Sau khi đọc bài “Thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn từ năm 2025: Hết thời ôn tủ, đoán đề” (Tạp chí Giáo dục TP.HCM ngày 17-7-2024), tôi xin có vài lời trao đổi thêm về vấn đề này.
Chuyện giáo viên, học sinh ôn tủ, đoán đề có từ khi Nhà nước tổ chức thi tốt nghiệp THPT; nghĩa là có từ rất lâu và hàng năm trước mỗi kỳ thi, các “cao nhân” thường phán những lời có cánh rằng sẽ thi “truyện này, không thi bài thơ kia” làm cho học sinh lắm phen lâm vào “mê hồn trận”, thiếu tự tin. Chương trình mới nhằm phát huy trí lực, làm chủ kiến thức, tự vận động của học sinh trong quá trình chiếm lĩnh tác phẩm. Nhưng làm thế nào để các em yêu thích bộ môn ngữ văn, đam mê cùng tác phẩm… lại là chuyện khác! Bởi phần nhiều học sinh, dưới sự tác động của “đầu ra”, của phụ huynh nên thường coi chuyện học môn ngữ văn là học “cho có”, chẳng làm ra “cơm áo gạo tiền” sau này. Một giáo viên môn toán còn nói với học sinh là “chỉ cần học các bộ môn tự nhiên cho giỏi, còn môn ngữ văn thì viết chừng hơn gang tay là thoát điểm liệt rồi” (?!).
Tưởng không còn đề mẫu, văn mẫu khi thực hiện chương trình mới nhưng nó vẫn còn tồn tại, còn đất sống vì đáp ứng được nhu cầu đoán đề, học tủ đã ăn sâu vào suy nghĩ của học sinh. |
Theo phương pháp giảng dạy mới, giáo viên sẽ ra câu hỏi làm chuyên đề, làm bài tập theo nhóm cho học sinh ở nhà. Đến lớp sẽ trình chiếu, trong nhóm thay phiên trình bày nội dung; các nhóm khác góp ý và cuối cùng giáo viên chốt lại, nhận xét ưu, khuyết về nội dung và hình thức trình bày của nhóm. Vấn đề đặt ra là những kiến thức mà học sinh trình bày được “chắp nhặt dông dài” trên mạng, không phải là kiến thức của các em suy nghĩ ra. Nói cách khác là học sinh làm bài tập, chuyên đề mang tính đối phó chứ không phải thực tâm học thật! Vì vậy, bài giảng môn ngữ văn bây giờ giống như một bài giảng một bộ môn tự nhiên; chỉ thấy trên bảng câu trả lời đúng, sai chứ không còn sự cảm thụ, sự rung động trước một số phận nhân vật, trước một câu thơ hay của thầy cô cũng như của học sinh. Bài giảng bị xé vụn bởi hệ thống câu hỏi từ đầu đến cuối; không dành chỗ cho sự bình giảng (có mức độ) của thầy cô như ngày xưa. Môn ngữ văn dạy như thế, học như thế thì còn gì đặc trưng bộ môn nữa! Mặt khác, hiện trên internet xuất hiện nhiều trang mạng xã hội quảng cáo bán sách giải đề văn mẫu phục vụ kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 như “100 đề tham khảo thi môn văn 2025”, “Giải đề thi văn 2025”, cam kết sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa…
Tưởng không còn đề mẫu, văn mẫu khi thực hiện chương trình mới nhưng nó vẫn còn tồn tại, còn đất sống vì đáp ứng được nhu cầu đoán đề, học tủ đã ăn sâu vào suy nghĩ của học sinh. Việc đoán đề, học tủ nhiều khi “phước chủ may thầy” thì trúng tủ, đúng đề như trước đây vì trở đi trở lại chỉ có chừng đó tác phẩm, đoạn trích… Bây giờ, tuy mông lung nhưng bản chất đoán đề, học tủ không dễ gì chấm dứt một sớm một chiều mà phải có thời gian. Chừng nào học sinh tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc; sự thấu hiểu, đồng cảm qua từng tác phẩm trong nhà trường, ngoài nhà trường thì khi ấy các em sẽ luôn tự tin, chủ động, không ngại tác phẩm trong hay ngoài chương trình.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)