Kể từ khi đạo diễn Minh Nguyệt đưa màn hình led vào bối cảnh vở kịch "Cánh đồng bất tận" (2009), việc sử dụng công nghệ này ngày càng phổ biến.
Với khoảng một nửa tác phẩm có sử dụng màn hình led tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay, người làm nghề đã xem đấy là công cụ cần thiết cho hiệu quả sáng tạo của vở diễn.
Mở rộng không gian sáng tạo
Từng có lúc, màn hình led xuất hiện tràn lan trong mọi chương trình, sô diễn sân khấu cải lương. Có những vở diễn chỉ trình chiếu màn hình led và đặt vài bộ bàn ghế, bục bệ là đủ thay thế mọi cảnh trí. Cách làm đó đã nhận không ít chỉ trích của giới chuyên môn lẫn khán giả, khi làm mất đi những cảm xúc bay bổng của sân khấu.
Thiết kế led của vở Bên dòng Long Khốt rất ấn tượng
Giới sân khấu cũng nỗ lực tìm tòi để ứng dụng màn hình led thực sự hiệu quả. Một tín hiệu vui nhìn thấy tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay là phần lớn các đạo diễn đều có ý đồ dàn dựng không gian sân khấu cùng màn hình led, chứ không đơn thuần xem đấy là phương án thay thế cảnh trí. Trong đó, các vở diễn chủ yếu xử lý màn hình led như một phần của bối cảnh và có sự hòa hợp với cảnh trí phía trước, tạo một không gian đồng nhất trên sân khấu.
Đặc biệt, không gian sân khấu của vở Bên dòng Long Khốt (Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An) gây ấn tượng mạnh về thị giác lẫn cảm xúc nghệ thuật. “Đọc kịch bản, thấy bối cảnh vở thay đổi liên tục như phim, nếu dựng cảnh theo kiểu truyền thống sẽ không kịp và không đáp ứng được yêu cầu đạo diễn, nên tôi xử lý màn hình led rất nhiều. Tất cả cảnh đều được vẽ lại chứ không lấy hình trên mạng. Phần thiết kế đó đồng bộ với cảnh cứng ở phía trước, để 2 phần hòa vào nhau trong tổng thể không gian vở diễn” – họa sĩ Trần Hồng Vân cho biết. Trên tổng thể đó, ánh sáng được xử lý theo hình khối, với cường độ, màu sắc khác nhau ở từng khu vực sân khấu.
Sự phối hợp giữa cảnh trí, màn hình led và ánh sáng, giúp Bên dòng Long Khốt thể hiện một không gian mang tính biểu tượng, nhiều tầng cảm nhận hơn là chỉ sử dụng hình ảnh tả thực như các vở diễn khác. Những con đường, hàng cây hiện ra trong ráng chiều hoặc những buổi bình minh đẹp đầy chất điện ảnh, cho khán giả cảm giác đang xem những thước phim đẹp với những người nghệ sĩ đang biểu diễn “live”.
Màn hình led, cảnh trí và ánh sáng phối hợp “ăn ý” trong vở Huyền thoại gò Rồng Ấp
Tương tự, vở Điều còn lại (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) cũng mang lại nhiều cảm xúc đẹp về mặt thị giác. Sân khấu chỉ có những tấm phên tre, những bó rơm rạ, và cảnh làng quê xa xa trên màn hình led. Nhưng có sự hỗ trợ của kỹ thuật ánh sáng, không gian bỗng trở nên sinh động đến lạ.
Đạo diễn Mai Thắm cũng đánh giá hiệu ứng màn hình led từ vở Khơi nguồn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai khá tốt. Việc sử dụng thêm màn hình hai bên cánh sân khấu và hình ảnh động gây hiệu ứng thị giác mạnh, giúp khán giả cảm nhận được không gian của đám cháy và cảnh mưa rừng trong vở khá đặc sắc…
Cần sử dụng màn hình led một cách tinh tế
Màn hình led mang lại nhiều hiệu quả, tăng tính hấp dẫn cho vở diễn, nhưng nếu thiếu tinh tế trong cách xử lý sẽ phá vỡ cảm xúc người xem. Như cách đánh đèn gần giống cách đánh đèn của sân khấu ca nhạc đã phá hỏng phần hình ảnh led của vở Hương Tràm (Đoàn cải lương Hương Tràm – Cà Mau).
Vở Một thời để nhớ (Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu) sử dụng màn hình led thể hiện cảnh gió lay các cành cây, trong khi các cây trước sân khấu hoàn toàn bất động… Họa sĩ Trần Hồng Vân cho biết: “Một bộ phận làm sân khấu quên rằng màn hình led chỉ là công cụ phục vụ ý đồ đạo diễn. Có những vở hình ảnh trên màn hình led rất đẹp, nhưng diễn viên phía trước bị lu mờ vì độ sáng và những thiết kế không phù hợp với cảnh trí trên màn hình”.
Vở Sứ mệnh lại quá tham trong việc sử dụng màn hình led thay bối cảnh
Theo đạo diễn Lê Trung Thảo, sân khấu muốn đẹp, bắt buộc phải có cảnh trí và hình khối. Trong khi đó, led là mặt phẳng, không có chiều sâu. Vì thế, sử dụng led phải chú ý hòa hợp giữa hình ảnh và cả cảnh trí phía trước: “Ví dụ ảnh trên led là một rừng cây, thì phía trước vẫn phải có bối cảnh rừng để diễn viên qua lại, tương tác. Màu của ảnh cũng phải tiệp với màu sắc của cảnh trí phía trước…”. Anh cũng chỉ ra một số lỗi thường gặp khi sử dụng màn hình led, như chọn góc ảnh không phù hợp, lỗi logic về không gian, thời gian, bối cảnh…
NSND, tiến sĩ Triệu Trung Kiên cho rằng việc sử dụng led hay máy chiếu trên sân khấu cần cẩn trọng và phải tính toán kỹ lưỡng. “Tác phẩm sân khấu khác điện ảnh, truyền hình hay sự kiện lễ hội, và khi sử dụng màn hình led phải tuân thủ những nguyên tắc của nghệ thuật sân khấu, ê kíp sáng tạo phải hết sức lưu ý giới hạn mục đích phục vụ sân khấu của nó. “Mỗi màn hình led giống như một phông sân khấu, nên phải được tính toán kỹ lưỡng, chứ không phải thấy cảnh đẹp là tung lên làm nền. Phải thống nhất giữa hình ảnh trên màn hình led và phần cảnh trí cứng. Chẳng hạn, phần cảnh trí cứng là chi tiết ước lệ, thì màn hình led không thể là cảnh sông trôi, lá rụng” – NSND Triệu Trung Kiên nêu quan điểm.
Sử dụng màn hình led không còn mới mẻ, tuy nhiên đến nay, việc sử dụng công nghệ led đa phần vẫn thiên về việc tận dụng sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí, chưa phải là sự đầu tư ý tưởng đúng mức, chủ động khai thác hiệu quả, ưu thế của thiết bị hiện đại này phục vụ cho sân khấu cải lương.
Theo Ninh Lộc/PNO
Bình luận (0)