Cấp cứu nạn nhân bị gãy chân |
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện đề án thí điểm nâng cao năng lực cho hệ thống các trạm sơ cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) để trình Chính phủ. Mục tiêu của đề án này là tổ chức tốt công tác sơ cấp cứu ban đầu, cứu chữa kịp thời, hiệu quả cho người bị TNGT, làm giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế hậu quả, di chứng và giảm chi phí.
Tử vong vì không được cấp cứu kịp thời
Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế về dự án an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các khoa đáp ứng cấp cứu TNGT đường bộ tại các bệnh viện tỉnh, thành phố chỉ đạt từ 16,5 – 55,6%; đối với các bệnh viện quận, huyện đạt từ 15,7 – 74,3% và các trạm y tế xã, phường đạt từ 18,1 – 57,1%. Trong quá trình xây dựng đề án thí điểm nâng cao năng lực cho hệ thống các trạm cấp cứu TNGT, khi tiến hành khảo sát tại một số địa bàn, Bộ Y tế đã xác định nguyên nhân tử vong TNGT phần lớn là do nạn nhân được đưa đến cấp cứu chậm. Đề án thí điểm nâng cao năng lực cho hệ thống các trạm cấp cứu TNGT mà Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Mục tiêu của đề án được xác định rõ là giảm gánh nặng tử vong và tàn tật do chấn thương từ TNGT đường bộ. Dự thảo của đề án là xây dựng 150 trạm y tế xã (phường), 94 bệnh viện đa khoa quận (huyện), 18 bệnh viện đa khoa tỉnh (thành phố), 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện ngành và Trung tâm cấp cứu 115 các tỉnh, thành phố dọc 4 tuyến quốc lộ, gồm: Tuyến Hà Nội – Nghệ An (QL1A), Hà Nội – Hải Phòng (QL5), TP.HCM – Cần Thơ (QL1A), Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu (QL51). Mục tiêu chung là xây dựng được hệ thống cấp cứu đủ năng lực, đáp ứng có hiệu quả và nhanh nhất với các loại TNGT đường bộ, đặc biệt trong những trường hợp có số lượng lớn nạn nhân. Cụ thể là thiết lập mạng lưới trạm sơ cấp cứu ban đầu về TNGT và nâng cao năng lực cấp cứu TNGT đường bộ cho các cơ sở y tế gồm trạm y tế xã (phường), bệnh viện đa khoa quận (huyện), bệnh viện tuyến tỉnh. Trong đó, các trạm y tế xã (phường) đóng vai trò làm cơ sở cấp cứu ban đầu TNGT, bệnh viện đa khoa quận (huyện) làm nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn cấp cứu theo phân tuyến kỹ thuật.
Đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây trạm sơ cấp cứu
Sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông bị chấn thương ở bụng |
Tiêu chí của hệ thống các trạm cấp cứu TNGT dọc trên các tuyến quốc lộ được xác định phải đảm bảo khi tiếp nhận thông báo có tai nạn, sau 10 – 15 phút cán bộ y tế phải tiếp cận với người bị nạn, tổ chức cấp cứu ban đầu tại hiện trường và vận chuyển cấp cứu người bị nạn đến các cơ sở y tế an toàn. Các trạm cấp cứu nằm dọc trên các tuyến quốc lộ đảm bảo khoảng cách từ 5 – 6km, cách đường quốc lộ không quá 1km, có biển báo và đèn hiệu, biển báo chỉ dẫn đảm bảo có thể nhìn thấy dễ dàng ngay cả ban đêm. Nếu nằm quá khoảng cách này phải xây dựng trạm cấp cứu TNGT có quy mô như một phòng khám cấp cứu ban đầu ở trạm y tế. Với tổng kinh phí dự kiến khoảng 108 tỷ đồng, đề án sẽ được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2009 – 2010 dọc 4 tuyến quốc lộ qua 16 tỉnh, thành phố. Hiện tại, Bộ Y tế đang dần hoàn thiện dự thảo để lấy ý kiến của các Bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Ủy ban ATGT Quốc gia… trước khi hoàn tất lần cuối trình Chính phủ phê duyệt đầu năm 2009.
Gia Hưng
Bình luận (0)