Một tiết học giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh – Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 |
Việc giảng dạy đạo đức ở trường phổ thông đã có nhiều tiến bộ, nhất là sau ngày “Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào tháng 12-2007. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều học sinh và cha mẹ học sinh than phiền giờ dạy dạo đức – công dân khô khan, nhiều kiến thức trừu tượng, khó hiểu, chán học. Vì sao vậy?
Theo chúng tôi vì giáo dục đạo đức – công dân chưa đúng những qui luật khoa học. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục đạo đức là hình thành ở học sinh thói quen hành vi đạo đức. Thói quen hành vi đạo đức là một qui luật phải trải qua một quá trình gồm 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn đòi hỏi một số điều kiện nhất định.
Giai đoạn 1: Cung cấp tri thức đạo đức bao gồm ý nghĩa của hành vi đạo đức (HVĐĐ) đối với cá nhân, tập thể, đất nước; khen thưởng, chê phạt cụ thể… yêu cầu tri thức đó phải đầy đủ, chi tiết, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Tri thức ấy qua 3 kênh: tai nghe, mắt thấy, cảm nhận tư duy.
Cách trình bày phải gây được ấn tượng sâu sắc, rung động lòng người, hấp dẫn… nếu đủ điều kiện như trên thì giai đoạn 1 mới chuyển được sang bước tiếp theo.
Giai đoạn 2: Phát sinh tình cảm đạo đức
Có được tình cảm đạo đức, học sinh hứng thú, dễ dàng tiếp thu những tri thức đạo đức mới. Với điều kiện tự giáo dục, giai đoạn 2 mới chuyển sang giai đoạn 3: Hình thành hành vi đạo đức và tiến lên giai đoạn 4: Hình thành thói quen hành vi đạo đức. Phải cần tự giáo dục và giáo dục với điều kiện thuận lợi nhất trong thời gian dài.
Sơ đồ quá trình giáo dục đạo đức bền vững (xem bảng dưới đây)
Bốn
giai đoạn
|
I
Tri thức đạo đức
|
II
Tình cảm đạo đức
|
III
Hành vi đạo đức
|
IV
Thói quen hành vi đạo đức
|
Điều kiện
|
* Đầy đủ… chi tiết
* Qua nghe, thấy, cảm nhận, làm
* Hấp dẫn
|
* Tự giáo dục
* Giáo dục
|
* Tự giáo dục
* Giáo dục
|
* Tự giáo dục
* Giáo dục
* Điều kiện thuận lợi
|
Kết quả
|
Tình cảm đạo đức giúp lĩnh hội tri thức nhẹ nhàng, thoải mái
|
* Ý thức được hành vi đạo đức
* Thực hành hành vi đạo đức nhiều ngày
* Thói quen hành vi đạo đức hình thành bền vững, lâu dài.
|
Qua sơ đồ trên ta thấy: Quá trình hình thành thói quen hành vi đạo đức trải qua 4 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì giai đoạn này tiến hành tốt sẽ giúp học sinh hứng thú học tập, điều kiện nâng cao chất lượng bộ môn.
Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên dạy bộ môn công dân Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM khi dạy bài “Công cha, nghĩa mẹ” đã sử dụng cả 3 kênh: cho học sinh nghe những lời ru ngọt ngào của người mẹ (qua lời ru của nghệ nhân trong máy phát thanh), thấy hình ảnh thân thương của mẹ vất vả lao động để nuôi dưỡng con (qua hình ảnh) với lời giảng giải đầy tâm huyết đã gây xúc động lớn đến học sinh, nhiều em đã khóc. Học sinh rất thích thú học giờ công dân của thầy Tuấn Anh. Nhiều bạn đồng nghiệp, hiệu trưởng khen ngợi giờ dạy công dân của thầy Tuấn Anh. Tiếng lành đồn xa, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự giờ và khen ngợi thầy giáo dạy công dân. Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, TP.HCM dạy đạo đức cho học sinh phổ thông với 3 chuyên đề: Hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái với bạn bè; văn hóa ứng xử của học sinh trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội; tiên học lễ, hậu học văn. Với tinh thần làm việc hết mình, luôn sáng tạo trong giảng dạy, các thầy, cô giáo ở đây luôn tìm tòi, thu thập nhiều tư liệu trong sách báo, trong thực tiễn cuộc sống, những tấm gương đạo đức để dẫn chứng, minh họa cho bài giảng được sống động, hấp dẫn. Đặc biệt, cô giáo Đàm Lê Đức, trong những giờ giảng dạy về cha mẹ đã trình bày chi tiết, cụ thể công ơn to lớn của cha mẹ ở “chín chữ cù lao” với hàng chục câu thơ đọc diễn cảm khiến cho nhiều học sinh không cầm được nước mắt.
Cô giáo Trịnh Thị Định, Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM cung cấp tri thức đạo đức cho học sinh bằng cách sáng tạo đọc câu “thần chú” trước giờ dạy “Cha mẹ cho tôi ăn mặc và cuộc sống, thầy cô cho tôi chữ nghĩa và trí óc, bản thân tôi phải tập trung tư tưởng học tập tốt”.
Từ HVĐĐ đến thói quen HVĐĐ phải cần đến 4 điều kiện: Có ý thức cao, tự giác tham gia HVĐĐ. Có điều kiện khách quan thuận lợi cho học sinh thực hành HVĐĐ. Như có quan hệ thường xuyên giữa cha mẹ, học sinh và nhà trường; có các câu lạc bộ môn học; có cắm trại vui chơi giữa học sinh và thầy, cô giáo, có nội quy đầy đủ, chi tiết… để học sinh rèn luyện HVĐĐ đối với thầy, cô, với bạn bè… Có sự quản lý chặt chẽ, nghiêm túc của nhà trường để ngăn chặn kịp thời hành vi xấu, cho hành vi tốt phát triển thuận lợi. Cần nhổ bỏ hết cỏ dại cho cây trồng phát triển. Phải có thời gian tham gia nhiều ngày. Đây là một quy luật hình thành phản xạ có điều kiện hệ thần kinh cao cấp, với điều kiện phải lặp lại nhiều lần. Thói quen HVĐĐ là một phản xạ có điều kiện nên cần dài ngày hay ngắn ngày là do sự phấn đấu rèn luyện của mỗi người là chính và điều kiện ngoại cảnh, nhưng không thể ngày một, ngày hai được. Học sinh có được HVĐĐ đã tốt nhưng tốt hơn là có thói quen HVĐĐ bởi vì thói quen HVĐĐ là cái riêng của mình, như “kỹ xảo” không làm như thế thấy khó chịu, bền vững.
Thói quen HVĐĐ được hình thành từ hai nguyên nhân, do tự giáo dục, tự giác hoặc do cưỡng chế, với tính bền vững có khác nhau: do tự giác bền vững hơn do cưỡng chế.
Để tạo điều kiện cho học sinh thực hành HVĐĐ, tiến lên xây dựng HVĐĐ đối với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, xã hội, Trường BDVH đã có nhiều biện pháp sáng tạo: Tổ chức nhiều loại câu lạc bộ, cắm trại, đi du lịch để xây dựng quan hệ tốt giữa thầy trò. Nội quy của trường rất cụ thể, chi tiết, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cán bộ, giáo viên. Đối với học sinh, quy định những việc cần làm và những việc cấm làm, nếu vi phạm sẽ bị buộc thôi học. Nhờ hệ thống tổ chức khoa học với sự tham gia tích cực của giám thị, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ban giám hiệu, những khuyết điểm của học sinh được phát hiện kịp thời, hàng ngày và giải quyết dứt điểm. Các thầy cô giáo đều là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, luôn có quan hệ mật thiết với học sinh, không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người. Đặc biệt cô Hiệu trưởng Đàm Lê Đức nêu gương bằng cách thường xuyên quan tâm đến học sinh không những về tinh thần, tình cảm riêng tư mà còn về vật chất. Cô đã giúp nhiều học sinh nghèo học giỏi và thành đạt. Điển hình là em Võ Minh Tuấn, nhà nghèo, hiếu học, muốn học cao để thoát nghèo nhưng không có điều kiện, cô đã miễn học phí và tạo việc làm cho em có thu nhập để trả học phí cho trường đại học. Rồi cô tiếp tục giúp đỡ để giới thiệu em sang Nhật vừa học vừa làm. Sau 7 năm du học, năm 2006 em đã về nước với học vị tiến sĩ, đã mở một cửa hàng kinh doanh đang làm ăn phát đạt tại TP.HCM. Hiện nay, phần lớn học sinh ra trường hoặc đang học, kể cả số đang học ở nước ngoài đã gửi thư hoặc đến chúc mừng thầy, cô trong hai ngày lễ lớn 20-11, ngày Tết Nguyên đán hằng năm.
Có em đã bớt phần tiền thưởng học bổng của mình gửi về xây dựng quỹ học bổng của nhà trường để giúp những bạn hiếu học nhà nghèo.
Nhờ dạy học đức dục gắn với trí dục đạt hiệu quả cao, uy tín của Trường BDVH ngày một lan rộng, trường từ chỗ chỉ có một lớp học với vài chục học sinh nay đã hơn 100 lớp, với 7.000 học sinh, hơn 200 giáo viên, xứng đáng là một thương hiệu mạnh.
NGƯT Châu An
Bình luận (0)