Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Để an toàn khi học ở xứ người

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thông tin một du học sinh Việt Nam bị đâm ở Nhật mới đây, một lần nữa làm dậy lên nỗi lo của nhiều phụ huynh có con đi du học. Trước đó, báo chí cũng đã thông tin nhiều vụ việc tương tự: du học sinh bị cướp, bị đánh hội đồng vì kỳ thị sắc tộc, thậm chí bị giết hại…
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hạnh, trưởng phòng lưu học sinh, cục Đào tạo với nước ngoài, bộ Giáo dục và đào tạo cho biết bất kỳ lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài nào, việc đầu tiên khi đến nước bạn là phải đăng ký quản lý công dân với đại sứ quán Việt Nam ở nước đó, nơi có chuyên viên, cán bộ lo cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, để khi cần sẽ có biện pháp hỗ trợ. “Trong tình trạng cấp thiết, cần sự can thiệp thì báo về bộ Ngoại giao, bộ Giáo dục và đào tạo để chúng tôi biết tình hình cụ thể mà báo với đại sứ quán ở nước ngoài có xử lý phù hợp”, bà Hạnh nói.

Du học sinh tại Nhật

Bà Vũ Thị Liên Hương, chuyên viên cục Đào tạo với nước ngoài, bộ Giáo dục và đào tạo cho biết thêm: trước khi các du học sinh lên đường đi du học, cơ quan này thường có những buổi gặp mặt trực tiếp, định hướng cho các em. Mỗi du học sinh sẽ được phát cẩm nang hướng dẫn, trong đó có việc đăng ký công dân ở đại sứ quán để được hỗ trợ, đồng thời nhắc nhở các em thường xuyên liên hệ với gia đình, với bộ Ngoại giao và bộ Giáo dục và đào tạo để có những kênh thông tin cập nhật. Ngoài ra, bản thân các chuyên viên của cục cũng thường xuyên chủ động liên lạc với các em. Du học nước nào sẽ có chuyên viên nước đó (trực thuộc cục) quản lý. “Các em thường gửi báo cáo định kỳ cho chúng tôi sáu tháng một lần. Chúng tôi cũng liên hệ thường xuyên với các em theo email, điện thoại, trả lời thắc mắc của các em khi cần. Với trường hợp đáng tiếc vừa qua của du học sinh Việt Nam tại Nhật bị kẻ lạ đâm, chúng tôi đã cập nhật ngay thời điểm đó. Chuyên viên phụ trách đã liên lạc ngay với gia đình, với các học sinh cùng trường với em bên đấy. Hiện nay, du học sinh này đã qua cơn nguy kịch, gia đình đã được thông báo để yên tâm”, bà Hương nói.
Theo SGTT
Cẩm nang giữ mình nơi xứ lạ
Nếu thấy người lạ mặt có những hành vi khả nghi, hãy báo cho bảo vệ hoặc cảnh sát ở gần bạn nhất. Sử dụng hệ thống chuông báo động khi cần. Nếu cần phải đi đâu một mình, hãy nói với bạn cùng phòng, gia đình chủ nhà hay họ hàng nơi bạn đến và khi nào bạn về. Luôn mang theo điện thoại di động và lưu các số điện thoại khẩn trong điện thoại. Không nên đi ra ngoài với người lạ, người mới quen hay người say. Đừng đọc số điện thoại của bạn nếu có ai gọi nhầm tới máy của bạn. Đừng nói với người gọi đến là bạn đang ở một mình. Dập máy khi nhận phải những cú điện thoại tục tĩu. Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Báo bảo vệ/cảnh sát khi thấy những món đồ bị bỏ rơi hoặc đáng nghi. Chỉ mang theo người số tiền mặt cần thiết và thẻ tín dụng.
Luôn khoá cửa phòng khi ra ngoài, dù chỉ một lúc. Ghi ký hiệu cá nhân lên đồ vật của mình. Cất cẩn thận và không để trong xe giấy tờ quan trọng, thẻ tín dụng, tiền hay giấy phép lái xe. Sử dụng máy rút tiền tự động ở nơi có nhiều người lui tới, có đèn sáng. Tránh đi đến máy rút tiền tự động một mình vào ban đêm. Không đứng ngay tại máy rút tiền tự động để đếm tiền.
Khi đi đâu xa nên để ý xung quanh. Tránh đi đường tắt. Khi trời tối, nên đi cùng người quen hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chọn đường có hệ thống chiếu sáng, gần đường giao thông chính. Không nghe headphone khi đi bộ một mình. Nếu nhận thấy đang bị người khác bám theo, nên băng qua phố và đổi hướng đi; luôn nhìn lại phía sau để cảnh báo mình đã nhận ra họ, ghi nhớ đặc điểm nhận dạng để có thể tả lại. Thông báo sự việc với bảo vệ hoặc cảnh sát. Hãy đến trạm cảnh sát hoặc cứu hoả, ký túc xá hoặc toà nhà gần nhất, hoặc chỗ đông người. Nếu không có khu vực nào an toàn gần đó thì hãy bấm còi xe thật to.
Không bước vào thang máy cùng người khả nghi. Luôn khoá cửa phòng và khi có người gõ cửa thì phải hỏi rõ trước khi mở. Không đi nhờ xe. Khi xe hỏng trên đường, nếu có người dừng lại muốn giúp, tốt nhất hãy nhờ người đó gọi điện giúp bạn hơn là đi nhờ xe…
Theo cphud.danang.gov


Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)