Lâu nay, phụ huynh học sinh (PHHS) rất muốn biết con em mình đến trường học tập với tâm thế ra sao; sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ thế nào… Thế nhưng, nội quy nhà trường không thể đáp ứng được mong muốn đó của PH. Đột phá trong cách nghĩ, cách làm, từ 2 năm qua, ngành giáo dục quận 3, TP.HCM đã định hướng cho các trường tiểu học trên địa bàn thử nghiệm các tiết dạy có PH tham gia cùng giáo viên nhằm tìm ra tiếng nói chung trong việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục HS.
Tiết học có sự tham dự của phụ huynhh học sinh
Tiết học kết nối nhà trường và gia đình
Nhiều bậc PHHS Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, quận 3, TP.HCM vừa được nhà trường mời tham dự tiết học tại lớp cùng con em mình. Đây là tiết học thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và trao đổi phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học theo tinh thần Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Mục đích của tiết học mời PHHS cùng dự ngay tại lớp học của con em mình là để giúp PH hiểu hơn về phương pháp giảng dạy của giáo viên trong nhà trường, từ đó có sự chia sẻ, ủng hộ đối với hoạt động dạy và học, tạo cầu nối giữa nhà trường và gia đình, thực hiện tốt xã hội hóa trong việc dạy và học.
PH tham dự lớp học cùng con đã thật sự hiểu được nỗi vất vả, sự dày công đầu tư cho một bài giảng của thầy, cô giáo mà lâu nay ít ai hiểu tới. Để có được một tiết học như hôm nay, trước đó 1 tuần, cô giáo đã phải lên kế hoạch chuẩn bị thật kỹ, trực tiếp mời PH đến tham dự tiết học (tự nhiên xã hội). Đầu tiết, cô giáo giới thiệu với lớp về sự có mặt của các bậc PH đến tham dự, cả lớp vỗ tay chào và hát 1 bài hát chào đón quý PH. Cô ôn lại bài cũ, sau đó vô chủ đề bài mới là “Ăn, uống sạch sẽ”. Trong quá trình học, HS được tương tác với thiết bị và đồ dùng dạy học; cô giáo đặt nhiều câu hỏi gợi mở và cho thảo luận nhóm. Trong thời gian các bé thảo luận, cô mời PH trực tiếp lên từng nhóm xem các em thảo luận như thế nào… Cuối tiết, cô ôn lại kiến thức bài giảng và cho các em tham gia trò chơi “Giải ô chữ” với nội dung các ô cần giải mã là 1 từ khóa nằm trong bài vừa học. Kết thúc buổi học, PH lên tặng hoa và chụp hình lưu niệm với cô tại lớp.
Phụ huynh đồng tình
Đại diện chi hội PHHS lớp 2C nhận xét về tiết dạy của cô giáo: “Cô đầu tư rất kỹ về bài giảng và thiết bị máy chiếu, bảng tương tác, dụng cụ hỗ trợ học tập nên tiết học rất sinh động. Qua tiết học, PH thấy được bản lĩnh, năng lực cũng như sự tận tụy của giáo viên, đồng thời an tâm hơn khi hiểu được tình hình con mình học tập trên lớp như thế nào…”.
Đại diện phụ huynh học sinh chụp ảnh lưu niệm
Cô Đàm Lệ Phấn, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 2C chia sẻ: “Nhờ được tham gia tiết học thực tế như thế này, PH sẽ hiểu rõ hơn việc học trong lớp hàng ngày của con mình diễn ra như thế nào, biết được điểm mạnh cũng như điểm hạn chế của con (năng động, mạnh dạn, rụt rè, nhút nhát…), từ đó sẽ có sự phối hợp với GVCN để các em học tốt hơn”. Thầy Nguyễn Hoàng Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, cho biết: “Định kỳ mỗi học kỳ, GVCN sẽ lên 1 tiết để PH tham dự. Phản ứng của PHHS là rất đồng tình và thấy rằng việc lên 1 tiết học như vậy của GVCN được đầu tư rất kỹ lưỡng về kiến thức cũng như thấy được sự chăm sóc tận tâm của GVCN với con em mình như thế nào”.
Đại diện PHHS lớp đề nghị nhà trường có thêm những buổi thực tế, tạo điều kiện cho PH có những buổi tham quan nhà bếp, cũng như xem bữa ăn của con như thế nào, chất lượng món ăn cũng như việc con ăn ngủ trong trường ra sao… để có những góp ý, hỗ trợ cụ thể nhằm tăng chất lượng dinh dưỡng bữa ăn, cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho việc chăm sóc giờ nghỉ trưa cho các cháu. Hiệu trưởng nhà trường rất đồng tình với kiến nghị của PH và cho biết trong tương lai, trường sẽ phối hợp cùng đại diện hội cha mẹ HS thực hiện việc này, giúp PH an tâm hơn mỗi ngày con em mình đến trường.
Kiều Thị Mỹ Dung
Bình luận (0)