Thầy K. là giáo viên “lạ” trong trường tôi, bởi lẽ ngoài những nội quy nhà trường, quy định của ngành giáo dục còn những “nội quy, trách nhiệm” riêng do thầy đặt ra cho học sinh của mình. Nhiều giáo viên thấy thầy K. có phần khắc nghiệt với học sinh đã nói: “Thầy không sợ phụ huynh kiện hay sao?”. “Mặc kệ, ai muốn kiện cáo gì vào gặp tôi, xem tôi làm như vậy là vì ai?”, thầy K. quả quyết mạnh mẽ.
Học sinh đi học trễ không lý do chính đáng thì phải đi sớm trực nhật lớp một tuần sau đó là một trong những nội quy riêng của thầy. Khi phần nhiều gia đình hiện nay luôn bao bọc con, thì giáo viên yêu cầu trẻ phải có trách nhiệm với lỗi của mình bằng cách “làm trực nhật” không nhận được nhiều sự đồng tình. Tuy nhiên thầy K. phân tích: Nhiều trẻ không có tính kỷ luật khi bước vào sống tập thể vì cha mẹ không có nhiều thời gian rèn luyện cho con, không quan tâm tới con và để mặc cho trẻ làm điều mình muốn. Trẻ không được rèn tính kỷ luật lúc nhỏ, lớn lên sẽ rất khó vào khuôn khổ hay “nếp nhà” của cộng đồng. Một đứa trẻ không có tính kỷ luật khi lớn lên khó có thể là một giáo viên giỏi, một bác sĩ giỏi hay một kỹ sư giỏi. Khi con người ta đã thiếu kỷ luật, họ thường xuyên làm việc theo trạng thái cảm xúc, vui thì làm, buồn bỏ trốn. Vì vậy, tính kỷ luật phải được dạy cho trẻ từ khi còn rất nhỏ, để trở thành một phẩm chất tốt đẹp nằm sâu trong tiềm thức, không thể xóa nhòa. Cụ thể, ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy trẻ biết cam kết với bản thân và với người lớn những công việc cần hoàn thành trong ngày, đúng giờ quy định. Lớn lên trẻ sẽ tự ý thức và biết cam kết với chính mình, tôn trọng mình và những người xung quanh trong làm việc nhóm, trong lớp học… Những câu về “nội quy” mà trẻ phải thuộc lòng và thực hiện trong mỗi gia đình sẽ giúp từng ngày sống của trẻ trở thành “vốn” của một xã hội văn minh.
Khi con chưa ngoan, vi phạm nội quy gia đình chị D. (nhân viên một công ty bảo hiểm) liền nhắc con, đó là điều thứ mấy trong nội quy mà cha mẹ xây dựng, thế là đứa con nhắc lại và biết lỗi của mình. Dần dần, con chị luôn biết tự giác làm mọi việc rất đúng giờ, không kêu nài, xin xỏ cha mẹ cho thêm thời gian để chơi hay xem hoạt hình.
Tóm lại, cha mẹ hãy giúp con xây dựng thời khóa biểu học tập và sinh hoạt ngay từ nhỏ, trẻ lớn lên sẽ biết xây dựng thời khóa biểu cho chính mình. Ý thức về kỷ luật sẽ dần hình thành. Nó làm nên sức mạnh trong tính cách và thành công trong tương lai cho trẻ.
Việt Kiến Quốc
Bình luận (0)