Ngay sau khi kỳ thi liên thông được tổ chức một cách “kỳ lạ” tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM bị Tuổi Trẻ phát hiện, nhiều giảng viên thừa nhận nếu không “thả cửa” sẽ không SV nào trúng tuyển.
Nhiều người cho rằng việc cho phép sinh viên hệ nghề được liên thông lên ĐH tạo cơ hội cho người lao động nâng cao trình độ. Tuy nhiên cần phải đảm bảo chất lượng đào tạo hệ này – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Các giảng viên Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM tham gia làm cán bộ coi thi giải thích việc làm của họ chỉ “vì cái chung”. Theo những giảng viên, vì là trường công lập, không của một cá nhân nào nên khi tổ chức kỳ thi này “các thầy cô coi thi chỉ nghĩ đến hướng phát triển của nhà trường, định hướng sẽ tạo điều kiện cho sinh viên CĐ nghề có cơ hội được đi tiếp lên ĐH…”.
Tự nhận mình kém
Phải “khai thông”
Ông Nguyễn Thành Hiệp, trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, cho rằng để chương trình liên thông mang lại hiệu quả, các bên phải “khai thông” với nhau. “Trường nghề nên đưa ra thông tin sinh viên trường mình đã được đào tạo đến đâu, theo yêu cầu của trường ĐH cần phải bổ sung những kiến thức gì trong quá trình liên thông. Bên cạnh đó, hệ đào tạo nghề không nặng về lý thuyết nên cần phải tập trung bổ sung, nâng cao lý thuyết cho người học có nguyện vọng liên thông lên ĐH” – ông Hiệp nói.
|
Họ không ngần ngại thừa nhận chất lượng đào tạo của khối trường nghề còn yếu kém khi cho rằng một số khối kiến thức sinh viên tốt nghiệp trường nghề không thể bằng sinh viên các trường CĐ chuyên nghiệp.
Một giảng viên của trường khẳng định: “Thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh là sinh viên tốt nghiệp khối trường nghề sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu coi thi theo đúng quy chế, chắc chắn không một sinh viên nào đậu” (?!).
Mở rộng tìm hiểu chương trình đào tạo của khối trường nghề, chúng tôi được lãnh đạo một số cơ sở đào tạo nghề cho biết kiến thức học viên được đào tạo ở trường nghề có phần “lệch” so với kiến thức kiểm tra đầu vào của trường ĐH trong liên thông. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “tạo điều kiện” cho thí sinh từ phía các hội đồng thi tuyển sinh liên thông.
Ông Nguyễn Văn Tiến – phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM – cho hay sinh viên trường CĐ nghề được đào tạo theo một chương trình khung của Bộ Lao động – thương binh và xã hội với thời lượng thực hành là 65% trở lên. Trong khi các trường ĐH được đào tạo theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT mang tính hàn lâm và đòi hỏi trình độ lý luận cao hơn. “Chương trình khác nhau như vậy nên khó khăn là điều khó tránh khỏi” – ông Tiến nhận định.
Từ thực tế này, một giảng viên thẳng thắn: “Khi thi xong mà các em chỉ nộp giấy trắng thì thấy… cũng tội. Vì thế, chúng tôi phải giúp đỡ các em… Bởi nếu đi thi mà biết chắc thi không đậu thì lần sau không có em nào dám thi nữa”. Ngay cả thí sinh cũng thừa nhận nếu giám thị không “thả cửa” thì không cách gì làm bài được. Một thí sinh tham dự kỳ thi ngày 22 và 23-10 tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nói: “Chúng tôi không được học môn sức bền vật liệu. Thế nhưng môn này là một trong hai môn thi…”.
“Bán cái”
Đánh giá thực tế này, nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng việc liên thông từ CĐ nghề lên ĐH có vấn đề ngay từ khâu tuyển sinh đến đào tạo. Lúc tuyển sinh, những thí sinh trúng tuyển hệ nghề đã có đầu vào thấp hơn thí sinh các trường chuyên nghiệp. “Đó là chưa kể hiện có không ít trường đào tạo CĐ nghề khá dễ dãi trong tuyển sinh đầu vào, việc xét tuyển chủ yếu dựa vào học bạ THPT của thí sinh” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khẳng định.
Đến khi đào tạo, chương trình đào tạo nghề lại tiếp tục có độ “vênh” so với chương trình liên thông. PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng chương trình khung đào tạo nghề trên cả nước chưa có sự thống nhất chung và không do một cơ quan quản lý giáo dục cấp quốc gia tổ chức thiết kế, thay đổi và chịu trách nhiệm. Các trường nghề chưa có chuẩn đầu ra. Chương trình CĐ nghề khi xây dựng chưa chú ý đến tính liên thông. Sinh viên bậc CĐ nghề hầu như không học các môn khoa học cơ bản. Vì vậy, kiến thức sinh viên nhận được về khoa học cơ bản khá rời rạc và không thể được công nhận khi học lên ĐH.
Bên cạnh đó, nhiều trường lại coi chuyện liên thông lên bậc học cao hơn là đích nhắm để “đẩy” số sinh viên mình đã tuyển sinh và đào tạo. Nhiều trường chỉ coi việc liên thông như “mồi nhử” để tuyển được thật nhiều thí sinh. Còn thực tế sinh viên có đủ kiến thức để đáp ứng chương trình học liên thông hay không, nhiều trường không thật sự quan tâm. Chính vì thế, theo lãnh đạo nhiều trường ĐH có đào tạo liên thông, thực tế từ kết quả những kỳ thi tuyển sinh liên thông các sinh viên trường nghề không cạnh tranh nổi với sinh viên trường chuyên nghiệp. Thậm chí nhiều sinh viên nghề dù “vượt cửa” kỳ thi tuyển sinh liên thông nhưng trong quá trình học khối kiến thức ĐH chính quy thường bị đuối.
“Rõ ràng các trường nghề đang “bán cái” cho các trường có đào tạo liên thông. Với chương trình đào tạo đòi hỏi phải đảm bảo chuẩn đầu ra ở các trường ĐH chắc chắn nhiều sinh viên nghề khó theo kịp…” – ông Dũng khẳng định.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo liên thông chương trình đào tạo phải từ 2,5-3 năm, những kiến thức không được công nhận phải đào tạo lại cho sinh viên và phải siết đầu ra. Về lâu dài, không để tình trạng thiếu “nhạc trưởng” trong việc xây dựng chương trình liên thông, hai hệ đào tạo này phải thống nhất với nhau, chấp nhận được nhau. “Để liên thông mang lại hiệu quả cao không còn cách nào khác là phải bổ sung kiến thức cho người học. Hai bên cần ngồi lại xem trường nghề đã đào tạo đến đâu, người học cần bổ khuyết thêm những kiến thức gì trong tuyển sinh và cả đào tạo” – ông Nguyễn Văn Tiến đề xuất.
Nên có chương trình riêng
Trong khi đó, cũng có nơi cho rằng nên có một chương trình riêng cho sinh viên liên thông từ CĐ nghề lên ĐH chính quy. ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn – cho biết trường đang xây dựng và triển khai chương trình liên thông đào tạo với Trường ĐH Sài Gòn những chuyên ngành về du lịch. Bà Xuân cho hay: “Hai bên sẽ làm việc và đối chiếu với nhau xem chương trình đào tạo của mỗi bên như thế nào, cần bổ sung kiến thức gì cho người học. Từ đó xây dựng một chương trình đáp ứng được yêu cầu của người học và quy định của Bộ GD-ĐT”.
|
Theo TRẦN HUỲNH – HÀ BÌNH
(TTO)
Bình luận (0)