Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Để có tâm lý tốt cho mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh chuẩn bị tâm lý thật tốt trước mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2010, báo Giáo dục đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (ảnh) – Trưởng bộ môn Tâm lý học – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xung quanh vấn đề này.
* Tiến sĩ đánh giá thế nào về vai trò của việc ổn định tâm lý trước mỗi kỳ thi?
– TS. Huỳnh Văn Sơn: Sự ổn định về tâm lý đóng vai trò rất quan trọng cho việc thi cử nói chung và kỳ thi tuyển sinh nói riêng. Sự ổn định tâm lý sẽ tạo ra những cơ sở rất quan trọng để thí sinh đạt kết quả thi tốt nhất vì nó giúp cho thí sinh bình tĩnh và tự tin. Đối với con người, khi có sự ổn định tâm lý sẽ thôi thúc cá nhân tạo ra những động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu và mục tiêu chinh phục kỳ thi là mục tiêu khá hấp dẫn. Mặt khác, sự ổn định về tâm lý sẽ giúp cho thí sinh tạo ra tâm thế rất vững vàng từ việc vào phòng thi, tham gia các môn thi, xử lý đề thi và những yêu cầu có liên quan khác nhau. Sự sẵn sàng về tâm lý là một trong những nhân tố rất quan trọng giúp cho học sinh luôn ở thế chủ động để có thể vượt qua những lo lắng, căng thẳng nảy sinh trong quá trình thi cử đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh với nhiều thách thức: thí sinh đông đảo, môi trường thi cử mới, đề thi mang tính chọn lọc cao…
* Để có tâm lý trường thi tốt, các bạn học sinh cần thực hiện những gì?
– Tâm lý trường thi là một yếu tố hết sức quan trọng để giúp cho thí sinh có thể có những thành công trong quá trình tham gia thi tuyển. Tâm lý trường thi được tựu trung bởi nhiều yếu tố có liên quan như: thái độ, khả năng bản thân và những tương tác tâm lý chung quanh. Để có được tâm lý trường thi vững vàng thì việc chuẩn bị những kiến thức là điều không thể thiếu. Sự nắm chắc về mặt kiến thức yêu cầu mỗi thí sinh nên ôn luyện thường xuyên và khoa học. Mặt khác, mỗi thí sinh cũng phải tập thích ứng với không khí trường thi và những yêu cầu trong kỳ thi tuyển sinh: từ khâu di chuyển, tìm trường do không quen địa bàn đến khâu sắp xếp chổ ngồi và cả những yếu tố bất ngờ trong đề thi…, Khi sự thích ứng này được diễn ra thì chắc chắc mỗi thí sinh cũng rất vững tin cũng như mỗi thí sinh sẽ làm chủ được tâm lý trường thi của mình. Một trong những yếu tố cũng tạo ra tâm lý trường thi vững vàng đó chính là sự bản lĩnh trong quá trình thi cử. Những yếu tố thuộc về tin tức ngoài lề như: tỉ lệ chọi, độ khó của đề thi, sự gian lận, chuyện giật bài thi,… dẫu sao cũng là những yếu tố không quá thường xuyên xảy ra cho nên quan trọng nhất là mỗi thí sinh cần có bản lĩnh để vượt qua những thách thức.
* Thầy cô và các bậc phụ huynh nên làm gì để hỗ trợ cho các em?
– Thầy cô và các bậc phụ huynh không nên gây áp lực quá mức cho các em học sinh. Từ khâu chọn nghề ban đầu cho đến việc định hướng thi cử cũng như việc hướng dẫn hay đưa đón vào trường thi hãy nên tạo ra cảm giác thoải mái và an toàn. Điều này sẽ tránh những biểu hiện stress tạm cho các thí sinh. Những nghiên cứu cho thấy việc chuẩn bị tốt nhất của các bậc cha mẹ và các thầy cô là nên đồng hành, trò chuyện, động viên mang tính chất gợi mở để chính những sĩ tử là những người sẽ chủ động thực hiện những nhiệm vụ của mình. Những giây phút trò chuyện, những cảm xúc rất bình tĩnh, những lời động viên vừa vặn là những động lực khá quan trọng giúp cho thí sinh an tâm và hết lòng thực hiện nhiệm vụ của mình…
* Nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý trước mùa thi, Tiến sĩ nhận xét gì về những băn khoăn của các bạn học sinh?
– Những băn khăn của học sinh liên quan đến chuyện thi cử thì có khá nhiều. Điều quan trọng chúng ta dễ dàng nhận ra như: chọn nghề như thế nào là phù hợp, theo sở trường hay sở thích khi chọn nghề, làm sao để chinh phục được ngưỡng cửa Đại học, làm sao để có thể không chọn nghề sai, làm thế nào để vượt qua tỉ lệ chọi… Thiết nghĩ những lo lắng này khá chính đáng, nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau cho nên công tác truyền thông cũng như công tác giáo dục hướng nghiệp cần được quan tâm và thực thi một cách hiệu quả hơn để đảm bảo được tính chuyên nghiệp của nó cũng như giúp cho các học sinh THPT một sự vững tin về tâm lý. Xin được khẳng định việc giáo dục hướng nghiệp không chỉ tiến hành trên phần ngọn mà nó phải được bắt đầu từ những năm học sinh của chúng ta đang học lớp 8, lớp 9. Đó mới chính là thời điểm mà công tác giáo dục hướng nghiệp thực sự khởi đầu.
Xin cám ơn Tiến sĩ!

P.Hậu (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)