Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Để Gis gần đời sống hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là thông điệp của Hội thảo Ứng dụng Gis trong nghiên cứu quản lý tài nguyên và môi trường lần đầu tổ chức tại Huế trong hai ngày 15-16/11, thu hút gần 30 báo cáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ ba miền.

Hội thảo này đặt tiền đề cho Hội thảo Gis quốc tế năm 2010 tại Việt Nam, đồng thời định hướng cho tương lai về nâng cao năng lực ứng dụng Gis trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Theo Tiến sĩ Hà Văn Hành, ĐHKH Huế: “Các tham luận đã chú trọng tính ứng dụng của công nghệ Gis không chỉ ở lĩnh vực tự nhiên mà còn ở lĩnh vực xã hội. Công nghệ Gis không chỉ dừng lại ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Geogryphical information System) mà đã trở thành ứng dụng đa khoa học”.

Ông Phan Thanh Hùng – Trung tâm Phòng chống Lụt bão Thừa Thiên Huế, cho biết: Từ năm 2000 đến nay, có nhiều dự án nghiên cứu triển khai ứng dụng Gis tạo điều kiện xây dựng hệ thống thông tin địa lý hoàn chỉnh phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tại địa phương. Tuy vậy, nghiên cứu ứng dụng này trong đánh giá mức độ thiệt hại thiên tai ở từng hộ dân cũng đang bỏ ngơ.

Ứng dụng Viễn thám và Gis trong lĩnh vực địa lý học là một hướng nghiên cứu đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới, song còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thạch – ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, trình bày: “Sản phẩm nghiên cứu là bản đồ hiện trạng và nguy cơ phát sinh dịch bệnh theo không gian và thời gian. Các bản đồ này sẽ có giá trị tham khảo cho việc lập kế hoạch và triển khai việc phòng chống dịch bệnh một cách có hiệu quả nhất”.

Trong nghiên cứu và giảng dạy, phần lớn chúng ta sử dụng các phần mềm Gis thương mại, chi phí cao. Trong điều kiện Việt Nam gia nhập WTO, yêu cầu về bản quyền phần mềm sử dụng ở các cơ quan nhà nước rất lớn. Đó là lý do ra đời đề tài Ứng dụng mã nguồn mở thông tin địa lý trong giảng dạy và nghiên cứu môi trường và tài nguyên thiên nhiên của Nguyễn Hiếu Trung – ĐH Cần Thơ. Ngoài chi phí thấp, việc nghiên cứu mã nguồn mở Gis sẽ giúp các nhà nghiên cứu sớm tiếp cận với những kỹ thuật lập trình tiên tiến.

Xây dựng nền tảng Webgis phục vụ cho phát triển hệ thống trợ giúp tìm kiếm phòng trọ sinh viên và quản lý mạng lưới giao thông công cộng thành phố Huế của nhóm Agreenet cũng tạo được sự chú ý bởi tính ứng dụng nó trong chương trình Tiếp sức mùa thi, triển khai thử nghiệm tại địa chỉ: phongtro.agreenet.vn, thay hình thức cập nhật thông tin địa chỉ, giá cả phòng trọ thủ công như hiện nay với giao diện năng động.

Thu Hà (Theo TPO)

Bình luận (0)