Từ năm học 2014-2015, nhiều quận, huyện tại TP.HCM đã triển khai thực hiện Đề án chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi. Đây là một đề án hay, góp phần giải quyết các khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu của phụ huynh mà có quận mở rộng, quận khó nhân thêm.
Giáo viên Trường MN Tuổi Ngọc (Q.8) chăm sóc cho trẻ từ 13 đến 18 tháng. Ảnh: D.Bình |
Đó là một trong những nội dung mà HĐND TP.HCM vừa khảo sát tại các quận 8, 9 và Bình Tân từ ngày 13 đến 15-9 về tình hình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND (về hỗ trợ giáo dục mầm non (MN) TP.HCM).
Nơi mở rộng, nơi không có lớp nào
Năm học 2014-2015, Q.Bình Tân chọn 2 trường công lập thực hiện thí điểm Đề án chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi là Trường MN 19-5 và MN Hoa Hồng với tổng số 22 trẻ. Năm học 2016-2017, quận bổ sung thêm 11 trường công lập, nâng tổng số trường là 13/22 trường công lập thực hiện đề án này. Hiện tổng số trẻ 6 đến 18 tháng tuổi có 37 trẻ/5 trường, bình quân mỗi trường có 7,4 trẻ/lớp/2 giáo viên và 1 bảo mẫu.
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết: “Qua thời gian thực hiện thí điểm, nhìn chung các đơn vị thực hiện tốt nội dung yêu cầu của đề án, có xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn; trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, đồ chơi đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho trẻ; giáo viên có tâm huyết, yêu nghề, được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi”.
Tại Q.9, hiện có 4 trường giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng với 22 trẻ và 5 trường giữ trẻ từ 13 đến 18 tháng là 39 trẻ. Sáng 15-9, đoàn khảo sát thực tế tại Trường MN Trường Thạnh, một lớp giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng và một lớp giữ trẻ từ 13 đến 18 tháng “vắng như chùa Bà Đanh”. Hai lớp khá rộng nhưng tổng cộng chỉ có 6 trẻ với 4 giáo viên chăm sóc. Được biết, từ năm học 2015-2016 đến nay Q.9 không mở rộng thêm trường giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi do phụ huynh không có nhu cầu.
Riêng tại Q.8, hiện không có trường công lập nào mở lớp từ 6-18 tháng tuổi mà chỉ có 3 trường mở lớp từ 13 đến 18 tháng tuổi với 41 trẻ là Trường MN 19/5, MN Tuổi Ngọc và MN Sao Mai. Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 cho biết: “Quận đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục MN công lập phối hợp với UBND 16 phường thực hiện rà soát, thống kê số lượng trẻ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành khảo sát nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi này, kết quả là số phụ huynh không có nhu cầu gửi con chiếm tỷ lệ cao hơn số phụ huynh có nhu cầu gửi con”.
Trước tình hình này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM đề nghị: “Q.8 đã có lớp từ 13-18 tháng nhưng quận cần phải có ít nhất mỗi trường 1 lớp từ 6 đến 18 tháng tuổi để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh”.
Chưa gỡ được định biên cho nhân viên nuôi dưỡng
Theo đại diện nhiều trường MN, dù đã triển khai từ năm học 2014-2015 nhưng việc thực hiện đề án này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là biên chế cho nhân viên nuôi dưỡng.
Cô Nguyễn Thị Duyên Hồng, Hiệu trưởng Trường MN 19/5, Q.8 chia sẻ: “Thực hiện Nghị quyết 01, giáo viên giữ trẻ 6-18 tháng tuổi được hưởng lương thêm 35%, nhân viên hưởng thêm 25% nên tập thể nhà trường rất phấn khởi. Tuy nhiên, để có 1 lớp 13 đến 18 tháng tuổi, nhà trường đã lấy 1 lớp ra ngoài nên có 35 trẻ phải ra học trường MN tư thục”. Điều này cũng có nghĩa, hàng tháng nhà trường mất đi một khoản không nhỏ tiền học phí, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường.
Nói về công tác tuyển nhân sự, cô Duyên Hồng cho biết thêm: “2 giáo viên chăm sóc cho 14 trẻ rất vất vả, trường phải hợp đồng thêm 1 người để hỗ trợ và phải trả lương cho họ. Theo Nghị quyết 01 thì các lớp được phép có thêm 1 nhân viên nuôi dưỡng nhưng hiện nhà trường vẫn chưa có biên chế này”.
Vì phải thuê thêm người hỗ trợ nên Hiệu trưởng này đề xuất xin tăng thêm tiền bán trú, thay vì quy định hiện hành là 100 ngàn đồng/trẻ thì nhà trường xin tăng thêm 150 ngàn đồng để trả cho nhân viên nuôi dưỡng.
Về vấn đề này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND Q.8 khẳng định: “Nếu cho phép tăng thêm tiền bán trú thì chắc chắn phụ huynh sẽ phản ứng. Vấn đề này Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ TP phải phối hợp nhanh chóng để tháo gỡ khó khăn về nhân sự chứ không thể lấy tiền của dân để giải quyết được”.
Tại buổi khảo sát ở Q.Bình Tân, bà Nguyễn Từ Dũ, Phó phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TP cũng chia sẻ: “Theo Thông tư 06, cứ 35 hoặc 50 trẻ là có 1 nhân viên nuôi dưỡng nhưng thực tế ở các trường hiện nay thì chỉ có 1 nhân viên nuôi dưỡng/100 trẻ. Sở GD-ĐT đã hướng dẫn với các trường và có kiến nghị với Sở Nội vụ về thực hiện biên chế nhân viên nuôi dưỡng nhưng vẫn chưa tháo gỡ được định biên này”.
Dương Bình
Bình luận (0)