Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dè dặt tự chủ do nặng tư duy bao cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Đại biểu trình bày ý kiến về tự chủ giáo dục ĐH tại hội thảo vào sáng 31-7
Dù Luật Giáo dục ĐH đã giao cho các trường quyền tự chủ rất cao nhưng lãnh đạo các trường ĐH vẫn dè dặt thực hiện. Tư duy bao cấp được xem là một trong các nguyên nhân khiến cho việc đổi mới ở các cơ sở giáo dục ĐH còn chậm.
Hôm qua và sáng nay (1-8), Hội thảo “Cải cách giáo dục ĐH Việt Nam 2014” do Nhóm đối thoại giáo dục phối hợp Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại TP.HCM thu hút sự quan tâm của trên 100 đại biểu đến từ các ĐH trong và ngoài nước.
Được giao nhưng không dám tự chủ
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định, việc nâng cao chất lượng đào tạo đại trà của giáo dục ĐH hiện là thử thách rất lớn. Hoạt động phân tầng các cơ sở giáo dục ĐH chưa rõ ràng, do đó các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể. Điều này dẫn đến hệ quả đào tạo theo hướng ứng dụng nhưng lại thiếu kỹ năng thực hành, trong khi đào tạo theo hướng nghiên cứu lại thiếu kiến thức chuyên sâu về lý thuyết. Cũng vì chưa phân tầng rõ rệt nên hầu hết các trường hiện nay thiết kế chương trình khá tỉ mỉ với những vấn đề cụ thể nhưng thiếu trang bị những kiến thức tổng quát, tạo nền tảng phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên.
Đặc biệt, Thứ trưởng còn chỉ ra, dù Luật Giáo dục ĐH đã giao cho các trường quyền tự chủ rất cao nhưng lãnh đạo các trường ĐH vẫn dè dặt thực hiện. Vì chưa thoát khỏi tư duy bao cấp nên hoạt động đổi mới ở các cơ sở giáo dục ĐH còn chậm.
TS. Nguyễn Quân (Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ) cũng đồng tình cho rằng nếp sống bao cấp ăn sâu trở thành rào cản việc thực hiện tự chủ trong khi Chính phủ đã có nghị định về giao quyền tự chủ cao nhất cho các trường ĐH, các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quân, vẫn còn một yếu tố cản trở từ cơ chế chính sách, chính là giao quyền tự chủ nhưng thiếu cơ chế để vận hành một cách thích hợp. TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh, không thể tự chủ toàn diện một cơ sở giáo dục ĐH nếu không được tự chủ tài chính. Vì tự chủ tài chính là gốc rễ của mọi vấn đề. “Nếu không được tự chủ về tài chính, mọi tự chủ khác chỉ là hình thức. Tôi phải nói điều này vì trong giáo dục ĐH của chúng ta, vấn đề trần học phí, sự bao cấp ở rất nhiều lĩnh vực, kể cả việc các trường ĐH có lẽ còn rất lâu mới bỏ được chế độ bộ chủ quản… chính là những trở ngại khiến những người lãnh đạo các trường ĐH khó thực hiện đầy đủ quyền tự chủ. Nếu chất lượng đào tạo bị trần học phí chung, tuyển sinh chung, bằng cấp chung thì chắc chắn đã mất đi quá nửa quyền tự chủ. Nửa còn lại là quyền tự chủ tài chính. Vì vậy, cần từng bước tháo gỡ rào cản này, giao quyền tự chủ thực sự cho các trường ĐH” – TS. Nguyễn Quân nói.
Nghiên cứu khoa học làm tiêu chí tuyển giảng viên
Thực tế ở các nước phát triển, hầu hết các phát minh, sáng chế, bài báo quốc tế… đều xuất phát từ các trường ĐH. Ở Việt Nam, tỷ trọng ấy lại nghiêng về các viện nghiên cứu chứ không phải các trường ĐH. Đây chính là bất cập cần khắc phục, vì ĐH là nơi tập trung trí tuệ, nếu thiếu nghiên cứu khoa học thì hoạt động đào tạo chắc chắn khó mà chất lượng được. Thực trạng này được TS. Nguyễn Quân tiếp tục chỉ ra. Tuy nhiên, cũng theo TS. Nguyễn Quân đã nhiều năm chúng ta không dành cho các trường ĐH sự quan tâm thích đáng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải rõ thêm, nghiên cứu khoa học trong trường ĐH chưa được xem là hoạt động bắt buộc khiến kiến thức giảng viên nhanh chóng lạc hậu  và sinh viên không được “nhúng” trong môi trường sáng tạo để tự trang bị phương pháp nghiên cứu, tự học để phát triển liên tục trong suốt cuộc đời hoạt động nghề nghiệp.
Đây cũng là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu tập trung đề cập, đồng thời bàn giải pháp khắc phục. Không chỉ là chú trọng, đầu tư thích đáng hơn cho nghiên cứu khoa học, một trong các giải pháp nổi bật mà GS. Ngô Bảo Châu nhấn mạnh chính là gắn khả năng nghiên cứu khoa học vào tiêu chí tuyển dụng giảng viên. Bởi theo GS. Châu, quy trình tuyển chọn cán bộ giảng dạy và nghiên cứu hiện tuân thủ các quy định chung của tuyển chọn công chức, viên chức. Quy trình hiện tại này hầu như không có các yếu tố đặc thù cho môi trường hàn lâm trong khi tính chất công việc của các nhân sự hàn lâm rất khác với viên chức thông thường.
“Chỉ có những người sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng lẫn những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí óc tương lai”, GS. Châu nói.
Bài, ảnh: Mê Tâm
“Các thông tin định lượng như chỉ số ảnh hưởng, chất và lượng các báo cáo khoa học đăng trên tạp chí hoặc hội nghị chuyên môn cho thấy một bức tranh không sáng sủa về chất lượng chung của đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các ĐH Việt Nam. Nhưng điều đáng lo ngại hơn nhiều là quy trình xây dựng và cải tiến đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu ở các ĐH Việt Nam hoàn toàn ngược lại với những nước tiên tiến. Nếu hiện trạng này tiếp diễn thì e rằng chất lượng ĐH Việt Nam không những tiếp tục ở thứ hạng thấp mà sẽ còn đi giật lùi so với những bước tiến nhanh và chắc chắn của các nước láng giềng, không cần nói đâu xa”, GS. Ngô Bảo Châu cảnh báo.
 

Bình luận (0)