Thí sinh xem lại bài thi môn hóa. Ảnh chụp tại HĐT Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chiều 2-6. Ảnh: Dương Bình |
Ngày 2-6 gần 1 triệu học sinh (HS) lớp 12 trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Qua ngày thi đầu tiên (thi 2 môn ngữ văn và hóa học), ghi nhận tại các thành phố lớn thì đề thi năm nay vừa sức, thí sinh (TS) có thể đạt điểm cao và ngày thi diễn ra khá an toàn, nghiêm túc.
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay cả nước có 2.296 hội đồng thi (HĐT) với 40.361 phòng thi. Các địa phương đã huy động 142.361 cán bộ tham gia công tác coi thi. So với năm 2012 giảm 1.017 người. Số cán bộ giáo viên tham gia công tác chấm thi là 23.691 người, giảm 3.781 người so với 2012.
Sáng 2-6, các TS bước vào môn thi đầu tiên là ngữ văn với thời gian làm bài 150 phút. Trong buổi thi đầu tiên này, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT do Chánh thanh tra Nguyễn Huy Bằng dẫn đầu đã thanh tra đột xuất tại tỉnh Ninh Bình. Đoàn đã đi kiểm tra tại 2 hội đồng coi thi (HĐCT): THPT Kim Sơn A, huyện Kim Sơn và Trường THPT Yên Khánh A, huyện Yên Khánh của tỉnh. Qua kiểm tra buổi thi đầu tiên, môn văn, Chánh thanh tra Nguyễn Huy Bằng đánh giá tốt công tác tổ chức thi tốt nghiệp của Ban chỉ đạo thi tỉnh Ninh Bình; tỉnh đã chủ động triển khai, chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, hồ sơ TS, tập huấn cán bộ, giám thị làm công tác coi thi, chấm thi, công tác an ninh được phối kết hợp tốt với các lực lượng của địa phương.
Hà Nội: Đề văn dễ đạt điểm 7-8
Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên (môn văn), các TS tại khu vực Hà Nội ra khỏi phòng thi với tâm lý rất thoải mái, tự tin. Đa số đều cho biết đề thi văn năm nay ổn. Tại HĐT Trường THPT Việt – Úc, trước thời gian kết thúc môn thi 30 phút đã có nhiều TS ra khỏi phòng thi, do chưa có hiệu lệnh nên mặc dù làm xong bài nhưng các em không được ra ngoài. Ra sớm nhất, TS Lê Văn Thành (Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục – Thể thao Hà Nội) cho biết, đề văn năm nay phù hợp với kiến thức của HS trung bình. Đề không khó nhưng khá dài, đòi hỏi tư duy và cách làm của TS phải áp dụng hết mức.
Cũng ra trước khi hết giờ làm bài, TS Lê Thị Loan (Trường THPT Trí Đức) hồ hởi và vui sướng khi làm xong tất cả các câu trong đề. Đánh giá câu hay nhất theo Loan là câu nghị luận về một gương sáng học đường. Câu này rất thực tế và gây bất ngờ cho TS.
Tại điểm thi ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, phần lớn các thi sinh nhận định đề thi “dễ thở”. Ra sớm trước giờ thu bài, Nguyễn Thị Trà Oanh (lớp 12A3, THPT Cầu Giấy), hào hứng bình luận về đề thi. Theo Oanh, cấu trúc đề thi năm nay khá hay và hay nhất ở câu nghị luận xã hội. Hoàn thành bài thi trong vòng 120 phút và viết được 2 tờ, tuy nhiên Oanh không tự tin lắm với bài làm của mình. Oanh cho hay, em thi khối B nên môn văn và tiếng Anh không phải là thế mạnh, môn hóa buổi chiều mới “chắc chắn”.
Tại HĐT Trường THPT Việt Đức, TS Nguyễn Xuân Hoàng (lớp 12D2, Trường THPT Việt Đức) cho biết đề thi văn phù hợp với các bạn. Cấu trúc đề thi không có gì khác so với những gì đã được ôn ở trường. Câu 1 nói về một sự kiện văn học, câu 2 là nghị luận xã hội và câu 3 là câu nghị luận văn học. Cả ba dạng câu hỏi này đã được ôn nhiều tại lớp. Hoàng cho biết sẽ được điểm 7 môn văn.
Cũng tại HĐT này, TS Nguyễn Ngọc Huyền (lớp 12 G2, Trường THPT Marie Curie) cho rằng câu 2 là câu hỏi nghị luận xã hội không hay. Nói về lòng dũng cảm trong một trường hợp cụ thể đòi hỏi HS phải tự mở rộng kiến thức nên không hay lắm. Còn TS Trần Khánh Huyền (lớp 12D1, Trường THPT Việt Đức) cũng cho hay với 3 câu hỏi của đề thi thì thời gian làm bài 150 phút là hơi ngắn. Nhất là câu 3, để làm tốt, các TS vừa phải mở rộng nhưng đồng thời vừa phải rút ngắn được kiến thức.
TP.HCM: TS phấn khởi với môn hóa
Thí sinh làm thủ tục chuẩn bị thi tại HĐT Trường THPT Marie Curie, TP.HCM. Ảnh: N.Anh
|
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn thành phố có 67.982 TS dự thi (trong đó 58.748 TS dự thi theo hệ giáo dục THPT và 9.234 TS dự thi theo hệ GDTX) tại 102 HĐT, trong đó có 24 HĐT ghép giữa giáo dục THPT và GDTX.
Tại HĐT dành cho các TS thuộc huyện đảo Cần Giờ, lực lượng thanh niên xung phong đã bố trí phà, lực lượng bảo vệ từ lúc sáng sớm để phân luồng, tạo điều kiện thuận lợi cho xe chuyên chở đề thi, cán bộ phục vụ HĐT tới địa điểm đúng giờ. Còn tại HĐT đặc biệt dành cho 9 TS thi tốt nghiệp theo chương trình GDTX nằm trong khuôn viên Trung tâm Giáo dục giải quyết việc làm Nhị Xuân (Hóc Môn), công tác coi thi cũng được đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Cô Đào Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, Chủ tịch HĐT cho biết, tính đến hết ngày thi đầu tiên, HĐT này chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào, các TS đều tuân thủ nội quy nghiêm ngặt trong phòng thi.
Sau buổi thi môn văn, hầu hết TS thở phào nhẹ nhõm vì đề thi vừa sức với các em. TS Nguyễn Quang Minh (lớp 12C, Trường THPT Bách Việt thi tại HĐT THPT Hiệp Bình) phấn khởi cho biết: “Đề thi không quá khó, nội dung các câu hỏi đều nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12 nên hầu hết các bạn cùng phòng thi với em đều làm khá tốt. Riêng em, với đề thi này em nghĩ sẽ làm trên 7 điểm”. Còn TS Lê Hồng Loan (lớp 12A2 Trường THPT Thanh Đa) nhận xét, đề thi năm nay vừa sức, không có gì đánh đố. Ở câu 1 do không hỏi về tác giả nên kiến thức nhẹ nhàng, không cần phải nhớ số liệu chi tiết về năm sinh, quê quán. Loan chỉ tiếc không nói được ý nghĩa về tinh thần lạc quan và sự bất tử của người cách mạng.
Mặc dù đề môn văn không khó nhưng theo nhiều TS nếu không đọc kỹ các câu hỏi, TS dễ bị lạc đề. TS Nguyễn Thiên Kim (lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) chia sẻ: “Câu 2 là văn nghị luận xã hội khá hay khi nói về hành động dũng cảm cứu người của một HS. Câu này gây nhiều tranh cãi cho các bạn khi ra khỏi phòng thi bởi có bạn chủ yếu nói về cảm xúc của mình trước hành động dũng cảm đó, còn bạn thì lại nêu cao tấm gương can đảm, hi sinh này…”.
Buổi chiều, sau khi dự thi môn hóa, các TS đều phấn khởi vì đề khá dễ, nhiều TS tự tin khẳng định sẽ được điểm 9, điểm 10. TS Nguyễn Hà Bảo Tuấn và TS Phạm Nguyễn Năm Minh (cùng học lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thi tại HĐT THPT Nguyễn Thị Minh Khai) vui vẻ nói: “Đề thi dễ, chúng em ôn tập kỹ nên làm được 99,9% câu hỏi. Với đề thi này, HS trung bình cũng có thể làm được trên 7 điểm”. Còn TS Nguyễn Kim Ngân (lớp 12A7, Trường THPT Tenlơman, thi tại HĐT Trường THCS Minh Đức, quận 1) chia sẻ: “40 câu trắc nghiệm đều không quá khó, nếu ôn tập kỹ các bạn sẽ làm được. Tuy nhiên, nếu không đọc kỹ đề thi thì TS rất dễ bị nhầm lẫn. Với đề này, em nghĩ mình được khoảng 8 điểm thi”.
TS Lê Dân Nam (lớp 12A2 Trường THPT Gia Định) đánh giá, đề thi môn hóa năm nay không khó nếu không nói là quá dễ. Đa số phần lý thuyết đều nằm trong sách giáo khoa, phần bài tập đều thuộc dạng quen thuộc đã từng được thầy cô ôn luyện. Đa số các em tự tin có thể đạt từ điểm 5 trở lên. Một số HS giỏi cho rằng đạt điểm 10 thì không tự tin lắm nhưng điểm 8, điểm 9 thì cũng có thể đạt được.
Tại phòng thi 061 thuộc HĐT Trường THPT Hoàng Hoa Thám do giám thị hướng dẫn sai nên có hơn 2/3 TS viết họ tên bằng chữ thường thay vì chữ in hoa như trong tờ giấy thi quy định sẵn.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Đề thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT ra sát với chuẩn kiến thức THPT để những TS học lực trung bình có thể vượt qua nên TS không nên quá lo lắng. Thay vào đó, các em nên bình tĩnh, tập trung tinh thần để suy nghĩ và lựa chọn đáp án chính xác khi giải đề”.
Đà Nẵng: Đình chỉ 3 TS mang điện thoại vào phòng thi
Thí sinh ở Đà Nẵng ra về khi kết thúc ngày thi đầu tiên
|
Sáng 2-6, cùng với cả nước, hơn 12.000 TS hệ THPT và GDTX tại TP.Đà Nẵng đã bước vào kì thi tốt nghiệp lớp 12 tại 26 HĐCT với 516 phòng thi. Trong đó hệ giáo dục trung học có 11.029 TS, hệ GDTX có 1.143 TS dự thi. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, trong buổi thi đầu tiên có 40 HS vắng thi, 45 HS được miễn thi nằm trong diện HS giỏi quốc gia, HS khiếm thị và đội tuyển thể dục thể thao quốc gia và 20 HS bảo lưu kết quả.
Ở buổi thi môn văn, theo nhận xét của phần đông HS, đề thi năm nay khá hay, nằm trong chương trình đã học, đặc biệt câu hỏi tự luận gắn với cuộc sống thực tiễn. Em Hoài Sa (Trường THPT Phan Chu Trinh) cho biết: “Mặc dù đề văn năm nay câu hỏi mở khá rộng nhưng hay và gắn với cuộc sống thực tế. Để đạt được điểm cao, các bạn HS ngoài kiến thức được học trong sách giáo khoa còn phải có vốn sống thực tế, biết quan sát xung quanh”. Còn em Nguyễn Thị Bách Nghĩa (Trung tâm GDTX quận Hải Châu) thì cho rằng: “So với các năm trước, năm nay TS hệ bổ túc được ngồi chung HĐT với hệ THPT nên tình hình thi rất nghiêm túc. Đề thi đúng với thực tế và kiến thức đã học nên không khó trong việc đạt điểm trên trung bình đối với HS khối A, B”.
Buổi chiều thi môn hóa học với đề thi trắc nghiệm 40 câu hỏi có thời gian 60 phút. Đa số TS đều cho rằng đề thi khá dễ thở, nằm trong chương trình đã học. Lượng nội dung đề thi vừa sức với HS có học lực trung bình, có thể làm được bài trên điểm trung bình. Em Phan Thị Hiền, TS tại HĐT Hoàng Hoa Thám (Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Năm nay em thi ĐH khối D nhưng với đề hóa chiều nay theo em tương đối dễ thở”.
Theo báo cáo từ Sở GD-ĐT Đà Nẵng, buổi chiều 2-6, ở hệ GDTX có thêm 5 em TS vắng thi, 22 TS bảo lưu điểm, 3 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi nhưng chưa sử dụng.
Cần Thơ: TS ngán môn hóa
Kỳ thi này Cần Thơ có 14 cụm thi trải khắp 9 quận – huyện, với 23 HĐT, tổng số 330 phòng thi.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo kỳ thi, buổi thi môn ngữ văn, khối giáo dục phổ thông có 7.790 TS dự thi, vắng 5 em, trong đó 1 trường hợp bị tai nạn giao thông, 3 trường hợp bị bệnh (tất cả đều xảy ra trước ngày thi), 1 trường hợp bỏ thi không lý do. Khối GDTX có 1.246 TS dự thi, vắng 34 TS, trong đó 19 trường hợp có điểm bảo lưu, số còn lại không lý do.
Với môn ngữ văn, khá nhiều TS làm xong bài trước khi đến 2/3 thời gian thi. Dù ra sớm hay nộp bài đúng giờ, hầu hết TS phấn khởi vì “Đề thi rất vừa sức”, một số câu nằm trong đề thi thử tốt nghiệp do Sở GD-ĐT vừa ra, số còn lại đa phần nằm trong học kỳ II, chương trình lớp 12. Nhiều TS đánh giá cao câu 2 viết bài văn về hành động dũng cảm của HS Nguyễn Văn Nam, đã hy sinh thân mình để cứu 5 em nhỏ khỏi đuối nước. Em Nguyễn Thị Phượng (lớp 12B13, Trường THPT Phan Ngọc Hiển) cho biết: “Em biết trường hợp của bạn Nam qua mạng. Khi làm bài em phân tích và đề cao tấm gương dũng cảm, quên mình để cứu người của bạn Nam…”. Tuy nhiên không ít TS chỉ mới biết về nhân vật Nguyễn Văn Nam qua đề thi này và các em khá lúng túng khi làm bài.
Kết thúc ngày thi thứ nhất, đa số TS đều nhận định: Đề thi vừa sức, tuy nhiên đề thi môn hóa có tính phân loại khá cao, chỉ những TS có học lực khá giỏi mới đạt điểm cao.
Nhóm PV
Thí sinh vi phạm quy chế thi giảm
Kết thúc ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cho thấy TS, giám thị vi phạm quy chế thi giảm.
Cũng theo báo cáo này, ngày đầu có 942.975 TS đến dự thi, đạt 99,67% so với tổng số TS đăng kí dự thi. Trong đó: Giáo dục THPT: 852.214, đạt 99,75%; GDTX: 90.761, đạt 98,97%.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Theo đánh giá chung ban đầu, đề thi môn ngữ văn và hóa học có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, vừa sức với TS, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ của TS. Đề thi môn ngữ văn tiếp tục được ra theo hướng mở, nhất là câu nghị luận xã hội được coi là thiết thực vì mang tính thời sự, có tính nhân văn cao, hướng TS đến những sự việc, những tính cách thiết thực nhất trong đời sống, đó là sự dũng cảm, góp phần xây dựng nhân cách cho TS.
Đối với công tác coi thi, các địa phương đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho kỳ thi, nhất là việc tổ chức quán triệt quy chế đến TS dự thi và cán bộ làm công tác thi, tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi. Không khí trường thi ở các HĐT trên phạm vi toàn quốc nhìn chung trật tự, an toàn. Những vi phạm quy chế thi đã được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc.
Trong ngày thi đầu tiên, không có hiện tượng ùn tắc giao thông, thời tiết mát, thuận lợi cho TS làm bài.
|
Nhận xét đề thi
Môn ngữ văn
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Trưởng bộ môn văn Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM):
Đề thi phù hợp trình độ HS
Đề thi môn ngữ văn năm nay phù hợp với trình độ HS và thực tế giảng dạy tại các trường phổ thông; kiến thức không quá khó đối với các em HS lớp 12. Câu 1 hỏi về chi tiết vòng hoa trên mộ người chiến sĩ Hạ Du có ý nghĩa khái quát rất lớn. TS phải trả lời được thái độ ngạc nhiên và bất ngờ của người mẹ khi thấy vòng hoa trên mộ đứa con trai mình và câu hỏi khắc khoải của người mẹ: “Thế này là thế nào?”… Câu 2 (nghị luận xã hội): Đây là đề thuộc dạng bàn về tư tưởng đạo lý. Cái hay của đề vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa giáo dục cao. Dạng đề này cũng phù hợp với đề nghị của GV dạy văn đối với Bộ GD-ĐT trong những năm trước là cần hạn chế ra đề về hiện tượng tiêu cực trong xã hội mà quan tâm hơn đến dạng đề giáo dục tư tưởng đạo lý, sống tốt và có ích trong xã hội. Có như vậy mới phát huy được tính sáng tạo của HS. Câu 3a dành cho chương trình chuẩn, tuy không bất ngờ nhưng khó hơn so với đề phân tích toàn bộ tác phẩm hay phân tích về nhân vật Mị. Nội dung đề chỉ hạn hẹp trong diễn biến tâm lý và hành động của Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm nên HS nào học bài hời hợt sẽ thiếu dẫn chứng và phân tích không đủ ý. Riêng câu 3b phân tích đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm tuy khó nhưng lại phù hợp với chương trình nâng cao. Đề bài không theo lối mòn phân tích 9 câu thơ đầu mà là phân tích đoạn thơ tiếp từ câu 10 trở đi vừa gây bất ngờ vừa phát huy được khả năng sáng tạo của HS. Nắm được nội dung chính của đoạn thơ: “Đất nước là gì?” thì các em sẽ phân tích được.
Thầy Bùi Cảnh Bộ (Tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):
Nhiều TS trúng “tủ”
Sau buổi thi, nhiều HS đã gọi điện cho tôi thông báo về tình hình đề thi và cho rằng mình trúng “tủ”. Thật ra, nội dung các câu trong đề thi tốt nghiệp năm nay không nằm ngoài “tầm ngắm” của GV nên các em đã được ôn tập kỹ lưỡng hoặc gặp trong các đề thi kiểm tra định kỳ, thi thử tốt nghiệp… Theo tôi, đề thi năm nay khá dễ nên điểm trung bình của TS thi môn này sẽ khoảng 6,5 điểm. Câu 1 là câu đã từng được gặp trong rất nhiều đề thi, kể cả đề thi tốt nghiệp THPT trước đây. Câu 3a, 3b có sự định hướng cụ thể trong từng câu và cũng là dạng đề thi quen thuộc nên hiện tượng TS lạc đề sẽ ít xảy ra, có chăng chỉ là những trường hợp TS học “rập khuôn” theo lối văn mẫu trong sách tham khảo. Câu 2 về phần nghị luận xã hội có phần lạ lẫm với nhiều TS và mang tính thời sự cao khi đề cập đến một tấm gương hi sinh bản thân mình để cứu người khác giữa dòng nước được các phương tiện truyền thông đăng tải cách đây không lâu. Câu này khá gần gũi với cuộc sống, dẫn chứng cũng đã có sẵn và TS phải phân tích được lòng dũng cảm, lòng nhân ái và tình yêu thương con người của nhân vật để từ đó đưa ra được bài học, ý thức trách nhiệm của bản thân mình. Cái hay của câu này là tạo ra nhiều cảm xúc tốt, ý tưởng tốt cho HS để làm bài, đánh động tình yêu thương, ý thức trách nhiệm của giới trẻ đối với xã hội hiện nay.
Môn hóa học
Có thể “gỡ” điểm cho các môn khác
Theo cô Lê Quỳnh Liên (Tổ trưởng Tổ hóa học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), đề thi môn hóa học năm nay tương đối dễ, phù hợp với đối tượng HS có học lực trung bình. Những em có học lực khá giỏi có thể đạt được điểm cao, thậm chí có thể “gỡ” điểm cho các môn khác. Đề không đánh đố, dễ hiểu. Tuy nhiên, có một số câu nếu TS không đọc kỹ, đọc “ẩu” sẽ dễ hiểu sai dẫn đến bị nhầm lẫn đáp án. So với đề thi năm ngoái, đề năm nay phần lý thuyết ra nhiều hơn nên những TS nắm chắc phần lý thuyết sẽ dễ dàng làm tốt phần này. Phần tính toán không đòi hỏi quá cao, thậm chí có những câu khi đọc xong, TS chỉ cần làm sơ qua một vài thao tác tính toán đơn giản là đã ra kết quả. Đề ra đúng cấu trúc do Bộ GD-ĐT yêu cầu về số lượng câu hóa học liên quan đến kinh tế xã hội, ô nhiễm môi trường…
Trong khi đó, thầy Cao Xuân Hùng – Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, Chủ tịch HĐT THPT Phước Long – nhận định: Đề thi năm nay vừa sức, có trọng tâm trọng điểm và không có câu hỏi nào thuộc dạng lắt léo hay đánh đố TS. Theo thầy Hùng, với đề thi như vậy thì số HS làm được điểm 8, điểm 9 sẽ không hiếm.
N.Q – N.Anh (ghi)
Bên lề
Thi xong vào bệnh viện cấp cứu
Trong buổi thi đầu tiên có trường hợp em Lê Thị Mỹ Tiên – TS thi tại HĐT Trường THPT Trần Phú (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bị suy nhược cơ thể, yếu hai chi dưới phải nằm điều trị nhiều ngày tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sáng 2-6, Tiên được phụ huynh đưa đến điểm thi cùng giấy tờ của bệnh viện để xin miễn thi nhưng không được chấp nhận nên em phải vào phòng thi. Do tình trạng sức khỏe yếu nên em chỉ làm bài được vài chục phút, ngay sau buổi thi kết thúc người nhà đã gọi taxi đưa em trở lại bệnh viện trong tình trạng đuối sức, có dấu hiệu ngất xỉu. Ông Đặng Hùng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết nếu TS này nằm trong diện quy chế thi quy định thì sẽ được đặc cách thi tốt nghiệp.
“Phao” đầy sân trường
Tại HĐT Trường THPT Thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), sau buổi thi môn ngữ văn “phao” thi được rải trắng từ sân ra ngoài cổng trường và các ngả đường xung quanh trường. Có TS khi ra khỏi cổng trường mà trên tay vẫn còn cầm “phao” thi. Ngay khi TS vừa rời khỏi phòng thi, nhân viên làm vệ sinh đã nhanh chóng tỏa đi các nơi thu dọn hết tài liệu, “phao” thi do TS vứt lại.
V.Yên – PV
|
Bình luận (0)