nơi thực hiện không tốt việc công khai thu – chi học phí.
* Trường ĐH FPT: Nhà nước chưa thể miễn học phí THCS được thì nên tính giảm dần từng năm để sau 4 – 5 năm nữa thì miễn học phí THCS vì chủ trương của chúng ta là phổ cập cấp học này.
GS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng, tăng học phí là điều mà các trường đã chờ đợi từ lâu, vì học phí hiện hành quá lạc hậu.
Không những ủng hộ Chính phủ trình Quốc hội tăng học phí mà GS Châu còn kiến nghị, mức tăng học phí như vậy vẫn còn thấp, lộ trình vẫn còn chậm, cần cao hơn, nhanh hơn.
“Hiện nay, trường phải dành 15% học phí cho học bổng, 15% cho học sinh chính sách. 70% học phí còn lại dùng để trả lương cho giáo viên là không đủ” – GS Châu nói.
Theo tính toán, nếu tăng lên 255.000 đồng/tháng thì 70% học phí còn lại của Trường ĐH Ngoại thương có 18 tỷ đồng, trong khi đó riêng trả lương cho cán bộ, giáo viên trường đã hết 20 tỷ đồng. Muốn học phí trả đủ lương, ĐH Ngoại thương phải thu học phí 290.000 đồng.
Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng: “Học phí cả năm của sinh viên khối kỹ thuật chỉ 1,8 triệu đồng, chỉ bằng lương 1 tháng đi làm sau khi ra trường là quá vô lý. Tăng học phí ngoài đỡ gánh nặng cho Nhà nước còn nâng cao trách nhiệm học tập của SV. Học phí lẽ ra phải được tăng theo mức trượt giá, tăng theo lương tối thiểu. Học phí cũng còn phải thể hiện tính nhân văn giữa người đi dạy và người đi học. Còn ai là sinh viên nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ”. Dĩ nhiên, ông Hùng cũng đồng tình với dư luận khi cho rằng, tăng học phí phải có lộ trình, không gây sốc.
Các sở GD-ĐT cũng cho rằng, đề án là niềm mong đợi của các sở từ bao lâu nay. “Phải tăng học phí để bảo đảm chất lượng GD-ĐT, vừa để bảo đảm đời sống cho giáo viên” – Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh nói.
Ở một góc độ khác, GS Phạm Phụ tuy đồng tình với việc phải tăng học phí nhưng cũng lo ngại nếu học phí cao quá thì sẽ có HS-SV bỏ học. “Phải tính sử dụng đồng tiền Nhà nước chi cho giáo dục thật hiệu quả, vì tôi thấy hiện nay việc sử dụng này chưa hiệu quả” – GS Phạm Phụ nêu vấn đề. Đồng thời đưa ra mô hình thu học phí của một số nước có nền giáo dục tiên tiến là: học phí cao + tài trợ cho người nghèo + tín dụng sinh viên.
GS Phạm Phụ cho rằng, nếu theo công thức này thì học phí sẽ vừa giải quyết bài toán cho giáo dục, vừa bảo đảm công bằng xã hội cao nhất. Trả lời điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, học phí Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng đó: chi phí tính đủ, khó khăn thì Nhà nước cho vay.
Dự kiến ngày 30-5, Chính phủ sẽ trình đề án này ra Quốc hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hôm qua đã đề nghị 63 sở GD-ĐT chậm nhất ngày 25-5 phải gửi bản tổng hợp ý kiến của mình đến các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương…
LÂM NGUYÊN (Theo SGGP)

Bình luận (0)