Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề án đổi mới CT-SGK mới: Giảm tải, kế thừa

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm học gần đây, nhiều trường ở TP.HCM đã đưa cuốn tài liệu dạy và học môn vật lý, toán do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn vào giảng dạy

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký quyết định phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”.
Theo quyết định, CT-SGK lần này phải được xây dựng theo nguyên tắc CT mới, SGK mới đảm bảo tính tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, các lớp học, giữa các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bảo đảm yêu cầu giảm tải, tính thiết thực. Cập nhật với xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới và gắn với CT bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường. Kế thừa ưu điểm của CT-SGK hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện một CT, nhiều SGK. CT mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn SGK. CT mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học, nội dung và thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh, đồng thời có một phần thích hợp để các cơ sở giáo dục chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn SGK. Chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý… và toàn xã hội trong quá trình xây dựng, biên soạn và triển khai thực hiện CT mới, SGK mới. Theo Đề án được phê duyệt, CT mới, SGK mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh; tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng, phát huy thành quả khoa học công nghệ thế giới, nhất là công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin. CT mới, SGK mới lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.
Thay sách theo hướng cuốn chiếu từng cấp học
Theo đề án, Nhà nước bố trí 788,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng, thử nghiệm CT; Biên soạn, thử nghiệm một bộ SGK (do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện), trong đó có SGK song ngữ (tiếng Việt – tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học; biên soạn thử nghiệm SGK điện tử. Thẩm định CT và thẩm định SGK; Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định CT mới, SGK mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện CT mới, SGK mới. Cung cấp SGK cho các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.
Đề án trên được thực hiện trong 3 giai đoạn từ năm 2015-2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng CT mới, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT.
Đề án này cũng đưa ra hướng tăng cường các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện có hiệu quả CT, SGK mới. Cụ thể, các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động tiến hành điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường đáp ứng yêu cầu của CT mới, SGK mới; ưu tiên bố trí phòng học bộ môn, phòng thực hành, thí nghiệm; rà soát danh mục tối thiểu hiện hành, chỉ bổ sung những thiết bị thực sự cần thiết, trang bị thiết bị giáo dục ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí.
Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện biên soạn một bộ SGK mới đủ các môn học ở các lớp học, bảo đảm tiến độ theo lộ trình của đề án. Việc tổ chức biên soạn SGK phải huy động được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có năng lực tham gia; tiêu chí, quy trình lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn được công khai, minh bạch. SGK phải được lấy ý kiến rộng rãi và được thực nghiệm nhằm bảo đảm sự phù hợp với CT, tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy. SGK do Bộ GD-ĐT, các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn phải được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định trước khi phê duyệt cho phép sử dụng đảm bảo tính khoa học, công bằng. Tiêu chí lựa chọn thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tiêu chí đánh giá và quy trình thẩm định SGK phải được công khai, minh bạch. Việc biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương phải được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Bài ảnh: Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)