Không ít phụ huynh đặt ra những băn khoăn như: Tôi cho con đầy đủ các đồ chơi, thứ gì cũng mua về, mà bé con chỉ vui vẻ, hào hứng một lúc rồi chán. Đi chơi ở khu vui chơi nổi tiếng tốn kém như thế cũng tỏ ra không thích thú, phấn khởi… Vậy mà, mỗi khi chúng tự do phá phách bày trò hay tự tiện làm cái gì đó với mấy đứa bạn hàng xóm thì lại tỏ ra khoái chí, chơi mãi cũng được.
Phụ huynh cần biết khi mua đồ chơi phải tạo cho trẻ khám phá các trò chơi một cách tự nhiên. Ảnh: I.T |
1. Cha mẹ không hiểu tâm lý của con
Một số cha mẹ hiện nay vì không hiểu con muốn cái gì? Chơi ra sao?… nên họ áp đặt sở thích của người lớn đối với trẻ và như vậy trẻ cũng chẳng đoái hoài đến những thứ của cha mẹ mua. Chị Thanh (Biên Hòa, Đồng Nai) rất bực mình với cậu con trai 5 tuổi. Chị cất công đến tiệm đồ chơi chọn mãi mới mua được một túi những quả bóng nhựa, nhưng khi mang về thì nhìn thấy thằng bé lại chưng hửng, thờ ơ. Cháu nói với mẹ: “Tại sao mẹ không chở con đi mua cùng, con thích xe xúc, xe tăng cơ mà!”. Còn chị Hoa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng thất vọng khi mẹ mua đồ chơi về mà con bé không thèm ngó ngàng tới. Con gái chị mới 4 tuổi nhưng chị lại mua một bảng chữ lắp ghép, theo chị đồ chơi này vừa để vui chơi vừa học thêm các chữ số. Tuy nhiên, bé chẳng quan tâm đến đồ chơi của mẹ, cầm xong vài phút là bỏ vào giỏ đồ chơi ngay. Hàng ngày cháu thích chơi búp bê hoặc tô màu nhưng chị lại ít quan tâm đến điều này.
2. Cái cần nhưng chưa hẳn đã thích
Một số cha mẹ không hiểu rằng, có những cái mà người lớn nghĩ rằng sẽ rất cần thiết để phát triển trí tuệ, kích thích tư duy của trẻ, nhưng thực ra đối với chúng cái làm cho mình thích thú mới là quan trọng hơn cả. Bản thân trẻ chưa hiểu hết được ý nghĩa của các đồ chơi nhất là tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Do vậy, điều quan trọng là làm sao để đồ chơi mang lại nhiều cảm hứng, kích thích trẻ sự tò mò, khám phá và phát triển khả năng quan sát, tưởng tượng… Vì thế, mỗi khi lựa chọn các đồ chơi, tốt nhất hãy đưa trẻ cùng đi để các bé thoải mái với sự lựa chọn. Tất nhiên, cha mẹ cũng nên định hướng cụ thể cho trẻ những đồ chơi vừa hợp với túi tiền vừa đúng với sở thích của chúng.
3. Chơi là chủ đạo
Khi mua đồ chơi cho trẻ dưới 6 tuổi, mục đích chính là chơi, thông qua chơi để trẻ học hỏi những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Qua các trò chơi và cách tổ chức chơi trẻ sẽ hình thành các phẩm chất trí tuệ, tình cảm đạo đức và ý chí. Độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo hoạt động chủ đạo là chơi. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên quá nặng về sự lựa chọn các đồ chơi chỉ nhằm vào việc học được cái gì mà mang lại cho trẻ niềm vui là rất cần thiết, tạo điều kiện để trẻ có thể huy động các cơ quan vận động nhất là chân tay cũng như khả năng quan sát, chú ý cũng như khả năng cảm nhận tinh tế được từ các vật xung quanh.
4. Tạo cho trẻ khám phá một cách tự nhiên
Khám phá thế giới đồ vật một cách tự nhiên vừa có thể giúp trẻ khả năng tò mò quan sát, vừa có thể giúp trẻ lĩnh hội được các thao tác, cấu tạo của thế giới đồ vật. Đừng sợ trẻ làm hỏng đồ vật, sau mỗi lần tháo lắp một đồ vật thì trẻ sẽ hình thành thêm những “kinh nghiệm” mới. Thậm chí có những đồ chơi mà một mình trẻ khám phá cũng không thích thú mà nhất thiết phải có bạn cùng chơi. Vì vây, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện để con trẻ cùng chơi với bạn về một đồ chơi nào đó, quá trình chơi với bạn vừa mang lại niềm vui vừa có thể học hỏi lẫn nhau trong quá trình chơi. Bên cạnh đó, người lớn cần chú ý là thế giới đồ chơi của con không chỉ là những đồ chơi được bán trên thị trường mà ngay tại gia đình khi trẻ được hòa nhập với thiên nhiên vườn tược, cây cỏ, hoa lá. Cho trẻ chạm tay vào các vật như con ốc, thân cây, xây nhà bằng cát, chơi với cỏ cây, rơm rạ… như thế trẻ mới có được sự cảm nhận rất thật về thế giới xung quanh.
Hãy tạo điều kiện để trẻ có sự hứng thú với thế giới đồ vật, điều đó có giá trị hơn vì trẻ sẽ tự khám phá để thỏa mãn trí tò mò, hiếu kỳ của chính mình.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý
Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)