Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Để bóng đá Việt Nam không rơi xuống sau AFF Cup

Tạp Chí Giáo Dục

Để thất bại tại AFF Cup 2020 không ảnh hưởng đến lộ trình và chiến lược trước mắt cũng như lâu dài của tuyển Việt Nam, đòi hỏi không chỉ HLV Park Hang-seo mà các nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần xắn tay giải quyết nhiều chuyện mang tính cấp bách.
Việc bị Thái Lan loại ở bán kết chỉ ra nhiều điều cho bóng đá Việt Nam
Phải thẳng thắn mổ xẻ nhiều vấn đề
Bình luận viên Đặng Phương Nam chia sẻ quan điểm: “Xét về góc độ chuyên môn, việc tuyển Việt Nam không bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup, cần phải được phân tích thấu đáo những lý do cơ bản nhất, bao gồm những yếu tố liên quan đến thể lực, chiến thuật, kỹ thuật và tâm lý. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và thầy Park phải nhìn nhận thẳng thắn quá trình chuẩn bị cho 4 yếu tố quan trọng nói trên đã tốt nhất chưa, còn sai sót ở công đoạn nào. Lực lượng cho giải đấu đã được lựa chọn một cách chuẩn xác chưa, tại sao đôn lên tới 6 cầu thủ U.23 mà không sử dụng tới hoặc sử dụng không hiệu quả.
Sự thiếu ổn định về mặt tâm lý và cả về cách vận hành hệ thống chiến thuật đã để lại quá nhiều nỗi lo. Có quá ít nhân tố đạt được phong độ cao và duy trì được phong độ đó trong suốt chiều dài giải. Quang Hải, Hoàng Đức khác biệt so với hầu hết phần còn lại của đội tuyển. Thể chất và tâm lý của đa số tuyển thủ bị mài mòn cũng có thể do nguyên nhân khách quan khi chúng ta phải tập trung bong bóng quá lâu, dự nhiều giải lớn liên tục từ vòng loại World Cup đến AFF Cup. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao ở bán kết lượt về AFF Cup, khi sự mệt mỏi và căng thẳng được đánh giá là có thể tới ngưỡng cao nhất thì tuyển Việt Nam lại vẫn chơi hay thế, bùng nổ thế. Còn ở lượt đi không thể. Phải chăng đây cũng là bài học đắt giá cho tuyển Việt Nam. Chỉ khi có sự tập trung cao nhất, dốc sức nhất thì dù hoàn cảnh có éo le cỡ nào, chúng ta vẫn có thể vượt qua”.
Tuyển Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng mật độ thi đấu dày đã bào mòn sức
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đồng quan điểm: “Tại AFF Cup 2020, tuyển Việt Nam không có được trạng thái tâm lý, thể lực tốt. Tập trung dài hạn có thuận lợi giúp cầu thủ chơi bóng và kết dính. Nhưng từ vòng loại thứ 2 sang vòng loại cuối cùng World Cup 2022, rồi AFF Cup 2020, dù ban huấn luyện và các cầu thủ đã rất nỗ lực nhưng sự quá tải và ức chế về tâm lý đã phần nào kìm hãm sự thăng hoa. Các đội gặp Việt Nam chỉ cần cầm cự 70 phút là chúng ta không ăn nổi. Tuyển Việt Nam vẫn là đội bóng có đẳng cấp cao của Đông Nam Á nhưng lúc này phong độ không tốt. Các đối thủ đã nghiên cứu kỹ tuyển Việt Nam. Thái Lan chuẩn bị ngắn nhưng khát khao và chơi thực dụng, cầu thủ có điểm rơi tốt. Singapore cũng tiến bộ vượt bậc rất đáng gờm nhờ trẻ hóa. Indonesia chỉ có 2 cầu thủ trên 30 tuổi, sử dụng đến 9 gương mặt dưới 21 tuổi nhưng chơi tuyệt hay, cầm hòa Việt Nam và đánh bại Malaysia, Singapore để vào chung kết. AFF Cup đã chỉ ra rất nhiều vấn đề tiềm ẩn của đội tuyển Việt Nam”.
Vai trò của các nhà quản trị bóng đá Việt Nam
Cựu tiền đạo Đặng Phương Nam tỏ ra băn khoăn: “Tôi không rõ bài toán sắp tới của đội tuyển sẽ là vá lại lỗ thủng hay thay máu nhân sự. Nhưng dù là cách nào, có lẽ đây cũng là thời điểm thầy Park sẽ cách tân lại một số thứ của tuyển Việt Nam. Bản thân tôi lại không cho rằng, lứa cầu thủ hiện tại đã hết khả năng cống hiến bởi đa phần cũng mới chỉ 25 – 27 tuổi. Nếu để chuẩn bị cho AFF Cup 2022 vào cuối năm sau thì lứa này vẫn hoàn toàn có thể cống hiến. Đội tuyển Việt Nam vẫn có thể tìm lại sức mạnh khi những nhân tố giỏi quay lại, như Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Lâm. Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện rất nhiều vấn đề về chuyên môn và phải cố gắng làm sao đạt được độ ổn định cao. Nhìn ra vấn đề của mình ở đâu thì giải quyết ở chính chỗ đó”.
HLV Đoàn Minh Xương lại cho rằng, VFF và ban huấn luyện cần mạnh dạn điều chỉnh chiến lược, mạnh dạn sử dụng các cầu thủ U.22 cho các trận còn lại tại vòng loại thứ 3 World Cup để những trụ cột có cơ hội nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng và cảm hứng. Chúng ta sẽ dồn sức và sử dụng đội hình mạnh nhất cho 2 trận có khả năng kiếm điểm là gặp đội Trung Quốc và Oman. Còn hai trận gặp Úc và Nhật Bản có thể dùng kép phụ.
Tiếc nuối của Hồ Tấn Tài sau một tình huống bị bỏ lỡ
Ông Xương nói: “Về vấn đề vĩ mô hơn, VFF và Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nên chủ động báo cáo với các cấp có thẩm quyền để hệ thống bóng đá chuyên nghiệp có thể tổ chức mà không bị rơi vào tình trạng bị hoãn, hủy. Cả nước đang thích ứng sống chung với dịch bệnh Covid-19, tránh để V-League, giải hạng nhất hay Cúp quốc gia bị nghỉ thời gian dài. Cầu thủ tập chay không được thi đấu sẽ mất phong độ. Ta cần học cách thích ứng và đưa ra tiêu chí về công tác tổ chức, ví dụ vùng vàng đá không có khán giả, vùng xanh cho bao nhiêu khán giả vào sân, xét nghiệm trước trận, đăng ký mở rộng thêm cầu thủ ra sao, cầu thủ dương tính xử lý bằng cách nào… V-League diễn ra suôn sẻ giúp các tuyển thủ khi lên tuyển sẽ ở trạng thái tích cực, HLV Park Hang-seo cũng có thêm cơ hội để tìm kiếm nhân tố mới, tránh việc các trụ cột bị bào mòn, vắt kiệt sức như thời gian qua. Đừng để tiếp diễn tình trạng cứ Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức, Công Phượng… hắt hơi sổ mũi là tuyển Việt Nam lại mệt. Đầu tư cho U.22 Việt Nam là đầu tư cho mục tiêu đoạt lại ngôi vô địch AFF Cup 2022”.

Tuyển Việt Nam cần xây dựng lại lực lượng từ tuyến trẻ
Ông Xương nói thêm: “Về dài hạn, tôi cho rằng VFF và VPF cập nhật quy chế bóng đá chuyên nghiệp, tiến tới từ nay đến 2025 bắt buộc mỗi CLB chuyên nghiệp phải chủ động trực tiếp nuôi ít nhất 2 đội U.17 và U.19. Không thể khoán trọn cho nhà nước hoặc bỏ mặc như hiện tại nữa. Như thế bóng đá Việt Nam có ít nhất 56 đội trẻ, hơn 1.000 cầu thủ trẻ được đầu tư. Từ xuất phát điểm này, VPF có thể tiến thêm một bước là ngồi lại bàn bạc với VFF và các CLB V-League để bảo đảm mỗi trận mỗi CLB có ít nhất 1 cầu thủ U.22 thi đấu. Nếu xa hơn có một giải đấu cho các đội B song song V-League thì bóng đá Việt Nam khi đó mới có thể an tâm nghĩ đến nguồn kế thừa đều đặn. Bóng đá Việt Nam mới đạt được sự ổn định lâu dài, không phập phù khi hay khi dở, có thể đạt thành tích ở các sân chơi lớn của khu vực và châu Á”.
Có lẽ cầu thủ đang bội thực bóng đá
HLV Kiatisak (HAGL) nói: “Sau 6 tháng trời tập trung bong bóng, có lẽ các cầu thủ đang “ngán bóng đá” quá, dẫn đến tinh thần đi xuống không bốc lên nổi. Chúng tôi đã nói chuyện với mỗi cầu thủ, để lắng nghe cảm xúc và tìm cách khích lệ tinh thần, thổi lên khát khao và xác định mục tiêu tích cực cho họ. Việc chăm sóc tinh thần cho các cầu thủ là rất quan trọng, phải thực hiện đầu tiên trước khi tìm cách hồi phục thể lực. Tôi và CLB HAGL sẽ làm mọi cách để sẵn sàng chăm lo tốt nhất khi 7 tuyển thủ Việt Nam trở về CLB, để sau đó giới thiệu gương mặt mạnh khỏe, sẵn sàng nhất cho HLV Park Hang-seo”.

 
TT (theo thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)