Di sản chợ nổi Cái Răng đã góp phần quảng bá hình ảnh đô thị Cần Thơ đến với bạn bè trong nước, du khách quốc tế; là điểm nhấn quan trọng và là điểm hẹn của du khách trong bản đồ du lịch của TP.Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long; qua đó tạo nguồn thu cho nhiều loại hình kinh tế. Do vậy bảo tồn và phát triển chợ nổi là nhiệm vụ cấp thiết của cả thành phố.
Theo UBND quận Cái Răng, so với trước, chợ nổi hiện nay còn khoảng 100-150 thương hồ (có giao động tăng giảm theo từng mùa vụ), chủ yếu buôn bán nông sản, trái cây theo mùa, rau củ quả, khóm, dưa hấu, chôm chôm, xoài, củ sắn, bí rợ, khoai lang, khoai mỡ, khoai ngọt, mua tại các nhà vườn ở các tỉnh miền Tây, chủ yếu ở Cái Răng, Phong Điền; và các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang…
Các hộ kinh doanh hàng hóa nông sản, dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm, đặc sản vùng miền, dịch vụ đưa đón khách tham quan du lịch… cũng giảm, một số chuyển lên khu vực chợ Cái Răng hay chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Sản lượng tiêu thụ từ 50-60kg đến 15 tấn/ngày/ghe. Lượng hàng hóa tiêu thụ giảm so với trước.
Các nguyên nhân chủ quan và khách quan được chỉ ra: Thông tin mạng phát triển, nông dân kết nối dễ dàng với thương lái; kết hợp hạ tầng cầu đường được đầu tư nên thương lái đến tận vườn thu gom bằng xe, nhanh chóng, thuận lợi. Chi phí đầu tư ghe, tàu vận chuyển hàng hóa, sinh sống trên sông nước đòi hỏi nguồn vốn rất lớn (từ vài trăm triệu đồng)… Chi phí nhân công (bốc xếp) lên xuống hàng hóa cũng cao. Thời gian đăng ký, đăng kiểm ghe, tàu… đòi hỏi nhiều yêu cầu. Một số vựa tổ chức thu mua trên bờ nên thay đổi phương thức vận chuyển. Lao động dịch chuyển, do nhu cầu cuộc sống, học tập của con cái nên một số hộ không còn duy trì nghề sông nước.
Việc thi công kè ứng phó biến đổi khí hậu đã góp phần thay đổi diện mạo của TP.Cần Thơ nói chung, quận Cái Răng nói riêng, giúp đô thị trung tâm vùng đồng bằng thêm khang trang, an toàn. Nhưng cao độ tường kè, các hạng mục gia cố chân kè… đã tác động theo chiều tiêu cực đến vận chuyển hàng hóa, và hoạt động mua bán; nhiều trường hợp đã bỏ ghe từ chợ nổi lên chợ Cái Răng để kinh doanh hoặc chuyển sang công việc mưu sinh khác.
Đời sống tinh thần người dân được nâng lên, nhưng nguồn thu nhập chính từ hoạt động mua bán tại chợ nổi đã giảm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, và người lao động phụ thuộc vào chợ nổi. Bên cạnh, công tác quản lý tại chợ nổi có tính chất đặc thù, cần có phương tiện thủy để di chuyển, chi phí nhiên liệu, nhân sự phối hợp kiểm tra, quản lý… nhưng kinh phí hoạt động chưa được phân bổ cụ thể nên việc tổ chức thực hiện của ngành chức năng chưa thật sự hiệu quả.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Nguyễn Thái Bảo – Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết quận đã kiến nghị thành phố và các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sớm xây dựng các phương án khắc phục, trong đó bố trí bến tàu vận chuyển hành khách, điểm tập kết neo đậu của các ghe, tàu đảm bảo an toàn. Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và tổ chức nhiều dịch vụ du lịch đặc sắc, thu hút; xây dựng trạm dừng chân để du khách có bến lên xuống an toàn, nơi đây sẽ tổ chức các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch. Xây dựng bến vận chuyển hàng hóa phù hợp cho các vựa thu mua nông sản. Xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, thu gom rác cho người dân và thương hồ.
Ngành điện có giải pháp để các bè nổi, bè mua bán hàng hóa và các hộ sinh sống trên ghe, tàu tại chợ nổi được sử dụng điện an toàn.
Về phía địa phương, ông Bảo cho biết: “Quận đã yêu cầu các chủ tàu phải đăng ký đưa đón khách tham quan, vận chuyển nhằm đảm bảo quyền lợi của du khách. Bố trí vựa thu mua và điểm tập kết hàng hóa nông sản, phù hợp với loại hình vận chuyển hàng hóa nông sản của tiểu thương, thương hồ.
Sắp tới sẽ xây dựng bến lên xuống hàng hóa của các ghe, tàu; cùng với thành phố kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nhằm thực hiện xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch cũng như khai thác chợ nổi. Thành lập nghiệp đoàn vận chuyển hàng hóa, tạo việc làm cho lao động đặc trưng của chợ nổi”.
Là cơ quan chủ quản, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ, cho biết: Sở đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng với mục tiêu: Giữ nguyên hiện trạng của chợ, đồng thời sắp xếp, điều chỉnh lại hoạt động, nhằm hài hòa giữa bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống đồng thời đáp ứng nhu cầu kinh tế hiện đại, phục vụ phát triển của thành phố và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của khách tham quan. UBND TP.Cần Thơ đã phê duyệt đề án.
Qua tổng kết 5 năm thực hiện đề án; UBND quận Cái Răng đã hoàn thành 10/13 hạng mục của đề án. Cụ thể, TP trang bị 2 ghe thu gom rác, xây dựng cầu tàu, kêu gọi xã hội hóa đầu tư một nhà vệ sinh công cộng và 6 bè nổi phục vụ bán trái cây, ăn uống cho du khách. Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư vào một nhà hàng nổi ven sông. Cơ quan chức năng đang đề xuất đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đất thu hồi của Nông trường Sông Hậu nằm phía trên chợ để xây dựng trạm dừng chân chợ nổi.
Đánh giá sơ kết đề án vào năm 2023, cơ quan chức năng nhận thấy số lượng ghe, tàu hoạt động tại chợ chỉ còn khoảng 200-250 chiếc (giảm 50-60%). Để chợ nổi tiếp tục phát triển bền vững cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, các sở ngành, cộng đồng địa phương và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực… Có như vậy mới giúp chợ nổi không bị “chìm”.
Quả vậy, chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là tài sản chung của thành phố; do vậy trách nhiệm bảo tồn và phát triển CẦN và PHẢI có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Đan Phượng
Bình luận (0)