Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để có một đề văn đúng chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, cách ra đề thi môn ngữ văn của một số địa phương khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu là ở phần đọc hiểu văn bản. Mặc dù khi soạn đề, giáo viên phải dựa vào ma trận đặc tả xây dựng từ trước, tuy nhiên có thể có những sai sót nếu không thật sự chú ý. Dưới đây là những “nguyên tắc” mà người viết rút ra từ quan sát và kinh nghiệm để có một đề đọc hiểu an toàn. Trong đó có hai khâu quan trọng là lựa chọn văn bản và cách đặt câu hỏi.

Về lựa chọn ngữ liệu, nếu trước đây văn bản được lựa chọn từ nhiều nguồn thì xu hướng hiện nay người soạn đề thường lấy từ báo chí chính thống hoặc sách. Tuy nhiên, dù chọn văn bản từ nguồn nào cũng cần chú ý đầu tiên là văn bản đó phải có tính giáo dục, phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục. Cho nên ngữ liệu phải có độ tin cậy về nguồn dẫn, nhà xuất bản; tác giả là những người có uy tín, nổi tiếng, gương mẫu hoặc là cá nhân đời thường nhưng phải là tấm gương sáng, xúc động về một hoàn cảnth, một câu chuyện nào đó. Để có sự  hấp dẫn và phù hợp lứa tuổi, phù hợp thời đại, không nên trích dẫn văn bản quá xa xưa, lỗi thời, không phù hợp thực tế. Nên chọn các ngữ liệu có tính thời sự, những sự việc có ý nghĩa xã hội, không quá cá biệt. Tránh những nội dung, sự việc giật gân, tiêu cực, gây tranh cãi… Để phù hợp với mục đích của việc ra đề, ngữ liệu phải vừa sức với đối tượng thí sinh, cân xứng với thời gian làm bài. Cho nên không ra văn bản quá khó hoặc quá dễ với đối tượng thí sinh; dung lượng hợp lý, không quá dài hoặc quá ngắn. Xu hướng hiện nay ở một số địa phương là kết hợp ngữ liệu với hình ảnh, đưa vào đề cả trang báo. Điều này giúp thí sinh thích thú; tránh nhàm chán, đơn điệu. Để tiện lợi cho việc đặt các câu hỏi trong đề, nên chọn các văn bản có sức hấp dẫn về trình bày, chuẩn mực về hình thức tạo lập (bố cục), cũng như các phương tiện như dùng từ, đặt câu, dựng đoạn. Văn bản càng thoáng về nội dung tư tưởng thì càng dễ đánh giá được nhiều mặt về tư duy và kỹ năng đọc hiểu của thí sinh. 

Về cách đặt câu hỏi, cần có tính gợi mở, hấp dẫn, tạo ra hứng thú cho thí sinh khi làm bài, phù hợp tâm lý lứa tuổi và chuẩn mực trong cách diễn đạt. Các câu hỏi (thường có 4 câu trong 1 văn bản) phải xếp đặt từ dễ đến khó, không trùng lặp kiến thức, hướng đến những trọng tâm của nội dung văn bản. Tránh những câu hỏi mơ hồ, không rõ nghĩa, dễ gây tranh luận tiêu cực, gây khó khăn trong việc xây dựng đáp án chấm. Ngoài ra, do trong đề thi còn có câu hỏi viết văn nghị luận bên dưới tích hợp với văn bản đọc hiểu này, cho nên cần lựa chọn ngữ liệu có tính gợi mở về nội dung tư tưởng.

Trn Ngc Tun
(Trưng THPT Tây Thnh, TP.HCM) 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)