Chúng ta nên giáo dục trẻ những kỹ năng cần thiết càng sớm càng tốt. Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể kè kè ở bên trẻ để kiểm soát trẻ được. Cần hình thành cho chúng những kỹ năng cơ bản để trẻ tự ứng phó những tình huống bất trắc gặp phải ở trong đời.
Hướng dẫn con biết cách kiềm chế bản thân. Kiềm chế tính nóng nảy hay kiềm chế sở thích nhất thời là những đức tính con phải học và trải nghiệm trong cuộc sống. Trẻ em khả năng tự kiềm chế còn kém hơn, đòi hỏi phải được rèn luyện mỗi ngày. Khi biết kiềm chế tốt sẽ giúp trẻ kiểm soát được những ức chế, những hành vi không cần thiết hoặc có hại trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, có được khả năng tự kiềm chế con người sẽ có tính độc lập cao, có chính kiến, ít chịu tác động của hoàn cảnh và người khác. Một người muốn thành công thì phải có khả năng kiềm chế cao. Quá trình hình thành tính tự kiềm chế không phải là việc riêng của trẻ, mà cha mẹ cần giáo dục nghiêm túc ngay khi trẻ còn nhỏ.
Sống có trách nhiệm về hành động của mình. Khi trẻ sống thiếu trách nhiệm với mọi người và với bản thân sẽ dẫn đến vô cảm, lạnh lùng với mọi người. Khi gặp phải thất bại trong học hành, công việc, chúng thường tìm cách đổ hết lỗi cho mọi thứ mà không nhận thấy phần nhiều nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân mình. Do đó, cha mẹ phải dạy con biết sống có trách nhiệm, cũng chính là dạy chúng biết yêu quý những thành quả lao động, không dựa dẫm ỷ lại vào sự bảo hộ của người khác. Có trách nhiệm với bản thân, giúp trẻ tự tin đi trên đôi chân của mình. Giáo dục con dám nghĩ, dám tranh luận với người lớn để bảo vệ chính kiến của mình. Đó mới là đứa trẻ ngoan và dũng cảm. Đứa trẻ đó lớn lên sẽ biết tự quyết định cuộc sống của mình, có trách nhiệm trước những quyết định và hành động của mình. Giáo dục trẻ ăn nói khéo léo, tế nhị, biết thông cảm với người khác là một trong những biểu hiện có trách nhiệm trong lời nói và việc làm của mình.
Dạy con lòng biết ơn. Biết ơn là hiểu sâu sắc và ghi nhớ công ơn của người khác đối với mình. Cha mẹ phải dạy cho trẻ hiểu và có thái độ quan tâm chăm sóc người thân trong gia đình, nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ, ghi nhớ công ơn của các thầy cô, và những người đã giúp đỡ mình, ghi nhớ công ơn của những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc… Việc làm cụ thể thiết thực để tỏ lòng biết ơn đó là cố gắng học tập thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi… Cha mẹ cũng cần chỉ rõ cho trẻ nhận thấy được người có lòng biết ơn sẽ không quên cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ; lãng quên người đã giúp đỡ mình; bỏ mặc người đã giúp mình khi họ gặp khó khăn; tỏ thái độ bực bội với cha mẹ…
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)