Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng: Cần chọn phương án khả thi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-8 đã diễn ra hội thảo “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Nếu được thông qua, đề án này sẽ đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử, trang bị máy tính bảng cho học sinh, thiết bị cho lớp học thông minh…

Còn nhiều băn khoăn

Trong khi các nước có nền giáo dục tiên tiến đang đẩy mạnh cải cách giáo dục, thực hiện mô hình “lấy học sinh làm trung tâm” bằng các giải pháp hiện đại hóa trường học, mở rộng lớp học thông minh, số hóa SGK… thì học sinh Việt Nam vẫn phải gồng gánh chiếc cặp nặng nề trên đôi vai. Không những thế, phương pháp dạy học thụ động – theo lối mòn “thầy đọc, trò chép”… đang làm thui chột tính năng động, sáng tạo của học sinh.

Cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường tiểu học thử nghiệm trong phòng mẫu về lớp học thông minh.

Sau khi nghiên cứu nội dung đề án và tham quan mô hình lớp học thông minh, nhiều trưởng phòng giáo dục quận, huyện, hiệu trưởng các trường tiểu học đều nhận thấy chủ trương hiện đại hóa trường học, đầu tư SGK điện tử, máy tính bảng là cần thiết nhằm tạo đột phá, đổi mới giáo dục theo xu hướng toàn cầu hóa. Theo nhiều hiệu trưởng, việc mỗi học sinh được trang bị một máy tính bảng cài đặt bộ SGK được số hóa theo công nghệ 3D với phần mềm dạy – học khác nhau và giáo viên điều khiển, quản lý lớp học qua máy tính chủ sẽ giúp việc tương tác giữa thầy và trò hiệu quả, học sinh hứng thú học tập, chủ động tìm tòi nguồn tài nguyên dữ liệu. Hơn nữa, đổi mới phương pháp quản lý giáo dục tiểu học theo hướng sử dụng công nghệ thông tin không chỉ đảm bảo tính khoa học chính xác, hiệu quả mà còn nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng kích thích tính năng động sáng tạo, khả năng tư duy của học sinh…

Cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 cho biết, đây là mơ ước của tất cả học sinh TPHCM khi được học và trải nghiệm trong lớp học thông minh, đầy đủ trang thiết bị hiện đại này. Tuy tâm đắc, ủng hộ mục tiêu của đề án nhưng còn nhiều ý kiến còn băn khoăn, đặt vấn đề về tính khả thi, đầu tư các giải pháp đồng bộ, kinh phí đóng góp từ nguồn xã hội hóa… như thế nào? Theo cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, vấn đề lo ngại đầu tiên là việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) – đường truyền internet, wifi có đủ mạnh để sử dụng các thiết bị hiện đại này hay không khi đồng loạt các lớp đều sử dụng?

Cô Mai Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng quận 1 băn khoăn: “Nhiều phụ huynh ở TPHCM đã có điều kiện mua máy tính bảng cho con chơi game nhưng cũng có một số khác chưa đủ khả năng tài chính để cho con tham gia lớp học thông minh. Vậy làm thế nào để vận động phụ huynh tự nguyện tham gia và tránh tạo ra lớp VIP, trường VIP khi chưa thể thực hiện đại trà?”. Trong tình hình kinh phí đầu tư còn eo hẹp và việc vận động xã hội hóa gặp không ít trở ngại, nhiều trường cho rằng đề án nên xem xét đến yếu tố tiết kiệm, “liệu cơm gắp mắm” khi đầu tư thiết bị trọn gói. Bà Võ Ngọc Thu đề xuất nên thực hiện theo lộ trình và mỗi quận nên thí điểm từ 1 đến 3 trường, mỗi trường làm thử 1 đến 3 lớp, sau đó sơ kết đánh giá kết quả. Nếu tạo được sự đồng thuận cao thì tiếp tục triển khai rộng rãi…”.

Một vấn đề cũng khiến các nhà quản lý giáo dục quan ngại là tác động của việc sử dụng máy tính bảng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và học sinh có còn thời gian hòa mình vào không gian sống tự nhiên hay không? Theo dự kiến, đề án sẽ được triển khai trong năm học 2014 – 2015 nhưng đến giờ này khâu chuẩn bị tập huấn, đào tạo giáo viên vẫn chưa khởi động. Tương tự, nếu xây dựng phòng quản trị mạng cho các trường thì phải xúc tiến đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực đạt chuẩn để quản lý hiệu quả.

Cấp thiết thì tốn tiền cũng phải làm

Rút kinh nghiệm từ hội thảo lần 1 (cách đây 1 tháng), hội thảo lần thứ hai về đề án thí điểm SGK điện tử và máy tính bảng được Sở GD-ĐT TPHCM chuẩn bị nội dung chi tiết hơn. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Chúng ta đứng trước nhiều mâu thuẫn phải giải quyết như kinh phí hạn hẹp nhưng lại ngại xã hội hóa; không muốn học sinh mang vác nặng nhưng khi thay thế bằng SGK điện tử, máy tính bảng nhẹ nhàng lại sợ ảnh hưởng đến thị lực. Thí điểm không thể làm đại trà nhưng lại sợ bị nêu lớp VIP, trường VIP…”. Nếu chần chừ và không kiên quyết giải quyết những mâu thuẫn này thì không làm được gì cả.

Theo ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM thì đề án cần làm rõ tính cấp thiết, mục tiêu thực hiện và tại sao lại chọn thí điểm từ học sinh bậc tiểu học. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi và thấy rõ tính hợp lý, cấp thiết trong việc áp dụng SGK điện tử cho bậc tiểu học thì tốn bao nhiêu tiền cũng phải làm.

Đứng trước nhiều rào cản và tâm lý nhạy cảm của dư luận xung quanh vấn đề thí điểm các mô hình đổi mới giáo dục, rất cần TPHCM cân nhắc chọn lựa phương án đầu tư tối ưu, hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận cao của xã hội.

Theo dự thảo, giai đoạn 1 (2014 – 2015) TPHCM sẽ đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho đề án, trong đó có 451 trường tiểu học trên địa bàn TP (chiếm 60% tổng số trường) tham gia và được ngân sách đầu tư bộ trang thiết bị dùng chung. Kinh phí thực hiện đề án bao gồm: Khảo sát đánh giá thực trạng giáo dục tiểu học, xây dựng tiêu chuẩn trường học theo mô hình mới; xây dựng chương trình SGK điện tử, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phòng họp trực tuyến, trang thiết bị.

Mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 cần trang bị một bút chấm đọc điện tử, 1 máy tính bảng có cài đặt SGK điện tử. Ngân sách TPHCM sẽ hỗ trợ 5.334 học sinh thuộc diện chính sách, còn lại hơn 321.000 học sinh phải tự trang bị (giá máy tính bảng dao động từ 3 – 5 triệu đồng/máy).

KHÁNH BÌNH

(SGGP)

Bình luận (0)