Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để biết “gạn đục khơi trong”

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này, hàng triệu học sinh cả nước chuẩn bị vào năm học mới. Khi những cô cậu học trò háo hức dưới sân trường sau thời gian nghỉ hè, thì các bậc phụ huynh, những người quan tâm đến công tác trồng người, lại tìm nét mới trong năm học mới.

Nếu những năm trước cả xã hội hưởng ứng cuộc vận động “nói không với tiêu cực, gian lận thi cử” của ngành giáo dục, thì năm nay cả xã hội cũng đang trông chờ vào quyết tâm nói không với cách dạy và học theo kiểu “đọc – chép”. Vấn đề này đã được người đứng đầu ngành giáo dục chỉ thị, trong đó nêu rất rõ: Từ năm học 2009 – 2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc – chép” ở THCS và THPT. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học.
Có thể nói, dạy và học theo kiểu đọc chép là hậu quả chính của tình trạng tiêu cực trong thi cử đã trở thành vấn nạn một thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về giáo dục cho rằng, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cái hiểm nguy sâu xa, bao trùm hơn là nhiều thế hệ học trò gần như bị triệt tiêu tư duy, sáng tạo, kém năng động. Đó cũng chính là lý do vì sao năm nào sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, báo chí lại “thích đi săn” những “bài văn lạ”, những bài thi lịch sử mà khi đọc ai cũng cười ra nước mắt.
Ai cũng ngạc nhiên, sinh viên nước ngoài sao lúc nào cũng tự tin nói trước đám đông, đĩnh đạc trong giao tiếp so với sinh viên trong nước. Mặc dù học trò chúng ta học tối mặt, tối mày, học ở trường chưa đủ, tranh thủ đi học thêm… Rõ ràng, học theo kiểu chép, dạy theo cách đọc từ lâu đã bộc lộ những hệ lụy khiến cho con người ta khi trưởng thành trở nên rập khuôn, giáo điều, cay cú với ý kiến trái chiều.
Cách suy nghĩ, cách làm việc, lối sống của một con người đều xuất phát từ giáo dục ở nhà trường, xã hội và gia đình. Trong đó, nhà trường đóng vai trò rất quan trọng, sẽ tạo cho mỗi người một “sức đề kháng” cần thiết khi thả mình vào xã hội cạnh tranh lành mạnh để sống và tồn tại. Chính vì vậy, trước khi dạy chữ phải dạy học trò biết cách làm người. Mà muốn làm người tử tế thì phải biết suy nghĩ, “gạn đục khơi trong”, để được như thế thì từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường học trò không phải chép chép, ghi ghi. Khơi gợi vấn đề để thảo luận, tạo điều kiện để học sinh chủ động tranh luận là điều cần thiết hơn là thầy ôm sách đọc như một cỗ máy.
Có thể nói bỏ cách dạy và học theo kiểu “đọc – chép” là gần như chạm cái gốc của vấn đề cải cách giáo dục hiện nay. Bởi nó làm cho cả người dạy và người học phải năng động, phải sáng tạo, từ đó mới có môi trường xã hội mà ai cũng phải biết tư duy để đứng vững trên chính đôi chân của mình.
Lộc Nam (SGGP)

 

Bình luận (0)