- 1 Để chẩn đoán và quản lý hiệu quả các bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa và tăng huyết áp
Ngày 5-4-2025, tại TP.Cần Thơ, Liên Chi hội (LCH) Tăng huyết áp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tăng huyết áp ĐBSCL mở rộng lần thứ I với chủ đề “Tim mạch – Thận – Chuyển hóa và Tăng huyết áp”.

Với hơn 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có các GS, PGS, TS, chuyên viên hàng đầu về tim mạch, trên khắp mọi miền đất nước, cùng các chuyên gia quốc tế đến từ châu Âu, hội nghị là cơ hội quý để các nhà khoa học, các bác sĩ và các chuyên gia y tế trao đổi, học hỏi và nâng cao năng lực chuyên môn; đồng thời góp phần đưa ra chiến lược điều trị hiệu quả cho các bệnh về tim mạch – thận – chuyển hóa và tăng huyết áp.
Với 24 phiên chuyên đề và 92 bài báo cáo, tham luận, do các chuyên gia trình bày, chương trình hội nghị bao gồm những nội dung chuyên sâu, đang được giới chuyên khoa và đông đảo người dân trong nước và thế giới quan tâm, gồm: Cập nhật khuyến cáo mới về chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực tim mạch, thận, chuyển hóa và tăng huyết áp năm 2025. Các yếu tố nguy cơ tim mạch và tăng huyết áp: Lão khoa, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch xơ vữa và béo phì. Bệnh đồng mắc và các biến chứng nghiêm trọng của THA như: Bệnh mạch vành, bệnh thận mạn, đột quỵ não, suy tim, rối loạn nhịp tim. Cập nhật các kỹ thuật tiên tiến và thuốc mới trong điều trị THA và các bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa. Cấp cứu; và Ứng dụng hình ảnh học trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa và THA.

Một trong các tham luận được rất nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi, thảo luận sôi nổi với diễn giả, là đề tài “Tăng huyết áp ở bệnh nhân bệnh thận mạn: Quan điểm bác sĩ thận học” của PGS.TS.BS Trần Thị Bích Hương – BV Chợ Rẫy TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học TP.HCM. Là chuyên gia hàng đầu về thận học của Việt Nam, PGS. Bích Hương đã cung cấp những thông tin rất giá trị trong phát hiện và điều trị bệnh thận mãn. Theo đó, nếu bệnh nhân THA không kiểm soát được bệnh sẽ dẫn đến suy tim, suy thận và nguy cơ đột quị cao (10% dân số toàn cầu bị bệnh thận mãn, trong số này 80% bệnh nhân bị THA). Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, dù 1/3 dân số toàn cầu (từ 30-79 tuổi) bị THA (khoảng 1,4 tỷ người), nhưng chỉ có 42% bệnh nhân THA được phát hiện và điều trị, trong đó, do nhiều nguyên nhân, chỉ 20% bệnh nhân kiểm soát tốt THA.

Hội nghị không chỉ là diễn đàn chuyên môn sâu rộng mà còn là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa các tổ chức, các chuyên gia và các đơn vị trong ngành y tế trong và ngoài nước; đồng thời góp phần vào công tác phòng chống và điều trị các bệnh lý về tim mạch – thận – chuyển hóa và tăng huyết áp trong cộng đồng.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức đã phát động chương trình “Tháng năm đo huyết áp MMM 2025” (MMM là viết tắt của từ May Measurement Month) nhằm hưởng ứng chương trình phòng chống THA của Hội Tăng huyết áp thế giới (ISH), Liên đoàn Tim mạch thế giới (WHL), Hội Tim mạch học Việt Nam và Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam. Chương trình được triển khai tại khu vực ĐBSCL nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc kiểm tra và kiểm soát huyết áp, một vấn đề sức khỏe quan trọng ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Đan Phượng
Bình luận (0)