Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Để các gia đình trẻ luôn ấm

Tạp Chí Giáo Dục

Hôn nhân của những cặp vợ chồng trẻ thường rất nồng nàn và đầy lãng mạn, nhưng các bạn trẻ thường chỉ tận hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào một giai đoạn không lâu. Sau đó là bắt đầu những lo toan, trách móc mà đôi khi nguyên nhân của sự đổ vỡ lại là những chuyện rất nhỏ mà cả hai không thể vượt qua được. Nếu vượt qua được những trở ngại ban đầu để có thể thông hiểu nhau thì sẽ giúp cho gia đình non trẻ luôn ấm cúng, tràn ngập niềm vui, thắt chặt hạnh phúc dài lâu…

Những gia đình non trẻ sẽ ấm cúng, tràn ngập niềm vui… nếu vượt qua được những trở ngại ban đầu để có thể thông hiểu nhau (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

1.Những mâu thuẫn trong đời sống của vợ chồng trẻ khá đa dạng nhưng chung quy lại đều có thể bắt đầu từ sự non trẻ, thiếu chững chạc và chưa điều chỉnh cái tôi thật sự cân bằng cần thiết. Trường hợp của Hùng và Nhi là một đơn cử cho sự không chấp nhận sự khác biệt bởi vì hình ảnh của đối phương sau khi cưới không giống như hình ảnh của người lúc mình đang yêu, hình tượng về người chồng – người vợ lý tưởng mà mình đã gầy dựng trong tâm trí. Lúc còn yêu nhau, Hùng lúc nào cũng tươm tất, lịch sự khi hẹn hò hoặc qua nhà gặp ba mẹ Nhi, Hùng luôn là người sẵn sàng giúp đỡ và xuất hiện mọi lúc khi Nhi cần tới. Vậy mà, sau khi cưới Nhi mới nhận ra tính Hùng rất cộc cằn, bê bối trong sinh hoạt hàng ngày, lại hay cằn nhằn chuyện cơm nước của Nhi. Về phía Hùng, Nhi cũng không phải là một hình mẫu người vợ như Hùng mong mỏi, lúc quen nhau Nhi nhanh nhẹn, hoạt bát, hay biết phụ giúp mẹ Hùng công việc nhà. Khi cưới về mới hóa ra Nhi sợ nhất việc cơm nước nhà cửa, suốt ngày chỉ ôm máy tính làm việc, mê mẩn việc mua sắm cùng bạn bè, nhìn đống đồ xếp chồng mà chẳng thấy vợ sử dụng, Hùng nhắc thì vợ bảo: “Tiền đó của em chứ đâu phải của anh mà anh lo”. Thế là, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu trận chiến nảy lửa bằng những lời gây gổ, chẳng ai chịu nhường ai, bao nhiêu tật và lỗi lầm được đem ra mà so sánh, giằng xé nhau đến cuối cùng là lá đơn ly hôn được Nhi viết trong nước mắt…

2.Hiện nay, ngày càng có nhiều cuộc ly hôn, trong đó không ít chỉ vì tự ái cá nhân, đặc biệt là ở những gia đình trẻ. Có khá nhiều lý do được đưa ra như là không hợp nhau, không hiểu nhau, sở thích không phù hợp, không có sự nhường nhịn, chiều chuộng, tha thứ cho nhau, thiếu sự quan tâm, cảm thông, chăm sóc và chia sẻ cùng nhau. Thực tế, ở những cặp vợ chồng trẻ, nguyên nhân ly hôn có thể là sự hụt hẫng, thất vọng khi đối mặt với sự thật phũ phàng về hình ảnh thật của tình yêu đời mình. Sự không chấp nhận và không lắng nghe nỗi niềm riêng của nhau khiến hạnh phúc dễ đánh rơi một cách dễ dàng. Nếu vợ chồng trẻ biết cách kết hợp những điểm khác biệt thành những điểm tương đồng, biết trân trọng những điểm giống nhau và chấp nhận những điểm khác biệt, họ sẽ hạnh phúc và dễ chịu hơn là cứ khư khư theo cách riêng của mỗi người. Thật ra, đôi lúc lại quá lãng mạn và đối diện với hôn nhân bằng một trái tim quá lý tưởng mà quên mất rằng chồng – vợ thật ra đều là những con người, khi mỗi người lột bỏ lớp vỏ bề ngoài, lớp vỏ giao tiếp xã hội thì lẽ đương nhiên đều phải chứa đựng những điều khiếm khuyết, không trọn vẹn bên cạnh những điều tích cực. Bản thân mình không thể trọn vẹn và cũng không chấp nhận sự thay đổi bản thân thì đừng nên đòi hỏi hay buộc người bạn đời phải thay đổi để phù hợp với niềm hy vọng và chờ đợi của mình.

3.Để có thể cùng nhau xây dựng gia đình, nhiều khi phải có những hy sinh nhất định, phải mạnh mẽ đương đầu với những khó khăn. Nhưng sự hy sinh ấy phải được đồng cảm và chia sẻ, đó là sự tương tác hai chiều cần để xây dựng mái ấm non trẻ. Điều đó là những thứ không sờ thấy, nhưng nó rất quan trọng trong đời sống của những đôi vợ chồng trẻ. Hơn hết, hôn nhân không phải là sự bó buộc, với những người trẻ họ lại càng không thích bó buộc. Vì vậy, dù đã cưới nhau nhưng hãy tôn trọng và tạo cơ hội để mỗi cá nhân đều có thể tiếp tục tìm những khả năng và kỹ năng riêng của họ. Vợ chồng trẻ đừng cố khuyên bảo nhau, hạn chế sự lựa chọn, giới hạn tầm nhìn và ước mơ của nhau, đừng cố thay đổi nhau mà hãy để mỗi người được là chính mình. Nhưng hãy là chính mình phải được xây dựng trên nền tảng của sự dung hòa, biết điều tiết cái tôi và biết hy sinh cần thiết, tha thứ khi cần để sự nồng nàn luôn được duy trì. Thêm vào đó, cuộc sống mới bắt đầu luôn có những khó khăn và chặng đường phía trước rất dài, hãy có những kế hoạch, dự định và tổ chức cuộc sống một cách hợp lý, có mục tiêu chung với nhau và hết lòng phấn đấu vì mục tiêu chung ấy.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)