Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dè dặt với khối thi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tham quan, tìm hiểu ngành nghề được đào tạo tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Nhiều trường ĐH hào hứng với khối thi mới (A1 gồm toán – lý – ngoại ngữ) dự kiến sẽ được áp dụng trong năm nay nhưng đến thời điểm này, không ít thí sinh vẫn hết sức dè dặt bởi lý do ít cơ hội lựa chọn…
Các thí sinh trường tỉnh còn mơ hồ, thậm chí chưa biết dự kiến sẽ có thêm khối mới.
Khối… lạ!
Tại nhiều trường THPT khu vực TP.HCM năm nay, khối ngành kinh tế đã không còn rơi vào sự lựa chọn của nhiều thí sinh. Hầu như, những em học giỏi có ý định chọn thi kinh tế trước đó đã bắt đầu chuyển hướng sang khối ngành y dược. Cũng khá nhiều em bày tỏ sự quan tâm tới khối A1 vì thi tuyển đầu vào có ngoại ngữ sẽ tạo thuận lợi cho các em khi tiếp cận với cơ hội du học. Thực tế ngược lại đối với học sinh các tỉnh xa, các em còn bối rối trước những thông tin về khối thi mới. Anh Nguyễn Lê Danh (giáo viên Trường THPT Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho biết, tại trường nhiều thí sinh hiện vẫn xem khối A1 là khối… lạ, chỉ quan tâm chứ chưa có ý định lựa chọn. Cũng theo anh Danh, do trình độ chung của học sinh trường huyện còn rất chênh nhau nên hầu hết những em khá giỏi chọn đầu quân vào các khối A, B. Năm nay tại trường có trên 500 thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp.
Trong suy nghĩ của nhiều thí sinh, chọn khối A1 đồng nghĩa với việc chịu sự bó hẹp ngành nghề, cụ thể chỉ chủ yếu thi được những khối ngành kinh tế hoặc công nghệ thông tin. Em Nguyễn Trần Hoàng Chương (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An) giải thích, dù cũng yêu thích khối có ngoại ngữ nhưng em dự định chọn thi khối D1 vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thay vì khối A1. Bởi theo em, khối A1 chỉ học được ngành công nghệ thông tin và số ít ngành khác không nằm trong sở thích của em. Chương còn cho biết, còn một lý do khác khiến các bạn ngại khối A1 chính là do yếu ngoại ngữ. Tương tự, học sinh Nguyễn Thị Thúy Hoa (lớp 12C1, Trường THPT Bình An, Bình Dương) cũng cho rằng trong lớp chỉ một đến hai bạn chọn khối A1. Trước đó, một số bạn khác cũng hào hứng nhưng do thấy có ít ngành tuyển nên lại đổ sang khối A. Học sinh Trương Văn Tiến (Trường THPT Long Phước, Long Thành, Đồng Nai) định dự thi vào cả 2 khối A, B với các trường lần lượt là ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. “Em mới chỉ nghe qua về khối A1 chứ cũng chưa tìm hiểu gì nhiều, cũng chưa có ý định chọn thi. Ở trường em nhiều bạn thậm chí còn chưa biết đến khối này” – Tiến thổ lộ.
Đổi mới từng bước
Theo các nhà giáo dục, nếu khối A1 chính thức được đưa vào tuyển sinh năm nay, chỉ hút được lượng thí sinh ở khu vực thành thị, đa số học sinh ở nông thôn, vùng sâu xa trình độ ngoại ngữ thấp, không đồng đều sẽ khó đáp ứng nổi yêu cầu. Sự thiệt thòi sẽ là có thật đối với thí sinh nếu các trường nơi tuyển khối A1, nơi không. Bởi khi không thực hiện đồng bộ, lỡ trượt NV1, các thí sinh sẽ không có quá nhiều cơ hội để nộp NV2, NV3 cho cùng khối này ở những trường khác. Tuy nhiên, việc thêm khối tuyển đầu vào có ngoại ngữ thật ra đã là mong đợi của rất nhiều đơn vị ĐH-CĐ suốt các thời gian qua bởi sẽ giúp các trường nhẹ gánh đi rất nhiều trong công tác đào tạo, nhất là đối với áp dụng giảng dạy bằng ngoại ngữ những môn chuyên ngành sau này. Hào hứng nhưng theo các trường, một lộ trình thực hiện là cần thiết, vì ngay trong năm đầu, sự hưởng ứng và chuẩn bị của thí sinh chưa nhiều. Hơn nữa, đổi mới tuyển sinh cũng phải chú ý đến quyền lợi của một bộ phận rất lớn thí sinh thi lại lần 2, lần 3 để đảm bảo cơ hội vào ĐH cho các em.
Không chỉ riêng việc dự kiến bổ sung khối thi, các trường còn cho rằng lộ trình thực hiện là cần thiết với cả vấn đề đổi mới tuyển sinh. Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh, quan điểm đổi mới tuyển sinh phải xuất phát từ thực tế là hiện nay, số lượng thí sinh đi thi cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ. Tính đến năm 2011, số lượng thí sinh đăng ký dự thi hằng năm lên đến gần 1,8 triệu; có những năm hơn 2 triệu. Trong khi đó tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ hằng năm cũng chỉ trên dưới 500 ngàn. Đặc biệt, năm 2012, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ chậm so với các năm, chỉ khoảng 6% trong khi các năm trước xấp xỉ 10%. Chính điều này sẽ tạo áp lực rất lớn cho người thi. Bên cạnh đó, đổi mới tuyển sinh không chỉ riêng thời điểm này, thực tế cách đây 10 năm, chúng ta đã có một cuộc cách mạng, chủ trương tuyển sinh “3 chung” áp dụng cho tất cả các ĐH-CĐ trên cả nước. Trong 10 năm nay, chúng ta chỉ cải tiến, đổi mới phương thức “3 chung”, mỗi năm một ít. TS. Nghĩa cho rằng, cần có bước chuyển mạnh mẽ trong tuyển sinh ĐH-CĐ sao cho có sự đáp ứng giữa cung và cầu. Theo đó, đổi mới tuyển sinh cần phải có lộ trình. Và lộ trình đó, cần xuất phát từ “3 chung”, tháo gỡ các bất cập còn tồn tại ở “3 chung” mà chủ yếu nằm trong khâu xét tuyển. Khâu tổ chức thi đã được đánh giá là khá tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho thí sinh. Khâu đề thi cũng tương tự, chất lượng đề thi tương đối ổn định và có thể dùng làm chuẩn chung cho tất cả các trường. Riêng khâu xét tuyển trong các năm qua còn bộc lộ nhiều bất cập, các trường ĐH công lập lớn ở các thành phố lớn không đến nỗi nhưng các ĐH công lập địa phương lại gặp khó khăn. Năm vừa qua, cả các trường ĐH ngoài công lập cũng không xét tuyển được. Bất cập lớn nhất hiện nay là nhu cầu học của người dân vẫn rất lớn, chỉ tiêu tuyển sinh thấp nhưng các trường vẫn không tuyển được. Nghịch lý này xuất phát từ khâu xét tuyển. Do đó, đổi mới tuyển sinh phải thực hiện từng bước và bắt đầu từ khâu xét tuyển. Nên giao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn để dựa trên một số tiêu chí chung, các đơn vị sẽ tự xét tuyển theo các tiêu chí riêng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
“Năm 2012, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ chậm hơn so với các năm với mức chỉ khoảng 6% trong khi các năm trước xấp xỉ 10%. Chính điều này sẽ tạo áp lực rất lớn cho người thi” – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Nguyễn Đức Nghĩa nhận định.
 

Bình luận (0)