Những ngày trước Festival di sản Quảng Nam 2017, Thánh địa Mỹ Sơn tấp nập đón du khách ghé thăm. Sự gia tăng về lượt khách là minh chứng cho điểm đến di sản đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, để du khách dừng chân lâu hơn với điểm đến này, một hướng mở du lịch cộng đồng với nhiều dịch vụ lưu trú, vui chơi, thưởng thức đặc sản, quà lưu niệm… là điều không thể thiếu!
Du khách thư giãn ở homestay sau khi thăm thú Thánh địa Mỹ Sơn |
Điểm đến hấp dẫn
Mỹ Sơn cao điểm mùa du lịch, mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách tìm về thăm thú, thưởng ngoạn khung cảnh thâm nghiêm với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chăm Pa giữa bốn bề khung cảnh núi non hùng vỹ. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý di tích Thánh địa Mỹ Sơn phấn khởi cho biết, lượng khách đến Mỹ Sơn 5 tháng đầu năm 2017 tăng hơn so với cùng kỳ là 10,2% (tổng lượt khách 5 tháng là 161.885 lượt). Con số ấy không khô khan khi nó là minh chứng cho sự hấp dẫn của di tích ngàn năm tuổi. Ông Hộ nói, để bảo tồn, gìn giữ một di sản quý đó, Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn luôn làm tốt công tác bảo vệ, gìn giữ, không để sự xâm hại của tự nhiên, của động thực vật, của con người vào di tích, thường xuyên chăm sóc, gia cố, chống xuống cấp các công trình tháp có tuổi hàng ngàn năm. Ban quản lý cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong nước và quốc tế để thực hiện trùng tu di tích, như: hợp tác với Italia trùng tu nhóm tháp G; hợp tác với Ấn Độ để tiến hành khai quật và trùng tu các nhóm tháp K, H, A… Điểm đặc biệt nhất, mới đây, trong quá trình khai quật, các chuyên gia Ấn Độ đã phát hiện nhiều hiện vật trong đó có 2 hiện vật mang hình nhân sư và đường dẫn được nhận định là con đường chính ngày xưa các vị vua và các chức sắc quan trọng đi vào khu đền thờ chính để hành lễ, đây là những phát hiện mới được xác định là rất quan trọng. “Khách đến Mỹ Sơn thời gian trở lại đây tăng cao là nhờ có ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam và chất lượng hạ tầng dịch vụ Mỹ Sơn được cải thiện”, ông Hộ phân tích.
Hướng đến du lịch cộng đồng
Ngay trên con đường bê tông dẫn vào khu di tích, tấm biển khu du lịch văn hóa cộng đồng lôi cuốn sự chú ý của ai từng đặt chân đến nơi này. Giữa những hàng cây xanh mát, tiếng lá cây đan vào nhau hòa lẫn tiếng ve ngân như bản hòa tấu say đắm lòng người, những ngôi nhà có tấm biển homestay gắn ở ngay đầu ngõ tạo nên cảm giác yên bình như được trở về chính ngôi nhà của mình. Dòng chữ “Hy Hy” được tạo nên bằng nét vẽ chân phương ở cổng ngôi nhà cuối dãy du lịch homestay của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ – người từng có nhiều năm tháng gắn bó với Mỹ Sơn tạo nên sự khác biệt. Ông hồ hởi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng qua gian nhà mái lá, giới thiệu nét đặc trưng ấn tượng. Ngôi nhà được làm bằng mái lá tranh và đất nện vào độ miền Trung gay gắt nắng, không cần đến chiếc điều hòa vẫn mát rượi. Không gian homestay mở nằm phía Nam gian nhà chính để du khách lưu trú. Khoảng sân thoáng mát, xanh rượi cỏ cây, hoa lá. Gian bếp tách biệt lùi về phía sau ngôi nhà tạo nên niềm xưa cổ cho ai muốn tìm lại cảm giác thời nhà tre lá đầy kỷ niệm. Xưởng vẽ cũng là điểm đến cho du khách muốn một lần thử làm họa sĩ hoặc ngắm đôi tay tài hoa của người họa sĩ thực thụ đặt những nét vẽ điêu luyện trên các chất liệu giấy. Ông Hỷ bảo, điều đặc biệt nhất ở ngôi nhà homestay không chỉ là tranh tre mái lá mà còn ở nền đất nện, cánh cửa liếp chống lên hạ xuống bằng khúc tre đỡ cánh cửa. 5 năm để hoàn thành một ngôi nhà, ông Hỷ dường như đi trước tầm nhìn về một không gian mở để níu chân du khách ở lại với Mỹ Sơn. Tình yêu của người từng có thâm niên hàng chục năm gắn bó với từng viên gạch, tấc đất của Mỹ Sơn để trùng tu, tôn tạo âm thầm nhưng có chiều sâu.
Thánh địa Mỹ Sơn được tạo lập suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến XIII). Kiến trúc, nghệ thuật được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Angkor, Pagan, Borobudur. Ông Kazik – kiến trúc sư người Ba Lan nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn từng nói rằng: “Người Chăm Pa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ – thâm nghiêm – hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại”. |
Cùng với công tác tổ chức chương trình huyền thoại Apsara ở Mỹ Sơn phục vụ du khách dịp festival, ông Hộ cho biết, để du khách ở lại với Mỹ Sơn lâu hơn thì hướng ra cộng đồng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Ban quản lý di sản. Ban quản lý đang điều chỉnh, xây dựng hạ tầng ngoài vùng lõi của di tích với mục đích đưa du khách đến gần cộng đồng, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia dịch vụ du lịch; xây dựng tuyến du thuyền trên sông Thạch Bàn, kết nối với các di tích vùng lân cận Mỹ Sơn. “Làm được điều đó, cộng đồng sẽ có nhiều cơ hội tham gia và chia sẻ lợi ích từ quá trình phát triển du lịch”, ông Hộ nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)