Trên một chiếc móng tay bé xíu người thợ tha hồ tô vẽ, trang trí lên đủ màu sắc bằng những thứ sơn, màu. Nhưng các bác sĩ da liễu đã phải lên tiếng về việc sử dụng những hoá chất làm móng sẽ ảnh hưởng đến móng tay cũng như da.
Chất lượng trôi nổi
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sơn móng khác nhau. Những sản phẩm có chất lượng, thương hiệu được các cửa hàng sử dụng rất ít bởi giá thành cao lại ít màu sắc lựa chọn. Hầu hết các sơn được sử dụng đều không rõ nguồn gốc. Trên vỏ lọ không hề ghi xuất xứ. Nếu có thì cũng không rõ ràng hoặc giả.
Trong thế giới sơn móng tay, bạn có thể tha hồ lựa chọn màu mình thích với giá từ bình dân đến hạng sang. Tại các cửa hàng mỹ phẩm sơn móng tay được bán tràn lan. Trên mỗi lọ không có xuất xứ, hạn dùng. Người mua lựa chọn theo sở thích chứ ít quan tâm đến chất lượng. Mặc dù các nhà sản xuất sơn móng tay luôn khẳng định rằng hàm lượng các chất độc hại trong sản phẩm của mình đều ở mức an toàn, nhưng thực tế rất khó kiểm soát vấn đề này vì nhiều hãng không ghi thành phần trên nhãn mác, hoặc nếu có thì cũng không cho biết tỷ lệ từng thành phần.
Theo ông Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hoá đại học Khoa học tự nhiên (đại học Quốc gia Hà Nội), những loại sơn móng trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất khó biết được thành phần trong đó là gì. Bởi mỗi loại, người sản xuất cho vào đó các chất khác nhau nhưng không ghi rõ thành phần thì khó biết được sự độc hại như thế nào. Còn những loại thuốc có chất lượng, được chứng nhận sự an toàn thì thành phần đã được phép sử dụng. Tuy nhiên, những loại này không có nhiều trên thị trường hiện nay.
Trên thực tế, có nhiều loại sơn với mức độ hại khác nhau. Loại tẩy lớp sơn cũ thường gồm các chất aceton, toluen, benzen, cồn ethyl, dầu ôliu, spermacetin, chất tạo mùi… Loại sơn tạo ra màu là hỗn hợp gồm nitrocellulose, butyl (hay etyl), phẩm màu, gôm, dầu bóng…
Loại làm bóng giữ màu là hỗn hợp giữ cho màu ổn định, không bị tróc, sáng bóng hơn gồm celluloid và amylacetat, aceton. Với vô số các hoá chất để tạo nên màu sắc cho sơn móng ít nhiều có những chất sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chẳng hạn, aceton khi hít vào sẽ tạo cảm giác khó chịu, say. Cơ địa nhiều người không chịu được sẽ có cảm giác ngứa, mẩn đỏ vùng quanh móng, làm cho móng bạc màu.
Tránh tối đa tác hại
Nhiều chị em phụ nữ biết tác hại của sơn móng tay nhưng vẫn dùng. Một biểu hiện dễ dàng nhận thấy với những người đánh móng thường xuyên đó là móng ngả vàng, khô, dễ gãy, bề mặt không còn độ bóng.
TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, phó trưởng khoa laser – phẫu thuật tạo hình (bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, đã có không ít trường hợp gặp biến chứng do dùng sơn móng tay phải vào điều trị tại bệnh viện Da liễu Trung ương. Những biến chứng thường gặp nhất là:
– Nhiễm khuẩn móng với biểu hiện viêm quanh móng, chín mé, hay u hạt nhiễm khuẩn do qua trình sửa móng, dụng cụ dùng chung không được vô khuẩn.
– Móng chọc thịt do trong qua trình sửa móng, móng bị cắt quá sâu, khi móng phát triển sẽ chọc vào tổ chức quanh móng gây hiện tượng móng chọc thịt.
– Viêm da tiếp xúc với chất sơn móng do cơ thể có cơ địa dị ứng với varnish hoặc các chất có trong móng giả như methyl methacrylate, hay cyanoacrylate. Biểu hiện là các thương tổn chàm ở quanh các móng tay, viêm da tiếp xúc ở mi mắt, cằm, cổ (do bệnh nhân gãi và gây viêm da tiếp xúc).
– Các biến đổi của móng như trắng móng, tách móng, teo móng.
“Tại bệnh viện Da liễu TƯ các bệnh trên rất thường gặp. Tuy nhiên, bên cạnh việc dùng sơn móng và làm móng, các bệnh trên còn có thể do các nguyên nhân khác nữa. Việc chẩn đoán xác định xem các bệnh trên có phải là do làm móng không cần dựa vào lâm sàng và các xét nghiệm”, TS.BS Sáu nói.
Ông Trần Hồng Côn cho biết thêm, ngay cả với những loại sơn móng có chất lượng cũng không nên dùng quá nhiều. Mặc dù đặc thù của móng là thời gian phá huỷ và tái sinh ngang nhau, việc dùng nhiều hoá chất móng cũng biến dạng và ảnh hưởng đến chất lượng móng sau này.
Việc làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của chị em phụ nữ. Những tác hại của sơn móng không biểu hiện khi dùng vài lần đầu tiên mà sẽ thấm dần. Do đó, TS.BS Nguyễn Hữu Sáu có lời khuyên các chị em nên đến những cơ sở làm móng tin cậy, dùng dụng cụ riêng biệt, nhân viên làm móng cũng phải có trình độ chuyên môn.
Khi làm móng không gây những tổn thương cho móng và phần mềm xung quanh móng. Đối với các bệnh nhân có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi dùng sơn móng. Trong trường hợp người dùng sơn móng bị các biến chứng nêu trên, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị và phòng tránh tái phát”.
Theo Lệ Hà
Sài Gòn tiếp thị
Bình luận (0)