Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đề dễ, điểm chuẩn ĐH có thể tăng nhẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được nhiều giáo viên và thí sinh đánh giá là khá nhẹ nhàng khi nội dung đề “dễ thở” hơn so với mọi năm. Nhiều giáo viên nhận định, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT sẽ cao đồng thời điểm chuẩn vào các trường ĐH có thể tăng nhẹ, nhất là ở những nhóm ngành thu hút đông thí sinh đăng ký xét tuyển.

Thí sinh trao đổi sau buổi thi môn toán. Ảnh: Tùng Nhung

Tỷ lệ tốt nghiệp không giảm so với các năm trước

Nhận định tổng quan về kỳ thi THPT quốc gia 2019, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho rằng đề thi ra theo đúng tinh thần mà “Bộ GD-ĐT đã hứa” khi nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Trong đó, 60% là kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đảm bảo mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT. “Nội dung các bài thi khá giống với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó. Trừ môn ngữ văn theo dạng tự luận, 8 môn trắc nghiệm còn lại đều được sắp xếp theo thứ tự câu hỏi từ dễ đến khó với số câu hỏi kiến thức cơ bản chiếm từ 50-60%, số câu nâng cao từ 20-30%. Số câu hỏi để đạt độ phân hóa cho xét tuyển ĐH chỉ chiếm khoảng 10%”, TS. Nghĩa phân tích.

Từ phân tích trên, TS. Nghĩa dự đoán tình hình điểm thi THPT quốc gia năm nay sẽ khá “lạc quan”. Cụ thể, số bài thi bị điểm liệt sẽ giảm; điểm trung bình các môn sẽ cao hơn, cải thiện rõ rệt ở các môn tiếng Anh và lịch sử. Đồng thời, tỷ lệ % điểm dưới 5 của từng môn cũng sẽ thấp hơn. “Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng để thí sinh xét tốt nghiệp. Vì khi áp dụng công thức xét tốt nghiệp mới theo tỷ lệ 7:3, trong đó điểm thi THPT quốc gia chiếm 70%, nếu điểm trung bình môn thi của thí sinh cao hơn thì tỷ lệ % điểm dưới 5 sẽ thấp. Một điều chắc chắn là tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay sẽ không giảm so với những năm trước”, TS. Nghĩa nhận định.

Trong khi đó, nhiều giáo viên THPT nhìn nhận việc đề thi năm nay “dễ thở” hơn năm ngoái là điều hiển nhiên vì “còn để học sinh tốt nghiệp THPT”. “Thay đổi phương thức xét tốt nghiệp THPT theo cách nâng vai trò của điểm thi mà đề cứ giữ mức khó như năm ngoái thì nhiều thí sinh thậm chí đậu ĐH theo phương thức dùng học bạ hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực nhưng chưa chắc đậu tốt nghiệp THPT. Vì vậy, đề thi vừa sức với thí sinh là phù hợp, hợp tình hợp lý. Với mức độ đề này, bức tranh tốt nghiệp THPT cũng không đáng lo ngại”, một giáo viên môn ngữ văn tại TP.HCM cho biết.

Phổ điểm các môn cao

Căn cứ vào mức độ đề thi THPT quốc gia 2019 vừa qua, nhiều giáo viên nhìn nhận tỷ lệ thí sinh đạt phổ điểm từ 6 đến 7 ở các bài thi rất cao. Trong đó, riêng môn tiếng Anh sẽ có nhiều điểm 9, 10. Cụ thể, ở môn toán, thầy Đỗ Hoàng Vũ (Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM) cho hay phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 đến 7,5. Với thí sinh có học lực trung bình cũng dễ dàng đạt từ 5 đến 6 điểm. “Đề thi bám khá sát với đề minh họa nên quen thuộc với các em thí sinh. Mức độ kiến thức trong đề dù ở mức cơ bản nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa. Để đạt từ 7,5 điểm trở lên là mức độ kiến thức phân hóa, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy cao, có kỹ năng phân tích, kỹ năng giải đề, phù hợp với mục đích xét tuyển ĐH”, thầy Vũ cho biết.

Với môn ngữ văn, thầy Trần Văn Đúng (nhóm trưởng nhóm văn 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM) nhìn nhận đề thi năm nay khá hay, không quá gắt nhưng vẫn đảm bảo độ mở, có tính phân hóa cao, đảm bảo “đất” cho thí sinh tung tẩy, phát huy khả năng. “Dù phần đọc hiểu trong đề có bất ngờ khi cách ra đề “hơi khác một chút” so với đề minh họa nhưng đơn vị kiến thức thì không mới, không khó. Tính phân hóa của đề nằm ở phần nghị luận văn học khi đi sâu vào chi tiết, yêu cầu thí sinh phải có kiến thức đủ sâu, đủ rộng để phân tích”, thầy Đúng phân tích.

Theo thầy Đúng, mức điểm chủ yếu của thí sinh trong môn ngữ văn sẽ dao động từ 6 đến 7. Điểm dưới 5 sẽ không nhiều. Bên cạnh đó, số thí sinh đạt điểm 9 cũng sẽ hiếm, đòi hỏi các em vừa phải có độ sâu kiến thức, vừa có những hiểu biết về văn hóa, xã hội.

Khác với sự lo lắng như mọi năm, kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cô Nguyễn Thị Điểm Bích (Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM) lại khá phấn khởi với đề thi môn tiếng Anh. Cô Bích chia sẻ: “Không hẳn là thực sự hài lòng với bài làm của các em nhưng tôi cũng bớt lo khi đề năm nay bám khá sát với đề minh họa, tính phân hóa cũng không quá căng, thí sinh đã được làm quen nhiều nên không bỡ ngỡ, không hoang mang. Với mức độ đề thi này, năm nay phổ điểm từ 6 đến 7 sẽ nhiều. Điểm 9, 10 cũng sẽ nhiều”.

Tương tự, ở tổ hợp bài thi KHXH (lịch sử, địa lý, GDCD), nhận định chung của các giáo viên bộ môn là đề “nhẹ nhàng” hơn năm ngoái, bám sát chương trình lớp 12. Mức độ kiến thức cơ bản chiếm từ 6-7 điểm. “Một cách tổng quan, điểm bài thi KHXH năm nay chắc chắn sẽ cao hơn năm trước khi đề của cả 3 môn thi đều không lắt léo, không đánh đố mà chủ yếu ở mức cơ bản. Những câu hỏi phân hóa cũng không quá nặng”, Phó Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.1 đánh giá.

Vẫn với tinh thần “bám sát đề minh họa”, nhiều giáo viên cho rằng đề thi 3 môn trong tổ hợp KHTN không có nhiều câu hỏi đánh đố thí sinh, câu hỏi phân hóa tốt, đảm bảo cho các em xét ĐH. “Riêng đề môn sinh học, dù dễ hơn năm ngoái một chút nhưng hơi dài, phổ điểm trung bình khoảng từ 6 đến 7. Tuy nhiên, điểm tuyệt đối thì không nhiều”, cô Trần Trúc Đào (Tổ trưởng Tổ sinh học Trường THPT Tenlơman, Q.1, TP.HCM) nhìn nhận.

Điểm chuẩn ĐH sẽ tăng

Từ nhận định điểm thi, TS. Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra dự báo mức điểm chuẩn của các trường ĐH năm nay sẽ nhỉnh hơn năm ngoái, nhất là ở những trường, những ngành thu hút đông thí sinh như nhóm ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, khoa học sức khỏe… “Điểm thi cao hơn, nhiều phương thức xét tuyển hơn, số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi giảm đi thì chắc chắn điểm chuẩn vào các trường sẽ phải tăng lên. Cụ thể tăng lên bao nhiêu còn phải căn cứ vào top trường, mức độ thí sinh”, TS. Nghĩa nói.

Tương tự, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đánh giá điểm chuẩn năm nay sẽ có sự biến động, tăng lên so với năm trước ở nhiều ngành đào tạo, do đề thi năm nay dễ hơn năm trước. “Điểm trúng tuyển tăng do mặt bằng chung thí sinh làm bài tốt nhưng không có nghĩa là cửa vào ĐH sẽ hẹp lại cho các em. Bởi ngoài sử dụng điểm thi THPT quốc gia, các em có rất nhiều phương thức xét tuyển: bằng học bạ, bằng kỳ thi đánh giá năng lực, bằng xét tuyển ưu tiên… Thậm chí, nhiều em đậu ĐH trước khi biết điểm thi”, TS. Hạ cho biết.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)