Một số mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy lẫn người học… dẫn đến khó đạt được vào năm 2020.
Đại biểu trình bày ý kiến tại hội thảo |
Thực trạng này được chỉ ra tại Hội thảo “Tổng kết, đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường CĐ đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2008-2016” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng ngày 29-12.
Nhiều bất cập, hạn chế
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, từ năm 2008 đến nay, đặc biệt giai đoạn 2011-2015, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên; đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy; cải tiến thi, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ…, tạo được những chuyển biến bước đầu trong đổi mới việc dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, tiến độ thực hiện còn chậm; một số mục tiêu chính của đề án khó đạt được vào năm 2020 dẫn tới những băn khoăn, quan ngại về thành công và hiệu quả của đề án.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT còn chỉ ra, lộ trình triển khai dạy – học ngoại ngữ ở các trường rất khác nhau. Một số trường triển khai chậm do thiếu giảng viên và không xây dựng lộ trình cụ thể theo hướng dẫn; một số lại triển khai quá nhanh không tính đến các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở thực tế phát triển của trường và trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của đổi mới dạy – học ngoại ngữ chưa đầy đủ. Một bộ phận sinh viên còn thiếu động lực, thụ động tham gia tương tác, chỉ học để đủ điều kiện trúng tuyển và tốt nghiệp ĐH chứ không nhằm phục vụ công việc sau khi ra trường. Chưa kể, năng lực tiếng Anh đầu vào của sinh viên không đồng đều cũng gây khó cho quá trình thực hiện.
“Mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đưa ra còn cao, chưa phù hợp điều kiện triển khai thực tế. Công tác chuẩn bị những điều kiện cần thiết còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguồn vốn huy động chưa đảm bảo để triển khai thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án giai đoạn 2011-2016”, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT. |
Đội ngũ giảng viên ngoại ngữ có trình độ không đều, số lượng được đào tạo ở nước ngoài còn ít; còn lúng túng khi xây dựng ngân hàng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong khi đó, giáo trình, tài liệu học tập tiếng Anh vẫn ở mức cơ bản, không được cập nhật thường xuyên. Quy mô lớp học ngoại ngữ một số nơi chưa phù hợp, vẫn còn lớp học sĩ số trên 50 sinh viên. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng kịp yêu cầu…
Điều chỉnh đề án tới 2025
Vì một số mục tiêu khó đạt được vào năm 2020 nên bà Nguyễn Thị Mai Hữu (Trưởng ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020) cho biết năm 2017, Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ những điều chỉnh, bổ sung cho đề án ngoại ngữ này trong giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua, ban hành quyết định mới về đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. “Do vậy, trong thời gian tới, các trường cần tập trung rà soát lại yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Những trường nào đã công bố chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ thì cần rà soát lại, những trường chưa công bố chuẩn này cần xây dựng và công bố rộng rãi”, bà Hữu đề nghị.
Để nâng cao hiệu quả đề án trong thời gian tới, TS. Vũ Thị Lan Anh (Trưởng bộ môn Ngoại ngữ Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho rằng, Bộ GD-ĐT cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ. Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Vinh mong muốn được giới thiệu các tổ chức và cơ quan nước ngoài cử chuyên gia bản ngữ hỗ trợ trường về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ. Đồng thời đề xuất phân bổ thêm chỉ tiêu hàng năm cho các giảng viên tiếng Anh và giảng viên chuyên ngành được tập huấn nâng cao trình độ ở nước ngoài. Theo đại diện này, tại Trường ĐH Vinh, một số cán bộ chưa sắp xếp thời gian học ngoại ngữ hợp lý. Trong đó nhiều người có khả năng đọc, viết tốt, có khả năng viết các công bố quốc tế bằng tiếng Anh nhưng kỹ năng nghe, nói còn hạn chế.
Mê Tâm
Bình luận (0)