Với sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp chuyên ngành, TP.HCM đang rất cần lao động trình độ cao, đa dạng ngành nghề. Tuy nhiên, các chuyên gia nhân sự lo ngại thị trường lao động công nghệ cao sẽ thiếu hụt trong những năm tới.
Học sinh trường nghề thực hành sửa chữa ô tô. Ảnh: T.Tri |
Cung vênh với cầu
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM, ban đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 KCN chuyên ngành là KCN Phước Hiệp (huyện Củ Chi) với chuyên ngành hóa dược và KCN cơ khí ô tô. Đến nay, KCN cơ khí ô tô đang triển khai xây dựng hạ tầng và đã tiếp nhận các dự án sản xuất, lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô. Ông Nguyễn Thanh Hoàng (Công ty TNHH Bao bì và Cơ khí Phương Nam) cho rằng KCN cơ khí ô tô dự kiến sẽ thu hút trên dưới 1.000 lao động lành nghề khi đưa vào vận hành. Con số này sẽ tăng từng năm theo quy mô sản xuất, lắp ráp. Tuy nhiên, số lao động ngành này đã qua đào tạo hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu.
Cũng theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM, tại mỗi KCN chuyên ngành còn lập những phân khu nhỏ mà ở đó cần một lực lượng lao động công nghệ cao, đòi hỏi kiến thức chuyên ngành, kỹ năng làm việc nhóm và đặc biệt là ngoại ngữ tốt.
Trước bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang trong giai đoạn khởi phát. Thêm nữa, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, cơ cấu kinh tế TP chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Theo đó, TP sẽ cần một lượng lớn lao động có trình độ cao, đặc biệt là lao động có hàm lượng chất xám. TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM) tỏ ra lo lắng khi hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa có bước chuẩn bị đào tạo nghề đón đầu xu thế công nghệ cao. Ông Dũng khẳng định: “Theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai một số ngành nghề sẽ giảm lao động chân tay, thay vào đó là một lượng lớn lao động sáng tạo, có hàm lượng chất xám cao. Nếu không có giải pháp tốt, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nguy cơ thiếu hụt lao động, trong đó lao động công nghệ cao chiếm đáng kể”.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết, quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2020 xác định chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Trong đó đặc biệt chú ý các ngành công nghiệp điện tử, tin học viễn thông, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí chế tạo máy…
Phân công nhiệm vụ đào tạo
Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) chia sẻ: Việt Nam ký kết và gia nhập Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đặt ra nhiều thách thức về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan hệ lao động và yêu cầu chất lượng cao về kỹ năng, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Để tồn tại và phát triển các ngành nghề đáp ứng yêu cầu mới, theo bà Lý phải tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế về bồi dưỡng đội ngũ, phát triển chương trình, kiểm tra, đánh giá thông qua liên kết và hợp tác.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hoàng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay, TP.HCM đang tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành truyền thống là dệt may và da giày với tỷ trọng đến 78,08%. Tuy nhiên, những yếu kém trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cụ thể là nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng… dẫn đến phát triển không bền vững. “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bắt tay đầu tư trang thiết bị dạy nghề phục vụ thị trường lao động công nghiệp hỗ trợ”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Đề cập đến giải pháp cho thị trường lao động có hàm lượng chất xám cao, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết sở đang rà soát, xác định thế mạnh lĩnh vực đào tạo của các trường và phân công nhiệm vụ đào tạo theo yêu cầu đặt hàng, tập trung đào tạo nhân lực cho 4 nhóm ngành trọng yếu là cơ khí điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất – cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm; 9 nhóm ngành dịch vụ và 8 nhóm ngành dịch chuyển lao động, ngành công nghiệp hỗ trợ của TP. Đồng thời, sở sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đến năm 2020 của UBND TP.
T.Anh
Bình luận (0)