Sự kiện giáo dụcTin tức

Để giảm áp lực và tăng hứng thú học tập

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đang vào đợt cao điểm nâng cao chất lượng dạy và học nhằm đạt kết quả cao nhất trong năm học này. Chỉ còn mấy tuần nữa để tập trung cho việc dạy học, sau đó là thời gian ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi, nhất là học sinh lớp 12 thì cần thời gian ôn luyện nhiều hơn và sớm hơn. Hiện tượng học sinh căng thẳng và bị stress phải nhập viện tăng dần. Cũng đã có thư của học sinh kêu cứu nhà báo vì cha mẹ, hoặc thầy cô ép buộc học nhiều…
Việc học là nhiệm vụ chính của học sinh. Đó cũng là quyền cơ bản của các bạn trẻ. Đã đến trường thì phải học cho tốt, kiểm tra hoặc thi thì phải đậu. Không thể vì một lý do nào đó mà miễn trừ việc học của học sinh. Việc học là vì tương lai sự nghiệp của các em sau này. Vấn đề là học thế nào cho đúng cách, đạt hiệu quả mà không bị căng thẳng, không bị stress. Muốn vậy thì phải thực hiện một số biện pháp nhằm tăng hứng thú trong học tập và giảm áp lực, căng thẳng tâm lý.
Muốn vậy thầy cô giáo và cha mẹ phải hiểu biết tâm lý và phương pháp tác động, không thể ra lệnh ép buộc một chiều. Các bạn trẻ cũng phải có ý thức cầu tiến, cũng phải cảm thông với những lo lắng, ưu tư của thầy cô, cha mẹ trước sự học và tương lai của mình. Nếu các bạn xây dựng được phương pháp tự học tốt, có nền nếp học tập tốt thì thầy cô, cha mẹ rất yên tâm, đâu có ép buộc điều gì phải không?!
Việc học là hoạt động tự thân vận động. Muốn hứng thú thì phải tự mình đặt mục tiêu để vươn tới. Mỗi môn học, bài học đều có yêu cầu mục đích thể hiện bằng hệ thống các bài tập. Các em cần đặt mục tiêu là giải các bài tập đó trong mỗi ngày, mỗi giờ… chẳng hạn. Hoàn thành được mục tiêu thì tự nhiên sẽ có cảm giác khoan khoái, hứng thú. Mà muốn giải được bài tập thì phải có cách. Thầy cô dạy bộ môn cần hướng dẫn phương pháp học bộ môn cho học sinh. Phàm làm việc gì cũng cần từ dễ đến khó, từ ít tới nhiều, phải nắm lý thuyết, công thức… thì mới làm được bài tập nhanh. Muốn nhớ thì phải ôn đi ôn lại nhiều lần; làm bài tập hoài thì quen và trở nên dễ dàng.
Tuy nhiên việc giảm căng thẳng trong học tập cũng còn lệ thuộc nhiều yếu tố: xây dựng thời khóa biểu học ở trường và ở nhà cho thật hợp lý; kết hợp việc học với việc giải trí, ăn uống và nghỉ ngơi, có kỹ năng học nhóm… Cũng nên thống nhất một điều giữa cha mẹ, thầy cô và bạn trẻ rằng việc học thêm là cần nhưng không quyết định hiệu quả bằng việc tự học. Ngoài giờ học chính thức ở trường, học sinh tự học ở nhà, làm hết các bài tập trong sách giáo khoa và thầy cô yêu cầu là cách tốt nhất. Cha mẹ không nên bắt con em “chạy sô” học thêm hết chỗ này sang chỗ khác, không kết quả mà có khi tạo nên áp lực, quá tải gây ra hội chứng tâm lý bất lợi cho bọn trẻ.
Mùa thi, mùa kiểm tra cuối năm gần kề. Các trường đang “tăng tốc” ôn luyện. Cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào sức học của con cái là đúng nhưng không nên biến “ước mơ” chủ quan của mình thành “bi kịch” nơi con em.
Pháp Đức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)