Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để con vững bước trong mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này các em HS rất cần cha mẹ và thầy cô gần gũi để tư vấn trong việc lựa chọn ngành nghề… (trong ảnh, các em HS Trường THPT Tam Phú tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức). Ảnh: D.Bình

Đây là khoảng thời gian học sinh lớp 12 ra sức ôn luyện, hệ thống hóa những kiến thức đã học để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ 2012. Do đó, đây cũng là thời điểm các bậc cha mẹ, thầy cô cần có sự quan tâm, tạo bầu không khí tâm lý thoải mái cho các em ổn định về trí lực cũng như thể lực để đạt kết quả tốt nhất.
Đồng hành với con một cách khoa học, dễ hay khó?
Chị Tâm Lan (Q.1, TP.HCM) tâm sự nỗi lo lắng với các chuyên gia tâm lý:  Mới chỉ trải qua một kỳ thi thử mà Hoài Linh – con gái chị đang học lớp 12 – đã phải vào viện để kiểm tra tâm thần vì có dấu hiệu đãng trí hay quên, trằn trọc khó ngủ, thường xuyên ngất xỉu vì quá sức. Bác sĩ cho biết do quá căng thẳng và lo sợ nên sức khỏe của Hoài Linh sẽ chậm hồi phục. Chúng tôi còn được biết vì quá kỳ vọng vào đứa con gái rượu của mình nên vợ chồng chị Tâm Lan đã có sự chăm chút quá sát sao, khiến Hoài Linh càng bị ức chế, cháu luôn tự ám thị rằng mình sắp phải đối mặt với một kỳ thi thật là khủng khiếp. Vì thế, nên dù có cố gắng học bao nhiêu cháu cũng không thể nắm được bài. Cháu luôn bị nhức đầu, đau ê ẩm toàn thân và rất hay bị nôn ói. Sức khỏe đã yếu nay càng suy kiệt hơn, Hoài Linh cảm thấy đuối sức và bị ám ảnh trước các kỳ thi sắp tới. Cũng như nhiều bậc cha mẹ có con đang ôn thi cuối cấp, chị Tâm Lan luôn kỳ vọng rằng con gái mình sẽ học tốt, thi đỗ trường ĐH danh tiếng. Chị còn đưa ra phần thưởng cho con là một cái máy tính xách tay nếu con thi đỗ vào trường ĐH, còn không đỗ thì chị dọa sẽ bắt cháu đi làm công nhân cho biết thế nào là cực khổ. Việc làm này kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần đã khiến cho Hoài Linh mất hết tâm trí để tập trung vào việc học hành. Chị Tâm Lan còn cho rằng gây áp lực cho con là để nó biết lo lắng mà có động lực để học. Không ngờ con bé lại bị ám ảnh suốt ngày bởi những lời thúc giục, răn đe của cha mẹ.
Tình cảnh gia đình anh Dũng (Biên Hòa – Đồng Nai) còn đáng buồn hơn khi Giáp – cậu con trai đang học lớp 12 – đã định bỏ nhà đi vì không chịu được áp lực từ phía gia đình, khi anh chị bắt buộc cháu học tốt cả 4 môn toán, lý, hóa, sinh để thi hai khối A, B. Giáp vốn là đứa con ngoan, thông minh, học giỏi. Đầu năm lớp 12 cậu đề nghị cha mẹ cho mình được thi vào Khoa Báo chí của Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, mâu thuẫn của gia đình nảy sinh từ đây, vì tất nhiên vợ chồng anh Dũng không thể chấp nhận mong muốn của con. Trong lúc nóng giận, anh Dũng đã thách thức con trai: “Mày có giỏi thì đi khỏi nhà này, muốn làm gì thì làm, thi trường nào thì thi. Không đỗ được ĐH thì đừng có mơ mà về lại cái nhà này”. Điều gia đình không thể ngờ là Giáp lại quyết định ra đi. Chỉ có vợ anh Dũng mới khổ sở: “Tôi ngăn cản đủ đường nên cháu mới không đi khỏi nhà. Không biết với tâm trạng buồn chán thằng bé có học được chữ nào không”.
Với cách giáo dục con phản khoa học như thế, không ít cha mẹ như chị Tâm Lan và anh Dũng đã tạo nên một gánh nặng tâm lý cho con, khiến chúng không có tâm trí nào mà học tập. Học không hiệu quả các cháu càng căng thẳng, dễ bị rơi vào trạng thái lo sợ, stress.
Vững bước vượt qua kỳ thi

Thành viên Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” giải đáp thắc mắc cho phụ huynh (ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, ngày 26-2). Ảnh: D.Bình

Các bậc cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để hiểu được những lo lắng trong mùa thi cần giải tỏa để chia sẻ cùng con. Bởi có những trường hợp các cháu vốn học không khá, lại mang theo tâm lý bi quan, không tự tin vào chính mình, khi nghĩ đến tương lai không sáng sủa của mình càng trở nên thất vọng. Nếu không có sự quan tâm kịp thời, chu đáo từ phía gia đình, thì các cháu sẽ dễ buông xuôi, sa ngã, sử dụng thời gian và tiền đi ôn thi để rủ bạn bè cùng cảnh ngộ đi chơi game, vào nhà nghỉ… để lại những hậu quả hết sức đáng tiếc. Ngược lại, có cháu vốn thông minh, học hành rất khá sẽ dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, tự mãn, cho rằng mình không cần phải đầu tư nhiều thời gian mà vẫn đạt được kết quả cao. Nếu cách suy nghĩ đó kéo dài, thiếu sự định hướng của gia đình thì các cháu sẽ lười biếng, chán học.
Cha mẹ hãy sát cánh với con trong mùa ôn thi bằng những việc làm cụ thể, cần thiết như nhắc nhở con dậy sớm học bài và ngủ nghỉ đúng giờ. Nhắc con không nên học ôn quá khuya ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi. Kiểm soát lịch học của con một cách chặt chẽ, nhưng tránh gây cảm giác ngột ngạt, chán nản. Nấu cho con những bữa ăn đảm bảo hợp lý và đầy đủ về dinh dưỡng. Sau mỗi buổi học nên đi bộ với con để thay đổi không khí. Chủ động rủ con đi chơi những môn thể thao nhẹ nhàng như cầu lông, đạp xe… đi mua sắm xen kẽ đi xem ca nhạc, những bộ phim có nội dung hài trong thời gian ôn thi để giải tỏa căng thẳng, lo lắng. Đặc biệt cha mẹ cùng với con chuẩn bị tâm lý một cách kỹ càng để vững vàng, ổn định bước vào các kỳ thi trước mắt.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)