Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để con học cách lớn lên

Tạp Chí Giáo Dục

Học đến năm thứ hai ĐH, em Mỹ Linh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn được mẹ (hoặc ba) đưa đi đón về mỗi ngày tới trường. Chị Bình – mẹ em – không yên tâm khi để con đi học một mình, dù có ngày học ở cơ sở gần nhà chỉ mất 10 phút đi bộ. Thậm chí, có lần trường tổ chức cho sinh viên cắm trại qua đêm ở khu du lịch Suối Tiên (Q.9), có xe đưa đón riêng, chị cũng phải đích thân chở con tới, rồi thuê riêng một phòng ở nhà nghỉ gần đó nằm chờ con. Em chỉ được chơi đến 10 giờ tối, rồi phải báo với lớp trưởng để ra nhà nghỉ ngủ với mẹ.
20 tuổi, Mỹ Linh không có nhiều bạn bè, không gian của em cũng chỉ gói gọn ở những nơi rất quen thuộc là nhà, trường học và địa điểm chụp hình (em được chọn làm mẫu ảnh cho một số trang mạng). Vốn được nuông chiều từ nhỏ, nên em không phải động vào bất cứ công việc nào, dù chỉ là ra tạp hóa mua đồ cho mẹ… Mẹ em cứ ôm hết mọi việc, cho đó là sự chăm lo, quan tâm tới con cái mà quên đi rằng: Con mình đã lớn.
Tại một hội thảo nói về mức độ quan tâm của gia đình, một bạn trẻ đã bức xúc nhìn nhận: Có nhiều phụ huynh hiện nay đang thể hiện sự quan tâm quá mức với con cái. Có bà mẹ vì quá lo sợ con hư nên theo con như hình với bóng, lén đọc nhật ký, kiểm tra điện thoại, thậm chí cấm đoán chuyện tình cảm cá nhân của con.
Trên thực tế, việc đưa đón, phục vụ con như trường hợp nêu ở trên không phải là hiếm khi sự dư thừa vật chất, sự nhàn rỗi về thời gian cùng tâm lý coi con cái là trung tâm vũ trụ đang áp đảo trong nhiều gia đình khá giả. Họ quên mất rằng, mục đích cuối cùng của giáo dục gia đình là giúp con cái tự tin, tự lập để đứng vững trên đôi chân chính mình. Hành động giữ con trong 4 bức tường được coi là phản ứng tự nhiên của sự hoảng hốt, nhằm cứu vãn con cái trước các cạm bẫy bên ngoài xã hội.
Cách tốt nhất được nhiều chuyên gia tâm lý khuyên phụ huynh áp dụng là nên kiên trì để con tự lựa chọn, không nên áp đặt phải theo một khuôn mẫu hay tư tưởng nào. Việc thảo luận cùng con về tình bạn, tình yêu, sức khỏe sinh sản hay các vấn đề ngoài xã hội cũng là cách để tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt, để con tự thay đổi thích nghi với mọi hoàn cảnh sống.
Ngọc Anh

Bình luận (0)