Phần đông giáo viên đều cho rằng: Chỉ có đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) mới nâng được chất lượng đào tạo. Nhưng đổi mới như thế nào và bắt đầu từ đâu? Đánh giá một giáo án, một giờ dạy theo đổi mới PPDH dựa vào tiêu chí nào là chính?… Còn rất nhiều điều để bàn thảo.
Câu chuyện về đổi mới PPDH thật sự nan giải, không thể là câu chuyện của ngày một ngày hai là có thể giải quyết để có kết quả tốt đẹp được. Trong quá trình thực hiện, theo chúng tôi, một nội dung cơ bản cần được chú ý chính là nhân vật trung tâm của quá trình dạy học, đó là người học (học sinh).
1. Trong lịch sử giáo dục, lịch sử dạy học đã có thời kỳ chúng ta hiểu một cách đơn giản máy móc coi người học như “cái bình chứa kiến thức” cho nên khi dạy đã nhồi nhét, áp đặt kiến thức cho họ. Đương nhiên như vậy sẽ không thể nâng cao được chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục.
Học tập là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung trau dồi kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích của con người để từ đó hình thành và phát triển nhân cách của mình. Khác với cách học thụ động, học tập chủ động là quá trình người học tìm tòi, khám phá, phát hiện, kiến tạo, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin. Trong quá trình đó người học tự hình thành hiểu biết, năng lực và phẩm chất nhân cách của mình một cách đúng đắn, cao đẹp. Ngoài ra, học tập chủ động sẽ giúp người học có nhiều khả năng, nhiều phương án lựa chọn và giải quyết những nội dung kiến thức phù hợp, không viển vông xa rời thực tế, không thuộc lòng chữ nghĩa theo kiểu lý thuyết suông. Mục đích học tập của người học rất rõ ràng: Học để có được các năng lực và các kỹ năng trong cuộc sống, làm việc, ứng xử, giao tiếp và hòa nhập; học để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) được chia nhóm để thảo luận. Ảnh: D.Bình |
2. Để hình thành phương pháp học tập tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh, chúng ta cần tổ chức hoạt động nhận thức cho các em trong quá trình dạy học. Nên nhớ người học trong thời đại ngày nay khác xa với người học cách đây vài thập kỷ. Vì vậy ngày nay, quá trình dạy học chủ yếu không phải truyền thụ kiến thức và chứng minh chân lý có sẵn mà quá trình dạy học về bản chất, là quá trình tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh. Dạy học là dạy học sinh cách tìm ra chân lý, dạy họ phương pháp suy nghĩ tìm tòi, khám phá; dạy họ cách tự học, tự học suốt đời. Học sinh ngày nay với thế giới nội tâm vô cùng phong phú, đa dạng, nhạy cảm các em tiếp nhận thông tin bằng nhiều cách nhiều con đường nên dễ bị ức chế khi học thụ động. Do đó, dạy học là thắp sáng ở người học những chân trời mới mẻ chứ không phải là nhồi nhét kiến thức một cách nhàm chán.
Vì thế cần sử dụng PPDH tích cực. Bởi PPDH tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy. Tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực hơn nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động. Ví dụ như phương pháp vấn đáp tuy không mới nhưng nếu như trước đây chỉ có học sinh trả lời thì hiện nay các em có thể tranh luận, bàn thảo, trao đổi với nhau và với cả giáo viên. Nhờ tranh luận, trao đổi học sinh sẽ lĩnh hội được nội dung bài học sâu sắc. Khi kết thúc đàm thoại, học sinh có được niềm vui, sự hứng khởi của việc khám phá, trình độ tư duy của họ được phát triển thêm một bước.
3. Để hoạt động học tập không bị khô cứng, máy móc có thể thay đổi không gian và thời gian của lớp học tùy theo nội dung cụ thể của bài học. Giờ học có thể được tổ chức trong viện bảo tàng, trong thư viện, nhà lưu niệm danh nhân, đài tưởng niệm anh hùng, danh lam thắng cảnh hoặc gặp gỡ những nhân chứng sống của những sự kiện trọng đại, gặp gỡ người tốt việc tốt…, nói chung là những nơi gắn với thực tế cuộc sống nhất. Giờ học như vậy sẽ rất thân thiện với học sinh, tạo sự thoải mái không bị gò bó; nhờ vậy các em hứng thú hơn trong tiếp nhận khám phá tri thức. Bên cạnh đó, việc tự học và học ở nhà của học sinh trên tinh thần tự giác cũng phải được mở rộng và linh hoạt hơn.
PGS.TS Nguyễn Gia Cầu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2)
Bình luận (0)