Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Để bình ổn thị trường vàng: NHNN sẽ huy động vàng từ dân cư?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân” – đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuộc họp báo ngày 23.8.

Đồng thời, NHNN cũng cho biết sẽ tham gia trực tiếp quản lý quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu (XNK) vàng nguyên liệu.

Sẽ sử dụng vàng trong nước để can thiệp thị trường

Phát biểu tại buổi họp giao ban báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 23.8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, theo tính toán của NHNN thì dự đoán vàng tại Việt Nam có khoảng từ 300 tấn đến 500 tấn. Giải thích về thông tin Hiệp hội Vàng thế giới đã thống kê có khoảng 1.000 tấn vàng đã được nhập về theo các địa chỉ đặt hàng từ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Bình, căn cứ để NHNN dự đoán số lượng vàng do Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng, nên vàng ở Việt Nam có nhập về cũng có xuất đi. Trước đây, khi các NHTM được phép huy động vàng thì số vàng người dân gửi NH thường dao động từ 150-200 tấn, con số này có thể chiếm đến 60% lượng vàng trong nước.

Để tăng khả năng can thiệp thị trường vàng của Nhà nước, ngoài việc trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc NHNN quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng, nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân, NHNN sẽ trình Đề án tận dụng vàng trong nước để bình ổn giá với nội dung: NHNN sẽ thay mặt Nhà nước huy động vàng của dân, nhưng về luật pháp NHNN không thể trực tiếp huy động, thay vào đó sẽ sử dụng các TCTD như đại lý huy động vàng.

Vàng huy động từ dân cư sẽ đảm bảo trong kho NHNN bao giờ cũng có từ 150-200 tấn, tương đương khoảng 10 tỉ USD. Giá trị số vàng này sẽ làm tăng dự trữ quốc gia, và Nhà nước có thể dùng chính vàng này can thiệp thị trường khi cần thiết.

Về cả thị trường vàng và ngoại tệ của Việt Nam trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định “đứng trên bình diện tổng thể không mất cân đối, nằm trong tầm kiểm soát và kiềm chế của NHNN”.

Chuẩn bị điều kiện để NHNN can thiệp

Dự kiến, trong tháng 9.2011, NHNH sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP. Theo đó, về cơ bản, Dự thảo nghị định có những điểm đáng lưu ý sau: (i) Về sản xuất vàng miếng: NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Về nguyên tắc, đây là hoạt động hạn chế kinh doanh và cần được quản lý chặt chẽ. Do đó, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho DN sản xuất vàng miếng nhưng sẽ rất hạn chế; (ii) Về lưu thông vàng miếng: NHNN chỉ cho phép một số DN và TCTD có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng được thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này;(iii) Về xuất – nhập khẩu vàng nguyên liệu: NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép hoạt động XNK vàng nguyên liệu.

Với những nội dung trên, NHNN sẽ tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; XNK vàng nguyên liệu. Đây là các yếu tố đảm bảo cho NHNN can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống hoạt động đầu cơ lũng đoạn giá vàng.

Ổn định tỉ giá đến cuối năm để bình ổn giá vàng

Theo NHNN, phân tích cán cân thanh toán tổng thể trong những tháng vừa qua và dự báo những tháng cuối năm cho thấy cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỉ USD. Thời gian qua cán cân thương mại được cải thiện đáng kể, từ chỗ nhập siêu khoảng 16% XK, nay chỉ còn trên 10%. XK, dịch vụ, du lịch, kiều hối tăng mạnh và tiếp tục duy trì chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm.

Giá trị, vị thế của VND đã được củng cố, so sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VND và ngoại tệ cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về phía VND. Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống. Mặc dù tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cao (đến 15.8.2011 tăng khoảng 24%), nhưng phân tích giữa nguồn và sử dụng nguồn của các TCTD cho thấy vẫn có thặng dư từ 3 đến 5 tỉ USD từ nay đến cuối năm, thanh khoản ngoại tệ của các TCTD được đảm bảo. Các phân tích nêu trên cho thấy hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỉ giá trong những tháng cuối năm 2011.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, ổn định tỉ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, bên cạnh việc chủ động, kịp thời cho phép NK vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ làm giá trên thị trường trong nước, NHNN sẽ có cơ chế phù hợp để các TCTD có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp bình ổn thị trường. Quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm 2011 là: Ổn định tỉ giá; đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường.

* Wells Fargo phủ nhận bong bóng giá vàng. Tập đoàn Wells Fargo ngày 16.8 đã phát đi cảnh báo tình trạng ồ ạt đầu tư vào vàng dẫn đến bong bóng giá và có nguy cơ nổ tung. Tuy nhiên đến ngày 23.8, tập đoàn này có tuyên bố ngược lại với cảnh báo trước đó.

* Giá vàng lập kỷ lục mới rồi lại lao dốc. Ngày 23.8, giá vàng thế giới lập đỉnh mới 1.917,9USD/oz. Tuy nhiên cũng ngay trong phiên, giá vàng đã giảm mạnh xuống mốc 1.866USD/oz. Tại thị trường trong nước, giá vàng lập đỉnh cao nhất lúc hơn 8 giờ ngày 23.8 với mức giá kỷ lục 48,41 – 49,09 triệu đồng/lượng chiều mua vào và bán ra. Tuy nhiên đến buổi chiều, giá liên tục điều chỉnh giảm và chốt ở mức 48,150 đồng/lượng chiều mua vào và 48,470 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tuy nhiên, giá vàng trong nước quy đổi vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 1 triệu đồng/lượng. A.X

Hoàng Mai

Theo Lao Động
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)