Ngày 29-11, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Xung quanh những vấn đề dư luận còn quan tâm trong quá trình triển khai đề án, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển để hiểu rõ hơn những khó khăn, thuận lợi của ngành trong quá trình triển khai.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết giai đoạn 2008-2010 vừa qua, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020 đã làm được gì?
– Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề án ngoại ngữ quốc gia được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2008 nhưng vì nhiều lý do khách quan nên thực tế đến năm 2010 mới bắt đầu khởi động. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai đề án này.
Giai đoạn này, chúng ta xây dựng được đề án tại các địa phương, bắt đầu khảo sát đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Anh và ngoại ngữ khác. Từ đó xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như từ đó nâng cao khả năng phương pháp dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học. Hiện đã có 3.000 giáo viên (GV) được tập trung để học tập nâng cao trình độ về ngôn ngữ và phương pháp dạy học. Trên cơ sở đó, chúng ta đã xây dựng được chương trình dạy tiếng Anh trong trường tiểu học (TH) và THCS theo quan điểm coi trọng chất lượng đầu ra của học sinh (HS), trình độ ngoại ngữ của HS lấy khung tham chiếu của châu Âu làm chuẩn. Trên cơ sở đó đã biên soạn tiếp SGK để dạy lớp 3, lớp 4 và hiện đang biên soạn SGK cấp THCS.
Trên thực tế, có 80% HS của Việt Nam học tiếng Anh, vậy việc triển khai đồng bộ nhiều ngoại ngữ khác trong đề án thì có quá sức với đề án không, thưa ông?
– Việc triển khai đồng thời nhiều môn ngoại ngữ trong các trường là một chủ trương lâu dài của ngành giáo dục Việt Nam. Nó được thực hiện trên cơ sở trước hết là nguyện vọng học ngoại ngữ nào của người dân. Điều này phụ thuộc vào mức độ phổ biến của các ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới. Trên cơ sở này, chúng ta sẽ triển khai để đáp ứng nhu cầu.
Chúng ta sẽ chuẩn bị đội ngũ GV dạy ngoại ngữ trong thời gian tới như thế nào?
– Thực ra khi đề án được phê duyệt, lộ trình, quy mô triển khai lớn hơn. Nhưng khi bắt đầu triển khai thì chúng ta thấy rằng năng lực của GV còn hạn chế rất nhiều. GV lại quyết định chất lượng dạy học. Do đó bộ phải quyết định điều chỉnh chủ trương, tiến độ thực hiện đề án này, theo phương châm coi trọng chất lượng. Đây cũng là một kinh nghiệm của thế giới. Chính vì vậy, chủ trương của bộ là nơi nào có đủ điều kiện thì mới triển khai đề án. Nơi nào chưa có thì tích cực chuẩn bị. Đối với TH, không phải trường nào cũng được học 2 buổi/ngày, GV không phải ai cũng đạt trình độ B1. Trong khi đó, xét thực tế, khi GV học xong trình độ cao đẳng là đã đạt đến trình độ B2. Do đó, yêu cầu B1 là tối thiểu. Nhưng sau một năm triển khai, GV phải vừa dạy, vừa học để nâng cao trình độ.
Mặc dù hạ chuẩn, nhưng tuyển vẫn khó khăn, vì sao, thưa ông?
– Đây là vấn đề khó vì chúng ta không có nguồn sẵn GV ngoại ngữ TH. Hiện chúng ta có nhiều nguồn GV khác nhau. Ngoài việc yếu ngôn ngữ, họ còn chưa có phương pháp dạy học. Do vậy, ngoài bồi dưỡng chuyên môn còn phải bồi dưỡng về phương pháp dạy học.
Vậy GV có phải là khó khăn lớn nhất hiện nay trong triển khai đề án này, thưa ông?
– Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu đội ngũ GV có chất lượng. Thứ hai là chúng ta có thói quen dạy ngoại ngữ coi trọng ngữ pháp. Bây giờ phải theo hướng giao tiếp, coi trọng cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. Đối với HS TH, ban đầu coi trọng kỹ năng nghe nói dần dần đọc viết sẽ cân bằng. Ngoài ra thiết bị dạy học cũng khó khăn. HS TH mới chỉ có 50% học 2 buổi/ngày. Như vậy, thời gian dạy học nhiều nhất cũng mới được 50% triển khai đề án.
Các trường TH đang dạy nhiều giáo trình. Vậy khi đề án triển khai đồng bộ, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
– Bộ GD-ĐT đã có biên soạn SGK tiếng Anh chính thức. Ngoài ra một số địa phương trước đây khi chưa triển khai đề án, họ đã sử dụng SGK khác, GV đã quen với cái đó và giảng dạy có chất lượng cũng như đã trải qua thực tế. Vì vậy, bộ vẫn cho phép tiếp tục sử dụng SGK đó. Cái quan trọng hiện nay là lấy chương trình điều khiển, SGK chỉ là một phương tiện, chương trình quan trọng nhất là đầu ra của HS. SGK chỉ là giải pháp.
Với những khó khăn như trên, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu như đã đề ra vào năm 2020?
Chúng ta sẽ tập trung giải quyết khó khăn trong giai đoạn đầu, từ nay đến 2015. Sau 2015 khi điều kiện chuẩn bị đã tương đối đầy đủ thì vấn đề tăng tốc về chất lượng, về mở rộng đề án, có thể cơ bản sẽ đạt được mục tiêu đề án đề ra. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ điều chỉnh.
GV thì thiếu nhưng cơ chế cho GV chưa thỏa đáng. Có cơ chế đặc biệt nào cho GV dạy tiếng Anh không, thưa ông?
– Tiếng Anh chỉ thiếu GV ở TH. Cấp học trên chỉ yếu về năng lực. Cái khó khăn lương, chế độ chính sách là chung của bộ môn. Biên chế cho GV tiếng Anh TH do địa phương giải quyết. Khi HS học 2 buổi/ngày thì biên chế rộng hơn so với một buổi. Nơi học một buổi chỉ có 1,2 GV/lớp, học hai buổi là 1,5 GV/lớp.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)