Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Để giáo dục thực sự là hoạt động “chuẩn bị lớp người thay thế”!

Tạp Chí Giáo Dục

Cô trò Trường THPT Gia Định  (TP.HCM) chụp hình lưu niệm trong giờ học cuối năm của học sinh lớp 12. Ảnh: A.Khôi

Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục thống nhất rằng, trong nhiều chức năng, giáo dục có một chức năng rất quan trọng là “chuẩn bị lớp người thay thế”, mà lớp người mới này được đòi hỏi là có những phẩm chất tốt hơn so với các thế hệ trước, phù hợp hơn với sự vận động của xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển đất nước, phát triển nhân loại. Đó là yêu cầu về thể chất, thể trạng, năng lực, sự thích nghi… Chẳng hạn, thế hệ tương lai được mong muốn là cao hơn, khỏe hơn, nhanh hơn, có kiến thức toàn diện hơn, có kỹ năng tốt hơn, có thể làm việc ở nhiều điều kiện khác nhau… Thí dụ về thể trạng, theo một nghiên cứu được Hiệp hội ADN Đông Nam Á công bố năm 2014, chiều cao trung bình của người Việt Nam xếp gần áp chót trong khu vực ASEAN, với chiều cao trung bình của đàn ông là 1,62m, thấp hơn 2cm so với chiều cao trung bình của khu vực Đông Nam Á; chiều cao trung bình của phụ nữ là 1,52m, kém chiều cao trung bình của khu vực 1cm. Vì vậy, hiện đã có một đề án nâng cao tầm vóc người Việt với chiều cao trung bình tăng thêm 2,5-3,5cm vào năm 2030, tức là sẽ có một thế hệ cao hơn thế hệ hiện tại đáng kể. Chiều cao tốt hơn không phải chỉ để đi thi đấu các môn thể thao, mà đó là một biểu hiện của tình trạng sức khỏe tốt hơn, từ đó lao động có năng suất và hiệu quả tốt hơn.

Với rất nhiều yêu cầu như thế thì việc chuẩn bị cho thế hệ tương lai phải được thực hiện một cách chủ động, tích cực và phải thực sự có hiệu quả. Trách nhiệm của giáo dục quả là rất to lớn, nặng nề. Như về thể trạng, trong vòng 40 năm qua, tính bình quân, chiều cao trung bình của người Việt tăng 1cm sau mỗi 10 năm, nhưng cũng có thời kỳ không tăng (như thời kỳ 1975-1985, thậm chí chiều cao nam giới còn sụt giảm chút ít), là mức tăng khá chậm so với dân cư của nhiều nước khác. Trong 4 yếu tố chủ yếu tác động đến chiều cao là di truyền, dinh dưỡng, vận động và môi trường sống thì 3 yếu tố sau ít nhiều có liên quan đến trách nhiệm của giáo dục. Bởi nhà trường là nơi dạy cho trẻ có hiểu biết nhất định về dinh dưỡng, đồng thời là nơi tổ chức bữa ăn cho một bộ phận đáng kể trẻ em; là nơi chủ yếu giúp trẻ rèn luyện thân thể và góp phần tạo một môi trường sống lành mạnh.

Ở các yêu cầu khác về trình độ, kỹ năng, phẩm chất về đạo đức, sự thích nghi…, nhà trường cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trên thực tế, thời gian qua, chúng ta có thể nhận thấy rằng giáo dục Việt Nam chưa thực sự chuẩn bị lớp người thay thế có hiệu quả. Về trình độ, thì số người và tỉ lệ người có trình độ học vấn cao ngày càng tăng (trong đó có trình độ đại học và sau đại học) nhưng kỹ năng làm việc thì vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Một bộ phận đáng kể học sinh hiện nay được cho là học rất tốt nhưng thiếu kỹ năng sống trầm trọng, nhiều em không có khả năng tự phục vụ, không tự thích nghi được với cuộc sống, không biết cách vượt qua khó khăn nếu không có người giúp đỡ… Học sinh được dạy kiến thức nhiều nhưng kiến thức đó ít nhiều chưa gắn với đời sống thực tế, chưa nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống. Lối sống văn hóa, đạo đức làm người của học sinh chưa được chú trọng giáo dục một cách đúng mức nên hiện tượng thanh niên hung hãn, thiên về sử dụng bạo lực… diễn ra khá phổ biến, trong ứng xử có một số không ít thanh niên chưa kính trọng người lớn tuổi… Các đức tính nhân ái, trung thực, giữ lời hứa, có trách nhiệm… hình như chưa được dạy đầy đủ nên các ứng xử của giới trẻ hiện nay dễ bị cho là vô cảm, vị kỷ, thiếu trách nhiệm cả với bản thân và gia đình, xã hội… Việc cảm thụ cái hay, cái đẹp, thái độ trước cái xấu, cái ác… cũng chưa được giáo dục đầy đủ nên có hiện tượng “phát cuồng” trước cái “độc”, cái “lạ” trong khi nó chẳng có gì hay hoặc có ích…

Ngay cả về các kiến thức cần thiết để thích nghi với cuộc sống hiện đại, một bộ phận thanh niên, học sinh vẫn còn chưa có được một nền tảng thực sự vững chắc, như kiến thức về kỹ thuật, ngoại ngữ, pháp luật… Thậm chí ngành giáo dục cũng chưa nhất quán trong việc dạy, thi ngoại ngữ; nhiều người học ngoại ngữ nhưng số người sử dụng tốt một ngôn ngữ nào đó thì lại không nhiều; một số người học tiếng nước ngoài thiên về sử dụng “món” một cách thực dụng, ít chú trọng học một cách căn cơ… Sinh viên khá nhiều ngành khi ra trường phải mất một khoảng thời gian khá dài để tự học, để tiếp cận và thích nghi hoặc phải được đào tạo lại mới có thể làm việc được. Hay kỹ năng làm việc nhóm, một yêu cầu cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại, thì lại ít được giáo dục, rèn luyện đầy đủ nên khả năng phối hợp, chia sẻ còn hạn chế…

Để chuẩn bị cho một lớp người thay thế, giáo dục cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để người học nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng có sự phát triển một cách cân đối, hài hòa các phẩm chất của nhân cách, như tư tưởng, chính trị, đạo đức, kiến thức, kiến thức văn hóa có hệ thống, năng lực hoạt động trí tuệ, kỹ năng, kỹ xảo và lao động có kỹ thuật, năng lực thưởng thức và sáng tạo thẩm mỹ trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động nghệ thuật nói riêng, sức khỏe và khả năng vận động… Do đó, cần một chiến lược giáo dục phù hợp, trong đó với những đối tượng và mục tiêu khác nhau thì cần những giải pháp khác nhau phù hợp. Có như vậy mới có một lớp người thay thế xứng đáng cho dân tộc, cho đất nước!

ThS. Nguyễn Minh Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)