Cảnh dồn ép, chen lấn như thế này trên các xe buýt tại bến xe làng ĐHQG khiến sinh viên rất dễ bị mất cắp. Ảnh: D.T
|
Từ khi được đưa vào sử dụng tại TP.HCM, xe buýt đã trở thành phương tiện công cộng mà nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, với các bạn sinh viên hầu như xe buýt đã trở thành phương tiện chính. Giá rẻ, đi được nhiều nơi, xe buýt tiện lợi là thế nhưng sinh viên vẫn phải đối mặt với nhiều “nỗi khổ” như bị dồn ép, mất cắp…
Dồn ép trên xe buýt
Khoảng 6 giờ sáng ngày 24-10, tại trạm xe buýt ở làng ĐH Thủ Đức, hàng loạt sinh viên đang đứng đợi xe để đến trường. Cứ mỗi chuyến xe buýt ghé qua là lại diễn ra cảnh chen lấn, cố lên trước để giành chỗ ngồi. Những chuyến xe buýt đi qua các trường thuộc ĐHQG và nhiều trường ĐH khác như số 8, 19, 33, 50… luôn chật cứng chỗ ngồi, thậm chí cả khoảng trống giữa hai hàng ghế cũng không còn chỗ đứng khiến nhiều sinh viên chen chúc rất khổ sở. Bạn Vy Ngọc Hoàng Minh (sinh viên ĐH Kinh tế – Luật) cho biết: “Mỗi ngày đến trường mình đều phải đi chuyến xe buýt số 33, hầu như ngày nào mình cũng phải đứng cho tới trường. Chuyến nào cũng đông cứng người, nhiều hôm mình phải dậy thật sớm để đón chuyến xe buýt đầu tiên may ra mới ngồi được”.
Tương tự như Minh, Trần Thị Cẩm Chi (sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) bức xúc: “Để đến cơ sở chính của trường mình nhanh nhất thì chỉ có xe 50, hơn nữa xe này cũng đi qua ĐH Bách khoa nên việc phải đứng diễn ra như cơm bữa, nhiều hôm mình phải đứng đến gần 1 tiếng đồng hồ, chưa kể những buổi kẹt xe thời gian đó kéo dài gấp đôi”.
Mặc dù giá cả hợp lý và có nhiều ưu đãi cho sinh viên nhưng chất lượng kém của xe buýt luôn khiến nhiều sinh viên lắc đầu ngao ngán. Bạn Trịnh Thủy Tiên (sinh viên ĐH KHTN) chia sẻ: “Học dưới làng ĐH thì không nói, chứ nhiều lúc phải học tại cơ sở chính mà lên xe buýt không có chỗ ngồi, đến trường mình rất mệt mỏi và không tập trung học được”.
Khổ vì bị mất cắp
Luôn phải chen lấn trên các chuyến xe buýt để đến trường cho kịp giờ học và luôn mang theo những đồ vật có giá trị như laptop, điện thoại… bên người, vì vậy sinh viên đã trở thành “con mồi” béo bở cho những kẻ hành nghề móc túi trên xe buýt. Không ít bạn sinh viên đã phải than trời vì vừa bước xuống xe buýt, những tài sản giá trị đã không cánh mà bay.
Bạn Trương Quỳnh Ngọc (sinh viên ĐH Hutech) cho biết: “Trong một lần đi xe buýt số 8, sắp tới trạm mình lấy điện thoại để gọi cho người thân ra đón, nhưng vừa bước xuống xe thì chiếc điện thoại của mình không biết đã biến đi đâu”.
Lợi dụng sự đông người và sơ hở của các bạn sinh viên, những kẻ móc túi chỉ cần một vài thủ thuật nhỏ là có thể dễ dàng lấy được đồ từ túi các bạn. Đặc biệt, trên các tuyến xe buýt có lượt người lên xuống liên tục như số 8, 19, 33… những hành vi này lại càng diễn ra thuận lợi, táo tợn hơn. Bạn Vũ Thị Vững (sinh viên ĐH KHXH&NV) kể lại: “Hôm đó, mình đi học trên xe buýt 19, lúc mình đứng có một người phụ nữ đứng ngay bên cạnh, cô ấy rất lịch sự, cười cười, đẩy nhẹ người mình để giúp mình chen qua và xuống trạm, ngay sau đó, sờ vào túi thì điện thoại của mình đã không còn nữa. Biết chắc thủ phạm là người phụ nữ đó, nhưng mình chẳng làm gì được”.
Tâm lý sợ hãi và sợ trả thù đã khiến nhiều sinh viên ngại, không dám nhắc bạn khi thấy họ bị lấy đồ. Bạn Đỗ Minh Tuấn (sinh viên CĐ Lý Tự Trọng) cho biết: “Trong khi đi xe buýt, mình đã nhìn thấy một người đàn ông đang cho tay vào ba lô của một bạn nữ, bạn ấy không hề hay biết. Nhưng mình không dám nhắc vì sợ, chỉ lợi dụng sự đông người giả vờ đẩy bạn ấy lên phía trên thôi”.
Với nhiều sinh viên, điện thoại, laptop, tiền bạc… là những tài sản có giá trị cao, mất đi sẽ càng khiến các bạn rơi vào tình trạng khốn đốn, đặc biệt với những bạn có hoàn cảnh khó khăn thì cơ hội được bố mẹ mua lại là vô cùng thấp. Quốc Nghiệm (sinh viên ĐH Bách khoa) chia sẻ: “Mình đã phải ăn mì gói nguyên tháng, vì chiếc ví cùng với 2 triệu đồng mới rút đã bị móc túi trên xe buýt”.
Xe buýt luôn là lựa chọn tối ưu đối với sinh viên, nhưng các bạn cũng nên lưu ý và cẩn trọng hơn mỗi lần lên xe buýt để bảo vệ tài sản của chính mình.
Kim Ngân
Hiện nay, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đang cố gắng tìm biện pháp để tăng chất lượng phục vụ, hi vọng trong tương lai, sinh viên sẽ không còn phải đối mặt với những vấn nạn trên khi đi xe buýt. |
Bình luận (0)