Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Để có những giờ học online hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong mùa dịch, khi bài giảng online và “núi bài tập” được gửi mỗi ngày, ngoài những điều kiện hỗ trợ về công nghệ thì kỹ năng tự học của học sinh là rất quan trọng. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá cũng là yếu tố giúp tạo nên những giờ học online hiệu quả, chất lượng.
Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, hầu hết các trường đều thiết lập nhiều hình thức học tập online để thầy cô hướng dẫn học sinh làm bài tập. Học tập trực tuyến là giải pháp thích hợp để quá trình học tập của học sinh không bị gián đoạn bởi dịch bệnh. 
Tuy nhiên, hiệu quả của việc dạy học online, dạy học qua truyền hình bị hạn chế bởi thời gian và không gian tương tác, công nghệ và điều kiện của mỗi gia đình. Điều này đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học và chủ động.
Nhiều trường học đã triển khai học online để phòng dịch bệnh. 
Ngoài ra, theo phản ánh của học sinh, qua một thời gian trải nghiệm việc học qua truyền hình, học online, dù đánh giá phương pháp này phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng học sinh cho biết các em khá căng thẳng khi hằng ngày phải làm rất nhiều bài tập được giao.
Đặc biệt với học sinh cuối cấp (lớp 9, 12), ngoài việc đảm bảo tiến độ làm bài các môn sau mỗi giờ học qua truyền hình, học sinh cũng được giáo viên chủ nhiệm, nhà trường giao thêm bài tập để ôn luyện.
Tại Hà Nội, theo phản ánh của học sinh, nhà trường còn “giao chỉ tiêu” mỗi ngày học sinh phải làm các đề luyện thi trên hệ thống ôn tập trực tuyến của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Quay cuồng trong núi bài tập được gửi mỗi ngày, không ít học sinh cuối cấp cho biết các em bị căng thẳng khi thực hiện ôn thi, ôn tập tại nhà.
Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá
Cách nào để giảm áp lực cho học sinh khi thực hiện ôn thi bằng hình thức online trong mùa dịch, theo các giáo viên, học sinh cần có kỹ năng tự học.
Kỹ năng này không nên bắt nguồn từ nỗi sợ bị rầy la hay áp lực điểm số mà cần được hình thành từ sự hứng thú với bài giảng của học sinh. Hay nói cách khác, không cần phải ai nhắc nhở hay thúc ép, các em vẫn biết cách sắp xếp thời gian và bài học để hoàn thành tốt nhất quá trình học tập tại nhà.
Để làm được điều này, vai trò của giáo viên, nhà trường là rất quan trọng. Giáo viên sẽ là người đồng hành, thường xuyên yêu cầu kỹ năng tự học của học sinh để có thể giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập.
NGƯT, nguyên Vụ trưởng Vụ tiểu học (Bộ GDĐT) Lê Tiến Thành.
Còn theo nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thành – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Thực nghiệm Victory, muốn học sinh hình thành năng lực tự học, nhà trường và giáo viên phải tạo môi trường tự do và trao cho học sinh đủ công cụ, kiến thức, kỹ năng để người học tự tìm tòi và xây dựng kiến thức thông qua “kinh nghiệm”, “tư duy”, “trải nghiệm” của chính bản thân, chứ không phải bằng cách ghi nhớ các luận điểm lý thuyết suông.
Để làm được điều này, các trường cần cổ vũ việc thảo luận, tranh biện, tương tác hai chiều giữa thầy và trò.
Đặc biệt, các bài tập, cách kiểm tra, đánh giá học sinh cần hướng tới việc viết luận và hoàn thành các nhiệm vụ, dự án thực tế hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi như hiện nay. Đây được gọi là phương pháp giáo dục thực nghiệm – học qua thực hành, trưởng thành qua trải nghiệm.
Theo thầy Lê Tiến Thành, vai trò của giáo viên trong quá trình này là rất quan trọng. Thầy cô là người tạo môi trường và tình huống để học sinh có thể rèn luyện khả năng tự giải quyết vấn đề thông qua việc tổ chức hoạt động học và dạy cách học.
Để làm được điều đó, giáo viên phải thường xuyên cập nhật, chọn bài tập ứng dụng có tính thực tế, liên hệ kiến thức với cuộc sống để hấp dẫn học sinh.
Giáo viên cũng cần thường xuyên tổ chức các hoạt động học theo hình thức: Thầy giao việc – Trò làm việc; Thầy là người hướng dẫn – Trò tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức. Phương pháp này không chỉ rèn luyện khả năng tư duy độc lập mà còn tạo thói quen chủ động tìm kiếm tri thức từ những trải nghiệm mới trong cuộc sống.
Điều quan trọng, kỹ năng tự học không phải là đòi hỏi nhất thời trong thời gian dịch bệnh mà đó là một trong những năng lực tiên quyết của công dân toàn cầu và công dân thời đại số. Thầy Thành cho rằng, nhân việc các cơ sở đang tiến hành dạy học online cho học sinh, các trường cần quan tâm và chú trọng hơn phương pháp dạy học tích cực để giúp học sinh hình thành năng lực quan trọng này.  

BÍCH HÀ

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)