Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để giảm thiểu đạt điểm cao nhờ ăn may

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia, về mặt lý thuyết, xác suất gặp may trong hình thức thi trắc nghiệm có thể lên đến 25%. Tuy nhiên, nếu có kỹ thuật ra đề tốt thì có thể giảm thiểu tỷ lệ ăn may.
Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đừng “trắc nghiệm hóa” câu hỏi tự luận
Theo các nhà chuyên môn, phần các câu hỏi khó trong đề toán năm nay quá khó không phải bởi nội dung cao siêu mà chủ yếu là do đòi hỏi thời gian để giải quá dài, so với mức thời gian bình quân 1,8 phút/câu hỏi mà thí sinh (TS) được phép làm, và cách hỏi thực chất là “trắc nghiệm hóa” những câu hỏi tự luận.
“Số câu không phải là câu hỏi thi trắc nghiệm chiếm tỷ lệ quá nhiều. Những người ra đề thi đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm mà thôi!”, tiến sĩ Lê Thống Nhất, một chuyên gia trong lĩnh vực toán phổ thông, nói. Cũng theo ông Nhất, việc đề quá khó là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng điểm cao nhờ ăn may rộ lên trong kỳ thi năm nay.

GS Lâm Quang Thiệp, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về phương thức thi trắc nghiệm, cũng nhận định đã tổ chức thi trắc nghiệm là phải đối mặt với những kết quả thi có được dựa vào sự đoán mò. Để tránh hiện tượng đoán mò thì không nên ra những câu ra quá khó so với trình độ của TS. Nhìn chung, đề thi phải vừa sức với TS, không được quá khó.
“Với những câu quá khó, TS vẫn đánh dấu vào, phần lớn là đánh bừa. Vì thế trúng trật với những câu này phần nhiều là do đoán mò. Đề thi môn toán của ta có những câu đòi hỏi người học giỏi phải làm 15 phút mới xong. Việc ra những câu hỏi kiểu như thế rất không phù hợp với nguyên tắc ra đề thi trắc nghiệm”.
Đỗ Xuân Long, học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét: “Chúng em cũng xác định đã thi trắc nghiệm là có tỷ lệ lớn may rủi, các kỳ thi chuẩn hóa của quốc tế cũng thế thôi. Nhưng có hai vấn đề, thứ nhất là kết quả các kỳ thi đó không được là yếu tố quyết định. Thứ hai, đề của họ không khó như của ta. Vừa qua, thầy Trần Nam Dũng (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã trưng ra cho giới yêu toán phổ thông 10 câu khó nhất của đề thi SAT, bọn em đọc đề thì thấy 10 câu đó hoàn toàn không khó như đề của mình”.
Kỹ thuật ra đề trắc nghiệm
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên, một chuyên gia nghiên cứu giáo dục, đúng là lý thuyết khảo thí cho thấy tỷ lệ ăn may có thể lên tới 25% với phương thức thi trắc nghiệm. Những vấn đề này đã được các nhà khoa học về đo lường giáo dục quốc tế phân tích nhiều. Do vậy, những nước chấp nhận tổ chức thi trắc nghiệm trong những kỳ thi có tính chất xét tốt nghiệp đều hiểu rằng họ phải đối mặt với thực tế đó. Đổi lại, họ sẽ có một kỳ thi nhẹ nhàng, tiết kiệm chi phí, dễ tổ chức, dễ chấm.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tự, Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ, Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng nếu Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục thi theo hình thức trắc nghiệm thì nên học kiểu cho điểm của TOEFL. Nghĩa là không chia đều điểm cho các câu mà chia theo thang điểm, những câu đúng phía sau có ý nghĩa hơn nhiều so với những câu dễ phía trước. Cách cho điểm này là để phục vụ mục đích phân loại nhằm tuyển đầu vào ĐH. Và quan trọng là cần đa dạng hóa bộ đề.
 
GS Lâm Quang Thiệp thì băn khoăn: “Có một cách thức thi trắc nghiệm giảm thiểu khá tốt việc tích bừa của thí sinh, đó là thí sinh tự điền kết quả. Nghĩa là sau mỗi câu hỏi người ta không cho sẵn phương án nào, tự thí sinh phải viết ra kết quả theo tính toán của mình. Phương thức này vẫn dùng máy để chấm, vì đã có cách xử lý kỹ thuật cho kiểu làm bài này. Trong 40 – 50 câu của một đề thi chỉ cần 10 câu loại này thôi”.
Quý Hiên/TNO

 

Bình luận (0)