Trong những năm qua, nhiều vụ TNGT đã xảy ra, thậm chí nhiều vụ gây thương vong về người do thiếu kỹ năng thực hành nên thay vì đạp phanh (thắng) thì người điều khiển lại đạp nhầm chân ga gây ra tai nạn đáng tiếc.
Gây tai nạn vì non kinh nghiệm
Theo thông tin từ người nhà của tài xế Võ Văn Răng báo cáo với cơ quan chức năng mới đây thì việc bỏ lái xe trong thời gian dài là nguyên nhân khiến anh lúng túng khi xử lý tình huống và gây ra vụ TNGT nghiêm trọng vào ngày 31-5 vừa qua. Mặc dù là chủ xe nhưng do ngày 31-5 công ty thiếu tài xế nên ông Răng mới chạy thay. Hôm đó khi đang điều khiển xe container BKS 51C-181.44 kéo theo rờ moóc có container rỗng loại 20 feet xuống dốc cầu vượt Linh Xuân (quận Thủ Đức), ông Răng đã cài số 5 cho xe đổ dốc với tốc độ 60km/giờ. Tuy nhiên, vì lâu ngày không lái xe container và mọi thao tác không còn thành thục nên khi va chạm vào xe tải BKS: 60C-132.87, ông Răng đã quýnh quáng trong cách xử lý nên thay vì đạp chân phanh, ông lại đạp vào chân ga, tạo nên cú tông trực diện cực mạnh khiến chiếc xe ô tô 4 chỗ BKS 51A-933.99 đang dừng chờ đèn đỏ bẹp dúm, làm 5 người trong xe này tử vong.
Cũng vì mới làm quen với việc điều khiển xe ô tô hơn một tháng, nên vào tối ngày 10-2, tài xế Nguyễn Duy Tân (SN 1990, ngụ huyện Nhà Bè) đã gây tai nạn liên hoàn tại Sân bay Tân Sơn Nhất khiến 11 người bị thương, 5 người bị thương nặng, và 1 trường hợp tử vong. Vụ việc xảy ra lúc Tân định xuống xe để mở cửa cho ca sĩ Hồ Ngọc Hà và xách hành lý cho vào xe, nhưng lại quên không gạt cần số về P (tức về chế độ dừng, đỗ) và quên cài thắng tay, nên sau khi tài xế này đã đưa được một ít hành lý vào cốp thì phát hiện xe vẫn chạy chậm về phía trước. Thấy vậy Tân vội quay về vị trí lái rồi dùng chân đạp thắng nhưng lại đạp nhầm chân ga khiến chiếc xe nhào lên phía trước đâm vào 2 xe ô tô và nhiều người gây hậu quả nghiêm trọng.
Người lái mới cần thực hành cho thuần thục trước khi lưu thông vào đường dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông |
Cần những bài học thực hành
Đó là lời khuyên của nhiều chuyên gia dạy lái xe ô tô dành cho những người mới biết lái hoặc đã biết lái xe nhưng gián đoạn việc điều khiển xe trong thời gian dài. Theo đó, bài tập đầu tiên là Tập phản xạ thay đổi chân ga – phanh. Tuy nhiên, bài học này cần được thực hành ở bãi tập hoặc khu vực đất trống, không có người tham gia giao thông. Trước tiên, người lái cần đỗ xe tại một vị trí với chế độ số P và chọn tư thế lái thoải mái, thả lỏng người, sau đó dùng chân phải điều khiển chân ga theo từng hiệu lệnh: Tăng ga đều và nhẹ, thốc ga (tăng ga nhanh)… để có được cảm giác về điều khiển chân ga. Điều quan trọng nữa mà người lái luôn luôn phải nhớ một cách chính xác là dùng duy nhất chân phải để thay đổi chân ga, phanh theo hiệu lệnh: Ga, phanh… ga – ga, phanh, ga… lúc đầu nhịp đều, sau tăng nhanh tốc độ khẩu lệnh và các nhịp bất ngờ. Bài tập này giúp người mới lái phản xạ nhanh với việc điều khiển chân ga, chân phanh.
Bài tập quan trọng tiếp theo là Tăng tốc và phanh trên đường thẳng. Bài tập này yêu cầu người mới lái tạo thói quen khi di chuyển chậm thì luôn đặt chân phải lên bàn đạp phanh. Vì xe số tự động sẽ “tự bò” với tốc độ khoảng 15-20km/giờ khi người lái không tác động vào bàn đạp ga. Mục đích thói quen này giúp người lái kiểm soát xe khi qua đám đông, ngõ nhỏ an toàn hơn và lỡ có luống cuống thì cũng đạp vào bàn đạp phanh, giúp giảm thiểu rủi ro. Khi đã quen với việc điều khiển xe tốc độ chậm, người điều khiển xe sẽ tập tăng tốc dần đều rồi rà phanh đến khi xe dừng hẳn; tăng tốc nhanh (đạp ga mạnh) lên tốc độ 60-80km/giờ rồi đạp phanh “sát sàn”. Mục đích là để người lái không sợ tiếng lốp miết “ken két” trên mặt đường, và bài học thực hành này giúp người lái quen dần với việc ga, phanh thành thạo.
Bài tập quan trọng cuối cùng là Đánh lái và điều khiển xe zig-zắc. Tuy nhiên bài thực hành này cần được tập trên đường thẳng, đủ rộng và không có người lưu thông. Lúc này, người tập lái sẽ được hướng dẫn điều khiển xe đi theo đường zig-zắc với tốc độ chậm khoảng 20km/giờ và tăng dần lên tùy vào mức độ tự tin của người tập lái.
Bài, ảnh: Bích Vân
Quy định của pháp luật Luật sư Đặng Văn Cường trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, thiệt hại để phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 202 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là làm chết một người; gây tổn hại cho sức khỏe của 1-2 người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 31% nhưng tổng tỉ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41-100%…; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Cũng theo quy định của pháp luật, chủ xe ô tô cũng phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ xe có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã giao xe cho người tài xế quản lý, sử dụng thì người tài xế đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định tại điều 623 Bộ luật Dân sự. |
Bình luận (0)